Phản đối thi công, một phụ nữ bị máy xúc chèn qua người
TTO – Vụ việc xảy ra vào sáng 10-7 tại Cẩm Điền (Cẩm Giàng, Hải Dương). Trong lúc đưa máy xúc vào trong khu công nghiệp Cẩm Điền, một người dân cản trở đã bị máy xúc của đơn vị thi công chèn qua người.
Hàng trăm người dân bức xúc tập trung ra đường để phản đối đơn vị thi công. Một số người đã quay lại video clip đưa lên mạng. Theo hình ảnh ghi lại từ clip, một phụ nữ bị máy xúc chèn qua, một phần thân thể từ ngang ngực trở lên nằm gọn dưới bánh xích sắt. Nhiều người dân hoảng hốt ra ngăn cản máy xúc. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Hồng Khiêm, chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết tình hình trật tự đã tạm thời ổn định nhưng nhiều người dân vẫn tập trung tại Khu công nghiệp, không chịu về nhà. Theo ông Khiêm, người phụ nữ bị máy xúc chèn qua tên là Lê Thị Châm (55 tuổi), trú tại xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Hiện bà Châm đang được cấp cứu trong bệnh viện chứ không phải tử vong như một số thông tin trên mạng xã hội. Theo thông tin báo cáo từ Công an huyện Cẩm Giàng gửi UBND huyện, bà Châm bị gãy xương bả vai, chấn thương vùng mặt và người. Ông Khiêm cho biết thêm từ chiều 9-7, chủ đầu tư khu công nghiệp này là VSIP đã đưa máy móc vào thi công nhưng bị người dân cản trở. “Sáng nay đơn vị thi công do VSIP thuê tiếp tục đưa máy móc vào thì người dân tập trung đông phản đối, giữa hai bên xảy ra xô xát. Sau khi một phụ nữ bị thương được đưa vào bệnh viện cấp cứu thì người dân đã chặn đánh người lái máy xúc. Theo thông tin ban đầu, người lái máy xúc bị thương nhẹ”.
Cũng theo ông Khiêm, khu công nghiệp này có diện tích 150ha. Khu đất này được cưỡng chế và giao cho công ty Phúc Hưng từ năm 2008. Có 56 hộ dân không chịu nhận đền bù và giao đất. Chính quyền đã quyết định cắt một phần đất, đầu tư cơ sở vật chất, làm đường vào và trả lại nhưng người dân cũng không chịu nhận và cản trở nhà đầu tư thi công xây dựng tại đây. Đầu năm 2015, phía công ty Phúc Hưng đã chuyển giao lại khu đất cho VSIP. “Khoảng đầu tháng 5, dự án xây dựng khu công nghiệp của VSIP đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy phép đầu tư. Tuy nhiên 56 hộ dân cùng nhiều hộ dân đã nhận tiền đến bù kéo ra khu công nghiệp để cản trở thi công. Chính quyền đã vận động thuyết phục nhiều lần nhưng bà con không nghe. Bà con yêu cầu chủ đầu tư phải đền bù 250 triệu đồng một sào bắc bộ (360 m 2 )”, ông Khiêm nói. THÂN HOÀNG – TIẾN THẮNG
|
Theo Tuổi Trẻ