Phong vân mạn đàm (Kỳ 1): Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông, bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng

03/04/20, 14:14 Cổ Học Tinh Hoa

Lời toà soạnCác dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Lịch sử 5000 năm giống như một vở kịch lớn, đã diễn dịch không biết bao nhiêu bi hoan ly hợp, ân oán ái thù, thành bại hưng suy, thiện ác trung gian. Ngày hôm nay nhìn lại những gì đã qua, chúng ta không khỏi thốt lên rằng: “Non xanh còn đứng đó, mấy độ bóng dương hồng”…

Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng
Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng

Xin chào quý độc giả! Hôm nay chúng ta bắt đầu đàm luận về lịch sử với chuyên đề “Mạn đàm thế sự”, còn được gọi là “Tiếu đàm phong vân” (bàn luận phong vân).

Chúng ta biết rằng Trung Hoa là dân tộc ghi chép về lịch sử lâu dài nhất trên thế giới, với khoảng thời gian trên dưới 5000 năm. Điều đặc biệt là, những gì được ghi chép trong suốt 5000 năm đều không hề gián đoạn, trong đó vừa có biên soạn của sử quan, lại vừa có chỉnh lý của dân gian.

Kể từ sau triều đại nhà Hán, người Trung Quốc đã lưu lại một truyền thống gọi là “cách đại tu sử” (biên soạn lịch sử của triều đại trước đó). Đó là, hoàng đế sẽ chỉ định viên sử quan ghi chép lại mọi sự kiện lớn phát sinh trong triều đại của mình một cách tường tận, trong đó bao gồm cả tình hình thiên tai, kinh tế, chính trị, quân sự, chế độ quan lại, thậm chí cả lời của các vị đại thần nói với hoàng đế và hoàng đế đáp lại như thế nào, v.v. hết thảy đều được ghi chép lại. Những tư liệu ban sơ nhất này sẽ được cất giữ và bảo quản trong sử quán. Đợi đến sau khi vương triều diệt vong, hoàng đế của vương triều kế tiếp sẽ chỉ định ra những Nho sinh kiệt xuất chỉnh lý những tư liệu ban sơ này để viết thành chính sử của triều đại trước. Quá trình này được gọi là “quan tu chính sử” (chính sử được các sử quan biên soạn lại).

Chúng ta biết rằng, trong Nhị thập tứ sử, tuyệt đại đa số các bộ sách sử đều thuộc về “quan tu chính sử”, trong đó có Tam quốc chí do Trần Thọ sống vào thời Tây Tấn biên soạn, Tân Đường ThưTống sửNguyên sửMinh sử, v.v. đều là sử sách đã được biên soạn lại.

Ngoài “quan tu chính sử” thì còn có các sử sách do một vài nhân sĩ trong dân gian tự mình biên soạn. Điển hình nhất là bộ Sử ký do Tư Mã Thiên sống vào đời nhà Hán viết, đây là việc mà bản thân ông muốn làm chứ không phải do Hán Vũ đế chỉ định, bởi phụ thân của Tư Mã Thiên chính là Thái sử quan. Trước lúc lâm chung, phụ thân đã nắm lấy tay thỉnh cầu ông hãy hoàn thành bộ Sử ký này. Tư Mã Thiên đã khóc mà đáp ứng lời dặn dò của phụ thân.

Về sau, Tư Mã Thiên đã đem lịch sử từ thời Hoàng Đế đến niên đại Hán Vũ Đế mà ông đang sống, chỉnh lý thành một bộ thông sử gọi là ‘thể kỷ truyện’ (một thể loại viết sử truyền thống của Trung Quốc: “Kỷ” là bản kỷ của đế vương; “truyện” là các truyện của các nhân vật khác). Sử ký cũng chính là bộ sử thuộc thể kỷ truyện đầu tiên của Trung Quốc. Ngoài ra, vào thời Bắc Tống có một đại văn học gia tên là Âu Dương Tu, bộ Tân Ngũ Đại sử của ông cũng là một trong Nhị Thập Tứ sử, thuộc về sử sách do tự cá nhân biên soạn.

