Nước sông Hoàng Hà từ đục biến thành trong, dự ngôn Thôi Bối Đồ đã ứng nghiệm?
Hoàng Hà là con sông dài thứ hai ở Trung Quốc, rất nổi tiếng với nước sông vàng đục. Nhưng một số năm gần đây, nước sông Hoàng Hà bỗng nhiên trở nên trong suốt, ứng nghiệm với những lời dự ngôn xưa.
Nước sông Hoàng Hà những năm gần đây bỗng trở thành trong, các quan chức thường nói rằng, đây chính là thành quả sau nhiều năm cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nhưng các chuyên gia chỉ ra, lượng bùn cát của sông Hoàng Hà giảm đi sẽ phá hỏng cân bằng sinh thái. Trong “Thôi Bối Đồ” thì tiên đoán rằng, nước Hoàng Hà biến thành trong thì sẽ xuất hiện chân mệnh thiên tử hay Thánh nhân hạ thế.
Ở Trung Quốc, Hoàng Hà là con sông chỉ dài sau sông Trường Giang. Chữ “Hoàng” trong Hoàng Hà là miêu tả nước sông đục ngàu, điều này từ lâu đã được ghi lại trong sách cổ: Trong “Tả truyện. Tương công bát niên” thời kỳ Chiến Quốc hay trong “Dật chu thi” của Tử Tứ nước Trịnh đều nói rằng: “Hoàng Hà biến thành trong là chuyện hiếm gặp!”.
Vì vậy dân gian cũng có câu nói rằng: “Nhảy vào Hoàng Hà sẽ rửa không sạch”. Nhưng con sông này có hàm lượng cát trong nước rất lớn, vận chuyển lượng cát lớn nhất thế giới, trong mấy năm gần đây lại xuất hiện hiện tượng lạ: Nước sông tại hơn 1200km trung nguồn của Hoàng Hà biến thành trong.
Đối với việc này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban thủy lợi Hoàng Hà, nguyên Cục trưởng Cục thuỷ văn Trần Tiên Đức cho biết, tình trạng “nước sông Hoàng Hà trong”, là thành quả cố gắng của rất nhiều thế hệ bắt đầu từ lúc khai triển “Nhân dân trị Hoàng” từ năm 1946 cho đến nay.
“Thôi Bối Đồ”: Hoàng Hà biến thành trong, Thánh nhân hạ thế
Sông Hoàng Hà trong có thể duy trì bao lâu thì không để đoán trước, nhưng trong dự ngôn “Thôi Bối Đồ” nổi tiếng thời đại nhà Đường đã tiên đoán rằng, nước sông Hoàng Hà biến thành trong thì sẽ có chân mệnh thiên tử hay còn gọi là Thánh nhân hạ thế.
Từ thời kỳ Tam Quốc, Lý Khang của triều Ngụy trong “Vận mệnh luận” của mình đã nói: “Hoàng Hà trong Thánh nhân sinh”. Còn có những cách nói lưu truyền trong dân gian rằng Hoàng Hà năm trăm năm biến thành trong một lần, thậm chí còn nói “ngàn năm khó gặp Hoàng Hà biến trong”.
La Quán Trung triều đại nhà Minh trong “Bình Sơn Lãnh Yên” hồi 8 viết rằng: “Thiên có đạo thánh nhân sinh, đại địa sông núi tận hiệu linh. Bụi đục tưởng ưng đào thải tận, Hoàng Hà vạn dặm tức thời trong”. Là ý nói, khi Thánh nhân xuất hiện, đại địa sông núi đều xuất hiện linh dị, trong trần thế những gì không sạch sẽ bị loại bỏ, vạn dặm Hoàng Hà biến thành trong chính là dấu hiệu báo trước.
