Nước bị diệt vong có thể phục hưng, văn hóa bị tiêu hủy thì tất cả đều bị hủy
“Nước bị diệt vong còn có thể phục hưng, nhưng văn hóa bị tiêu hủy thì tất cả đều bị hủy”, câu nói nổi tiếng của nhà lãnh đạo Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Nước bị diệt vong có thể phục hưng, văn hóa bị tiêu hủy thì tất cả đều bị hủy
Trong thời kỳ kháng Nhật, toàn bộ sinh viên trường Đại học Liên hợp Tây Nam đã đi bộ từ Bắc Kinh đến Côn Minh để tránh nạn. Trước nay, nhiều người vẫn chỉ nghĩ đơn thuần như vậy.
Sau khi nghiên cứu một vài tài liệu mới biết rằng, chỉ có khoảng hơn 300 nam sinh viên và vài chục giảng viên là đi từ Trường Sa đến Côn Minh, tất cả những người đi bộ đều phải qua kiểm tra sức khỏe rất kỹ lưỡng, và được trung tướng Hoàng Sư Nhạc dẫn quân theo bảo hộ. Những sinh viên và giảng viên còn lại đều ngồi xe đi đường vòng qua Quảng Tây tới Côn Minh, toàn bộ chi phí đều được Bộ Giáo dục chi trả.
Hồi đó Quốc quân (quân Quốc Dân Đảng) một hàng mới có một cái khăn mặt, trang bị cho mỗi người một cái mũ sắt cũng là điều khó thực hiện, vậy đất nước làm gì có đủ tiền để di chuyển nhiều người đi như vậy?
Lý do chính bắt đầu từ một câu nói của Tưởng Giới Thạch: “Đất nước bị diệt vong rồi còn có thể phục hưng, văn hóa bị tiêu hủy thì tất cả sẽ bị hủy diệt“.
Tưởng Giới Thạch đã bỏ rất nhiều tâm huyết cho giáo dục. Lúc đó, ông ra lệnh cho các trường không được ngừng dạy, thầy cô giáo không thể bị cắt giảm lương. Trường học nằm trong vùng bị chiếm đóng phải tiếp nhận học sinh lưu vong một cách vô điều kiện. Đến tận lúc nước mất nhà tan, Tưởng Giới Thạch vẫn luôn lo nghĩ cho nền giáo dục nước nhà và thế hệ tương lai của đất nước. Ông còn nói, nước mất nhà tan, việc gì có thể chậm trễ nhưng cho trẻ em đi học thì không thể chậm trễ.
Trong tiểu thuyết “Vây thành”, Tiền Chung Thư miêu tả rằng, Phương Hồng Dần và những giáo viên dạy tại trường Đại học Tam Lư là ngồi trên khoang hạng nhất của tàu từ Thượng Hải mà đến. Khoang hạng nhất vốn chỉ dành cho thương gia, quan chức, đủ hiểu các giáo viên thời ấy được biệt đãi thế nào.
Sau này, Phương Hồng Dần lâm vào cảnh khốn cùng trên đường chính là bởi vì tiền trợ cấp gửi không thể đến tay họ. Trong toàn cuộc kháng chiến, các giáo viên này chưa từng lâm vào cảnh thiếu tiền trợ cấp như vậy.
Hơn 300 sinh viên đi bộ có Hoàng trung tướng hộ vệ, cứ sau mỗi giờ lại uống nước một lần, đi 40 dặm thì nghỉ ngơi một lần, quân hộ vệ đối xử với họ rất chu đáo. Hồ Nam là nơi có rất nhiều thổ phỉ nhưng bất ngờ là người ta thấy có treo những tấm bảng kiểu như: “Thổ phỉ, xin hãy buông tha cho sinh viên”.
Đến Vân Nam, chủ tịch Long Vân Long lệnh cho quân lính đến dàn ra hai bên đường để hộ vệ, không được mắc một sai lầm nào. Khi sinh viên đến Côn Minh cũng không lập tức đi vào thành, mà ở tại cầu gỗ lớn nghỉ ngơi một đêm. Ngày hôm sau mới tổ chức một lễ đón sinh viên vào thành phố rất long trọng, mọi người đổ xô ra đường chào đón.
Tại Côn Minh, giảng viên và sinh viên Đại học liên hợp Tây Nam ngoài việc dạy và học ra còn tổ chức các hoạt động tuyên truyền kháng chiến chống Nhật. Việc nghiên cứu khoa học xã hội và khoa học tự nhiên tại trường rất được coi trọng và chưa bao giờ bị gián đoạn. Ngoài ra còn xây học viện giáo dục, trường tiểu học trực thuộc, trường trung học trực thuộc, trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật thì đây được coi là những đầu tư vô cùng xa xỉ.
Sinh viên trường Đại học liên hợp Tây Nam phải hành quân 4 lần để tránh nạn bởi thời đó chính phủ cho rằng sinh viên là tương lai của đất nước. Lần tòng quân thứ 4 là trong thời kỳ chiến tranh biên giới tàn khốc, phải hành quân qua Miến Điện. Lúc đó cần rất nhiều phiên dịch, nhân tài kỹ thuật, hơn 1.000 sinh viên trường Tây Nam đã tham gia hỗ trợ.
Trường Đại học liên hợp Tây Nam là một kỳ tích của giáo dục trong lịch sử thế giới, “Quốc gia diệt vong có thể phục hưng, nhưng văn hóa hủy thì mọi thứ đều bị hủy” – điều này cho thấy rằng chính phủ của Tưởng Giới Thạch coi trọng giáo dục như thế nào!
Tác giả: Giáo sư Ngụy – trường Đại học Sư phạm Thủ đô (Capital Normal University)
Lê Hiếu biên dịch