Tranh vẽ Tư Mã Thiên. (Ảnh: Wikipedia)

Trung Quốc có hai cách viết sử chủ yếu, một là “thể kỷ truyện”, và một là “biên niên thể”.

Thế nào gọi là “thể kỷ truyện”? “Kỷ” chính là “bản kỷ”, “Truyện” chính là “liệt truyện” (một loạt các câu chuyện). Nói một cách đơn giản, kỷ truyện là ghi chép lại các câu chuyện của nhân vật. Về cơ bản, mỗi một “bản kỷ” hoặc “liệt truyện” trong Sử ký đều là chuyện kể về một hoặc nhiều nhân vật. Ví như Tần Thủy Hoàng bản kỷ chính là những câu chuyện liên quan đến Tần Thủy Hoàng, Hạng Vũ bản kỷ là các câu chuyện được nói về Hạng Vũ, Lão Tử Hàn Phi liệt truyện là về Lão Tử và Hàn Phi Tử. Lấy nhân vật làm trung tâm để tiến hành sáng tác gọi là thể bản kỷ, chính là sáng tạo của Tư Mã Thiên.

Vậy còn “biên niên thể”? Đây là thể loại sách sử truyền thống của Trung Quốc, biên tập sự việc theo thứ tự ngày, tháng, năm. Ví dụ như Tả truyện là do Tả Khưu Minh sống vào thời Xuân Thu viết. Sử sách biên niên thể không lấy nhân vật làm trung tâm, mà lấy niên đại làm trung tâm để sáng tác, ví như năm nào đó đã phát sinh sự việc gì, năm nào đó đã phát sinh sự kiện gì, v.v. Sau này còn có một số phương thức ghi chép sử sách phi chủ lưu, ví như Quốc Ngữ là dạng ký ngôn (ghi chép lại lời nói của nhân vật), Chiến Quốc sách là thuộc về quốc biệt thể, chính là ghi chép lại lịch sử của một quốc gia. Về sau còn xuất hiện một loại nữa gọi là thể “Kỷ sự bản mạt”, chính là phương thức lấy sự kiện làm trung tâm để viết sử.

Sử ký mà Tư Mã Thiên viết, khoảng cách lịch sử là 3000 năm, đây thật là con số không thể nghĩ bàn. Chúng ta biết bộ sử sách đầu tiên ở Tây phương là của Herodotos – người được hậu thế tôn vinh là ‘cha đẻ của môn sử học’. Tác phẩm của ông mang tên Historiai là bộ sách ghi chép về cuộc chiến tranh giữa Ba Tư và Hy Lạp cổ đại, khoảng cách thời gian cũng không vượt quá 50 năm. Herodotos đã ghi chép lại lịch sử của khoảng thời gian 50 năm, và được tôn vinh là người cha của sử học, khai sáng nên việc ghi chép lịch sử. Về sau còn có Thucydides viết quyển Lịch sử chiến tranh Peloponnesus, tường thuật lại cuộc chiến trên bán đảo Ponnesus, khoảng cách thời gian cũng chỉ là hai mươi mấy năm. Còn Sử ký, với khoảng cách lịch sử 3000 năm, đã vượt xa bộ sách Historiai và Lịch sử chiến tranh Peloponnesus từ 60 đến 100 lần. Vậy nên, lịch sử Trung Quốc có được những ưu thế mà rất nhiều tư liệu ghi chép của Tây phương không thể so sánh được.

