Những phát minh thời thượng cổ: Phục Hy và Long Vương ai thông minh hơn?
Thời kỳ trước thời nhà Tần được các nhà lịch sử học gọi là thượng cổ, có Tam Hoàng, Ngũ Đế, sau đó là ba triều đại nhà Hạ, Thương, Chu. Trong Tam Hoàng đứng đầu là Phục Hy, người sáng lập nền văn minh Trung Hoa thuở xưa.
Mẹ của Phục Hy là Hoa Tư Thị, sinh sống ở một vùng rất xa tại Tây Bắc. Có một lần, bà tình cờ trông thấy bên cạnh đầm lầy, có một dấu chân của người khổng lồ, cảm thấy rất kỳ quái, bèn dùng chân của mình ướm thử, ai ngờ vừa mới đạp chân xuống, thân thể bỗng nhiên có một loại cảm giác khác thường, về sau thì mang thai, sinh ra Phục Hy. Phục Hy từ nhỏ rất có thần lực, có thể tự do lên xuống cây đại thụ cao vút trời, sau khi lớn lên trở thành Thiên Đế của phương Đông.
Phục Hy trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, hơn nữa còn hiểu biết quy luật của vạn sự vạn vật ở nhân gian. Ông phát minh Bát quái, theo thứ tự là Can (trời), Khôn (đất), Khảm (nước), Ly (lửa), Cấn (núi), Chấn (sấm), Tốn (gió), Đoài (sông). Phục Hy dạy cho dân chúng dùng các loại ký hiệu để ghi chép lại vạn sự vạn vật. Ông còn bắt chước con nhện kết lưới, đem dây thừng bện thành lưới, dạy dân chúng bắt cá, đi săn.
Trí tuệ của Phục Hy: Phát minh ra lưới bắt cá
Khi đó, mọi người sống nhờ vào săn bắt. Bắt được nhiều thú hoang thì ăn nhiều một chút; bắt được ít thì ăn ít; bắt không được thì để bụng đói. Vì thế, trong thời đại đó, miếng ăn trở thành một vấn đề lớn. Phục Hy thấy vậy trong tâm rất khổ sở, ông nghĩ: “Nếu cứ tiếp tục như thế này, chẳng phải rất nhiều người sẽ bị chết đói?” Ông đắn đo suy nghĩ, nghĩ ba ngày ba đêm, cuối cùng vẫn chưa nghĩ ra cách nào.
Đến ngày thứ tư, ông đi đến bờ sông, vừa đi dạo vừa suy nghĩ. Đang đi bỗng nhiên ngẩng đầu nhìn lên, ông trông thấy một con cá chép vừa to vừa mập, nhảy lên từ mặt nước. Điều này khiến Phục Hy chú ý: “Con cá chép này vừa to vừa mập, dùng làm thức ăn không phải sẽ tốt lắm sao?” Ông hạ quyết tâm xuống sông bắt cá, cũng không mất quá nhiều công sức thì bắt được một con cá chép to. Phục Hy mừng rỡ, đem cá chép về nhà.
Phục Hy đem cá chia ra cho những người chung quanh ăn, mọi người ăn xong đều cảm thấy mùi vị không tệ. Phục Hy liền dẫn mọi người đi bắt cá. Cứ như vậy, chưa tới ba ngày, mọi người đều có thể bắt được cá.
Nhưng đến ngày thứ ba, Long Vương bỗng nhiên dẫn theo thừa tướng rùa đen, chạy tới ngăn lại, hung dữ nói với Phục Hy: “Ai cho ngươi tới đây bắt cá? Không cho phép các ngươi làm như vậy nữa!”
Phục Hy không bị lời nói của Long Vương hù dọa, ông khẳng khái mà hỏi lại Long Vương: “Ngài không cho chúng tôi bắt cá, chúng tôi biết ăn gì đây?” Long Vương nổi giận đùng đùng nói: “Các ngươi ăn cái gì, đâu có liên quan gì tới ta? Ta chỉ là không cho các ngươi bắt cá”.
Phục Hy nói: “Được, không được bắt, chúng tôi không bắt cá nữa. Về sau không có gì ăn, chúng tôi sẽ tới uống nước, uống cạn sạch nước ở đây, sẽ làm cho cả thủy tộc đều chết khô cả!”
Long Vương bắt nạt kẻ yếu, sợ hãi kẻ mạnh, nghe Phục Hy vừa nói như vậy, trong tâm quả nhiên sợ hãi. Ông sợ Phục Hy cùng con cháu của ông thực sự sẽ uống cạn sạch nước, như vậy mạng của mình sẽ khó bảo toàn.
