Quảng Ninh: Thành lập khu kinh tế đặc thù Vân Đồn, vốn huy động hơn 170.000 tỷ
Mới đây, Chính phủ vừa ra nghị quyết thí điểm thành lập Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh với tổng nhu cầu vốn cần huy động để đầu tư giai đoạn 2019 – 2030 theo quy hoạch là 171.550 tỷ đồng.
Theo nguồn tin từ Chính phủ, vào ngày 14/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức ký ban hành Nghị quyết 102/NQ-CP về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh. Nghị quyết này có hiệu lực trong cùng ngày.
Huy động hơn 170.000 tỷ đồng
Trước đó, vào đầu tháng 6/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch muốn Vân Đồn trở thành khu kinh tế đặc thù với tổng nhu cầu vốn cần huy động để đầu tư giai đoạn 2019 – 2030 theo quy hoạch là 171.550 tỷ đồng.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh trình Thủ tướng quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn.
Theo ‘Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050’, đến năm 2030 Khu kinh tế Vân Đồn được xây dựng trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, là trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực.
‘Vị trí quan trọng, là động lực phát triển cho vùng Đông Bắc’
Nhận xét về điểm mạnh và những lợi thế nếu Vân Đồn được phát triển thành khu kinh tế, Phó Giáo sư – Tiến sĩ kinh tế Ngô Trí Long cho biết: “Vân Đồn dù sao cũng là một tiền tiêu của tổ quốc, đồng thời có những nét sáng tạo độc đáo của nó. Đây là vị trí quan trọng của đất nước, phát triển nó trở thành một vùng kinh tế mạnh thì sẽ có tác động, động lực cho vùng Đông Bắc phát triển tốt.”
Riêng Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương thì lại khẳng định rằng vị trí của Vân Đồn rất có lợi cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Nên việc mở ra khu kinh tế Vân Đồn chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý và sự đầu tư của các doanh nghiệp nước này.
“Họ có thể xuất khẩu và sử dụng các cảng của Việt Nam để xuất sang các nước khác mà hiện nay trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung thì hàng hóa của Trung Quốc đều bị đánh thuế rất cao còn hàng hóa Việt Nam bị đánh thuế bình thường”, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho hay.
Ngoài ra, Tiến sĩ Doanh cũng chia sẻ thêm rằng trong năm 2019 này, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng đầu tư sang Việt Nam rất cao, có lẽ đó cũng là một trong các nhân tố để xem xét về việc quay lại xây dựng khu kinh tế Vân Đồn.
Hơn 400 dự án, tổng vốn đăng ký mới hơn 2 tỷ USD
Theo báo cáo tổng kết của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI đăng ký mới và số dự án đầu tư từ Trung Quốc tiếp tục tăng trong chín tháng đầu năm 2019, với hơn 400 dự án với tổng vốn đăng ký mới hơn 2 tỷ USD.
Khu kinh tế Vân Đồn được thành lập theo Quyết định số 120/2007/QĐ-TTg ngày 26/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm toàn bộ huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; được xây dựng phát triển trở thành trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển – đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp cao cấp về tài chính, ngân hàng, viễn thông; là một cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo thế đan xen lợi ích góp phần bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Vũ Tuấn (t/h)