Một trang trong cuốn Sử ký. (Ảnh: Wikipedia)

Hơn nữa khi biên soạn sách sử, Tư Mã Thiên không chỉ vỏn vẹn ghi chép lại một số sự kiện hoặc đối thoại, mà còn có liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác như thiên văn, thủy lợi, lễ nghi, âm nhạc… và có mức độ chi tiết tường tận, ví như nói nơi này sản xuất ra những mặt hàng gì, rồi sau đó tình hình hoạt động thương nghiệp như thế nào, bao gồm cả bách gia chư tử, tư tưởng triết học của họ, v.v. Vậy nên, những ghi chép lịch sử của Trung Quốc là một pho sử sách mang tính tổng hợp, chứ không đơn giản chỉ là ghi chép một vài sự tình hay đối thoại. Giống như trong Sử ký, “Thiên quan thư” là nói về mối quan hệ đối ứng giữa trình tự sắp xếp của nhật nguyệt tinh tú trên trời với con người và sự việc trên mặt đất, “Hà Cừ thư” là những ghi chép liên quan đến phương diện thủy lợi. Vậy nên, lịch sử của Trung Quốc rất có tính hệ thống và tính tổng hợp.

Hơn nữa, Sử ký không chỉ là lịch sử Trung Quốc mà còn bao gồm cả những quốc gia khác hoặc các dân tộc thiểu số mà người Trung Quốc đương thời có thể tiếp xúc đến. Ví như nói, Đại Uyển liệt truyện chính là lịch sử của nước Đại Uyển ở Tây vực, Tây Nam Di liệt truyện là lịch sử của các dân tộc thiểu số sống ở vùng tây nam Trung Quốc, Triều Tiên liệt truyện là lịch sử của bán đảo Triều Tiên. Vậy nên, Sử ký không chỉ là một bộ lịch sử tổng hợp, hệ thống, mà còn là thông sử mang tính thế giới thời bấy giờ.

Tư Mã Thiên viết Sử ký có ba mục đích: Thứ nhất gọi là “cứu thiên nhân chi tế”, thứ hai là “thông cổ kim chi biến”, thứ ba là “thành nhất gia chi ngôn”. Cũng chính là nói, Tư Mã Thiên muốn thăm dò mối quan hệ giữa trời đất và con người, đem mọi biến hóa từ cổ chí kim toàn bộ đều viết lại trong bộ sách, đồng thời đưa ra một bộ lịch sử quan của ông, đây chính là mục đích viết sử của Tư Mã Thiên.

Bộ sử sách biên niên thể dài nhất của Trung Quốc tên Tư Trị Thông Giám là do Tư Mã Quang sống vào thời Bắc Tống viết. Mục đích của Tư Mã Quang khi viết Tư Trị Thông Giám là khác với Tư Mã Thiên: Tư Mã Thiên là vì để “thăm dò mối quan hệ giữa trời và người, am hiểu hết mọi sự đổi thay từ xưa đến nay, và biến nó thành ngôn luận của một nhà”, còn mục đích của Tư Mã Quang viết là để chỉ bảo hoàng đế trị lý quốc gia như thế nào.

Tranh vẽ Tư Mã Quang. (Ảnh: Wikipedia) 

Khi viết Tư Trị Thông Giám, Tư Mã Quang đã trải qua hai triều hoàng đế là Anh Tông và Thần Tông thời Bắc Tống. Sau khi ông dâng lên quyển sách này, hoàng đế đã miệt mài đọc đêm ngày, quyển sách có ý nghĩa trợ giúp rất to lớn trong việc trị lý đất nước, vậy nên được hoàng đế ban cho cái tên Tư Trị Thông Giám (xem xét việc xưa mà giúp ích cho việc trị nước). “Tư” ở đây chính là mang lại, “Trị” chính là quản lý, “Thông Giám” chính là thông sử, hơn nữa còn có tác dụng tham khảo, vậy nên gọi là “Tư Trị Thông Giám”. Tư Trị Thông Giám là bộ sử sách biên niên thể dài nhất Trung Quốc, khoảng cách thời gian của nó bắt đầu từ những năm đầu thời Đông Chu Chiến Quốc, mãi cho đến trước khi Triệu Khuông Dẫn của thời Bắc Tống làm hoàng đế, tổng cộng là 1.362 năm. Vậy nên, chúng ta thấy hai vị Tư Mã của giới sử học: Tư Mã Thiên và Tư Mã Quang, mặc dù cùng nghiên cứu lịch sử và biên chép lịch sử, nhưng mục đích lại khác nhau. Đương nhiên, ngày nay có rất nhiều người thích đọc lịch sử, vậy vì sao các vị lại thích đọc lịch sử? Tôi nghĩ mỗi người đều có lý giải của riêng mình.