Đang lúc tiến thoái lưỡng nan, thừa tướng rùa đen tiến đến bên Long Vương, nói nhỏ với Long Vương: “Ngài xem những người này đều dùng tay bắt cá, ngài đặt cho họ một quy tắc: Chỉ cần bọn họ không uống cạn nước sông, thì cho bọn họ bắt cá, nhưng không được phép dùng tay bắt. Bọn họ không dùng tay thì sẽ không bắt được cá. Như vậy sẽ bảo vệ được Long tử Long tôn, lại bảo toàn tính mạng của Long quân, để bọn họ đứng nhìn nước sông mà không làm được gì, như thế thì tốt biết mấy!”
Long vương nghe xong lời này, vui mừng cười lớn, quay lại nói với Phục Hy: “Chỉ cần các ngươi không uống cạn nước sông, các ngươi muốn bắt cá thì cứ bắt. Nhưng phải tuân thủ quy tắc này, đó là không được dùng tay bắt cá. Nếu các ngươi đồng ý, xem như quyết định như vậy, về sau hai bên đều không được đổi ý!” Phục Hy suy nghĩ rồi nói: “Được thôi!”
Phục Hy đợi Long Vương đi khỏi, bèn suy nghĩ cách bắt cá không dùng tay. Suy nghĩ một thời gian rất lâu, vẫn chưa nghĩ ra được cách nào. Lúc này, ông trông thấy giữa hai cành cây, có một con nhện đang kết lưới. Con nhện bện xong lưới thì bỏ chạy đi núp vào một góc. Một lát sau, vừa muỗi vừa ruồi từ xa xa bay tới đều bị dính lại trên lưới. Con nhện lúc này không cần vội vàng gì, chậm rãi bò từ góc ra, ăn một bữa no nê.
Phục Hy trông thấy con nhện kết lưới bắt côn trùng, trong tâm đột nhiên thông suốt. Ông chạy lên núi, tìm một ít dây leo về làm dây thừng, bắt chước cách nhện kết lưới, làm thành một mạng lưới thô ráp, sau đó lại chặt hai cây gỗ, cột thành chữ thập ở trên lưới, lại buộc một cây gậy dài ở chính giữa, thế là đã làm xong chiếc lưới. Ông đem lưới ra bờ sông, đem thả xuống sông, tay cầm lấy phần gậy dài ngồi bên bờ lặng im chờ đợi. Một lúc sau, kéo lưới lên thì thấy, chao ôi, trong lưới có nhiều cá còn sống đang nhảy! Từ đó về sau, con người đều biết dùng lưới để bắt cá, không bao giờ bị thiếu ăn nữa. Cho tới bây giờ, con người vẫn dùng lưới bắt cá.
Long Vương trông thấy Phục Hy dùng lưới bắt cá, tức giận và lo lắng, nhưng cũng không làm được gì vì bọn họ đều không dùng tay bắt cá! Long Vương ngồi trong Long cung mà tâm trạng rối bời, đôi mắt cũng lồi ra. Cho nên về sau người ta vẽ Long Vương đều có đôi mắt lồi như thế.
Về phần rùa đen, nhìn thấy Long Vương lo lắng như vậy, liền nghĩ giúp Long Vương một chủ ý. Ai ngờ vừa bò lên vai, miệng vừa đặt cạnh bên tai Long Vương thì bị Long Vương cho một cái tát, ngã xuống bình mực ở trên bàn. Rùa đen lăn qua lăn lại trong bình mực, làm cả thân nhuốm đen. Bây giờ con rùa trên thân có màu đen, chính là khi xưa bị Long Vương đánh rơi vào bình mực mà ra.
Phục Hy phát minh ra lửa, dạy con người làm chín thức ăn
Phục Hy còn có cống hiến lớn nhất cho nhân loại, đó chính là phát minh ra cách lấy lửa. Có lửa rồi, con người biết được mùi vị của thức ăn hoang dã nấu chín, học cách làm chín tất cả thức ăn. Cho nên, Phục Hy còn được gọi là “Bào Hy”, với ý nghĩa là không nên ăn thịt sống, sau khi săn bắt được thú hoang cần đem vào bếp mà nấu chín.
Phục Hy vẫn luôn là tên gọi vừa vĩ đại vừa thần bí trong lịch sử Trung Quốc. Cho đến ngày nay, những điều ông sáng lập như Bát quái, vẫn là chỗ mê chưa thể lý giải được của con người. Sự thông minh của ông đích thực là không thể bàn cãi, nếu không thì sao Long Vương lại chịu thua ông chứ? Người được mệnh danh là thủy tổ của Trung Hoa này quả nhiên không những cần cù dũng cảm mà còn đầy trí tuệ!
Natalie (Theo Secretchina)