“Thôi Bối Đồ”, cuốn sách sấm do quan Tư Thiên Giám Lý Thuần Phong và ẩn sĩ Viên Thiên Cang đồng biên soạn vào đầu những năm Trinh Quán của triều Đường trong Tượng thứ 54 có viết:
Sấm viết:
Lỗi lỗi lạc lạc
Tàn kỳ nhất cục
Trác tức cầu an
Tuy tiếu diệc khốc
Tụng viết:
Bất phân ngưu thử dữ ngưu dương
Khứ Mao tồn khoát thượng xưng cường
Hoàn trung tự hữu Chân Long xuất
Cửu khúc Hoàng Hà thủy bất hoàng
Tạm dịch:
Sấm rằng:
Quang minh lỗi lạc
Một ván cờ tàn
Thở phào cầu an
Tuy cười mà khóc
Tụng rằng:
Không phân trâu chuột hay trâu dương
Bỏ lông giữ da hãy xưng cường
Trong cõi tự có Chân Long xuất
Chín khúc Hoàng Hà nước không vàng.
Trong đồ hình là năm đứa trẻ chăn trâu (tiểu mục đồng), tay cầm gậy ngắn (tiểu bổng) đang xua đuổi một con trâu. Trong phiên bản khác là một con ngựa có sừng trâu, cái đầu khá nhỏ, hơi giống con dê, trong đó hàm chứa huyền cơ. Không cần đến năm người cản một con trâu, đây chỉ là lấy hình thức để biểu đạt mà thôi.
Kim Thánh Thán (nhà bình giải sống vào cuối triều Minh đầu triều Thanh) năm ấy đã nhìn ra được như sau: “Tượng này có điềm báo là khứ danh đi để tồn tại“. Ngoài ra, người Trung Quốc trong quá khứ dùng câu thành ngữ “thập dương cửu mục”, tức “mười con dê, chín kẻ chăn” để hình dung quan viên số lượng rất nhiều, nhân dân không chịu nổi gánh nặng. Ở đây lại dùng “nhất ngưu ngũ mục”, tức “một con trâu, năm kẻ chăn” để ẩn dụ về hệ thống quan liêu nặng nề hủ bại.
“Quang minh lỗi lạc; Một ván cờ tàn” là chỉ sau khi chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô và Đông Âu giải thể, đối với toàn bộ phe cộng sản mà nói thì đã đi vào tàn cuộc rồi. Ở đây miêu tả tâm lý con người rất sâu sắc.
“Thở phào cầu an, Tuy cười mà khóc” chính là ĐCSTQ cảm thấy uy hiếp cực đại, tuy nhiên vẫn còn mấy “tiểu huynh đệ” như Cu Ba, Triều Tiên, v.v. làm bạn, chỉ không thể “cười” mà thôi. Lúc ấy ĐCSTQ đã làm những điều sau: phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa và ngoại giao, phát triển thể thao, v.v. tất cả đều nhằm duy trì chính quyền của mình, đều là sách lược “cầu an”.
“Không phân trâu chuột hay trâu dương; Bỏ lông giữ da hãy xưng cường”, ý là vào thời điểm này, Trung Quốc không có ai còn tin vào lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản, người đương quyền chỉ là đang chèo chống bộ da lông của chủ nghĩa cộng sản mà thôi, đối với các đại tội mà ĐCSTQ đã gây ra với nhân dân thì có chết cũng không trả hết nợ được. Đến mức thiện ác thị phi như thế nào thì họ cũng không thèm quan tâm nữa.
“Trong cõi tự có Chân Long xuất; Chín khúc Hoàng Hà nước không vàng”, chỉ khổ tận cam lai, hết nỗi khổ thì đến hạnh phúc, quá khứ giảng rằng khi nước Hoàng Hà chuyển thành trong là lúc có Thánh nhân xuất hiện. Đây cũng là câu đố chữ, “Hoàng” (黄) trong Hoàng Hà tức là nước đục, là vì trong nước có chứa đất và cát, cũng chính là chữ “Điền – 田” có đầu “由”, bỏ đi “由”, thì chữ “Hoàng – 黄” sẽ thành chữ “Cộng – 共”. Ấy là để nói, sau khi ĐCSTQ cầm quyền thì Thánh nhân hạ thế.
Trong mấy ngàn năm qua, dự ngôn của các dân tộc khác nhau đều đề cập rằng, vào một thời khắc đặc biệt, nhân loại sẽ phải đối mặt với một đại tai nạn mang tính hủy diệt. Đến lúc đó, một vị Thánh nhân sẽ xuất hiện, cứu vớt thế gian thoát khỏi nguy nan, cũng chỉ dẫn con đường trở về, mở ra một kỷ nguyên mới.
Lê Hiếu (Theo Epoch Times)