Đôi lời bộc bạch: Hiên Viên Hoàng Đế được xưng là “nhân văn sơ tổ” (ông tổ của nền văn minh Trung Hoa), mà Thương Hiệt người phát minh ra chữ Hán thì là sử quan thân cận của Hiên Viên Hoàng Đế. Điều ấy nói nên rằng dân tộc Trung Hoa từ khi bắt đầu bước vào nền văn minh đã có sự gắn bó keo sơn với lịch sử. Trong cái nhìn của giới sử học, trước đây chưa từng có một dân tộc nào lại kính sợ đến mức thành kính với lịch sử như vậy, nhờ đó nên họ mới có thể lưu lại những ghi chép về chính sử kéo dài liên tục suốt 5000 năm của nhân loại. Từ Tả truyện bộ sử sách được viết theo thể biên niên đầu tiên, rồi Sử ký bộ thông sử viết theo thể bản kỷ đầu tiên, rồi Tư Trị Thông Giám bộ thông sử biên niên thể bậc nhất… cho đến chính sử của các vương triều được chỉnh lý sau khi thay đổi triều đại, người Trung Quốc đã đem rất nhiều sự thật lịch sử trân quý, trí huệ uyên thâm và phản tư đối với lịch sử mà ghi chép lại, trở thành tải thể quan trọng xuyên suốt nền văn minh Trung Hoa.

Nói đến lịch sử, tôi thường hay nghĩ đến bài từ mở đầu trong Tam quốc diễn nghĩa, tên điệu của bài từ này là “Lâm Giang Tiên”:

Hán Việt:

Cổn cổn Trường Giang đông thệ thuỷ
Lãng hoa đào tận anh hùng.
Thị phi thành bại chuyển đầu không.
Thanh sơn y cựu tại
Kỷ độ tịch dương hồng.

Bạch phát ngư tiều giang chử thượng
Quán khan thu nguyệt xuân phong.
Nhất hồ trọc tửu hỉ tương phùng.
Cổ kim đa thiểu sự
Đô phó tiếu đàm trung.

Dịch nghĩa:

Nước sông Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông
Bọt sóng tung lấp vùi hết anh hùng.
Đúng sai, thành bại cũng đều biến thành không.
Chỉ có núi xanh vẫn mãi như xưa
Dù trải bao lần ráng chiều soi đỏ.

Những người chài cá và tiều phu đầu bạc trên bến sông
Đã quen nhìn trăng thu, gió xuân (ý nói từng trải).
Một vò rượu đục, vui mừng gặp nhau.
Xưa nay bao nhiêu chuyện đã qua
Đều mang vào trong những cuộc chuyện, tiếng cười.

Dịch thơ (theo Thivien Net):

Cuồn cuộn về đông sông mãi chảy,
Cuốn trôi hết thảy anh hùng.
Đúng sai thành bại phút thành không.
Non xanh còn đứng đó,
Mấy độ bóng dương hồng.

Tóc bạc ngư tiều trên bến nước,
Quen nhìn gió mát trăng trong.
Một bầu rượu đục lúc tương phùng.
Cổ kim vô số chuyện,
Cười nói luận đàm ngông.

Bài từ này là khúc dạo đầu trong Tam quốc diễn nghĩa, rất nhiều người cho rằng đó là của La Quán Trung. Không phải vậy, tác giả của bài từ này là một học sĩ sống vào khoảng giữa triều Minh tên là Dương Thận. Sau này đến nhà Thanh, cha con Mao Tông Cương chỉnh lý bộ Tam quốc, lúc phê bình chú giải cho Tam quốc đã đem bài từ này của Dương Thận (tên nguyên gốc là “Thuyết Tần Từ”), cho vào phần đầu của Tam quốc diễn nghĩa, xem như là lời mở đầu.

Vì sao tôi lại nhắc đến bài từ này? Bởi vì nó mang đến cho chúng ta một loại tâm thái trong việc nhìn nhận đối đãi với lịch sử. Lịch sử Trung Quốc là vô cùng phong phú, trong đó có sử thi anh hùng của Đại Hán, có vạn nước đến viếng thăm của Đại Đường, có văn hóa kinh tế phát triển của thời nhà Tống, cũng có văn trị võ công của Khang Càn thịnh thế, có đỉnh cao nghệ thuật của Đường thi Tống từ, cũng có tiểu thuyết chương hồi “sang hèn cùng thưởng thức” của thời Minh Thanh, có anh hùng đại lược của Tần Hoàng Hán Vũ, có tinh trung báo quốc của Nhạc Vũ Mục, có nghĩa khí ngất trời của Quan Vân Trường, còn có các bậc Thánh nhân như Khổng Tử, danh tướng thiên cổ như Hàn Tín, Nhạc Phi, còn có các tông sư nhà Phật như Đạt Ma, Huyền Trang, các bậc Chân Nhân của Đạo gia như Trương Tam Phong, còn có thích khách giống như Chuyên Chư, Dự Nhượng. Trong đây còn có trí huệ của Đạo gia, có từ bi của Phật gia, có nhân nghĩa của Nho gia, kỳ kế của Binh gia, quỷ kế của Pháp gia.

Những nhân vật trên, dẫu là trong lịch sử họ đã kiến lập được công tích vĩ đại oanh oanh liệt liệt thế nào, đưa ra những học thuyết gì, đã làm những sự tình nào… thì hiện nay họ đang ở đâu đây? Họ đều đã thành người thiên cổ! Nên mới nói mỗi khi nghĩ đến những nhân vật này, chúng ta thường sẽ không khỏi thốt lên những lời cảm thán như vậy: “Đúng sai thành bại phút thành không”. Rất nhiều những công lao vĩ đạo, trong dòng sông dài đằng đẵng của lịch sử hệt như trong phút chốc, nháy mắt một cái đã qua đi rồi. Nhưng Dương Thận, ông lại chính ở trong phút chốc ấy mà nhìn thấy được sự vĩnh hằng, chính là “non xanh còn đứng đó, mấy độ bóng dương hồng”. Trong lịch sử 5000 năm, hết thảy đều giống như một vở kịch lớn, đã diễn dịch không biết bao nhiêu bi hoan ly hợp, ân oán ái thù, thành bại hưng suy, thiện ác trung gian.

Hôm nay, hãy để chúng ta dùng một loại tâm thái siêu thoát để nhìn nhận lại đoạn lịch sử đã qua, cũng chính là: “Cổ kim vô số chuyện, cười nói luận đàm ngông”…

(Còn tiếp)

(Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng được đăng tải trên NTDTV)

Theo ĐKN

Ad will display in 09 seconds

Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

Ad will display in 09 seconds

Người cá đang sống ở đâu?

Ad will display in 09 seconds

Không gian khác có thật sự tồn tại

Ad will display in 09 seconds

Vì nó là bạn cháu!

Ad will display in 09 seconds

Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

Ad will display in 09 seconds

Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

Ad will display in 09 seconds

3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

Ad will display in 09 seconds

3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

  • Vì sao không làm việc gian dâm nhưng  vẫn bị Thần trách phạt?

    Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

    Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

  • Người cá đang sống ở đâu?

    Người cá đang sống ở đâu?

  • Không gian khác có thật sự tồn tại

    Không gian khác có thật sự tồn tại

  • Vì nó là bạn cháu!

    Vì nó là bạn cháu!

  • Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

    Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

  • Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

    Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

  • 3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

    3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

  • 3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

    3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng