Nới room tín dụng và cảnh báo sớm
(ĐTCK) Tín dụng đóng vai trò gì cho tăng trưởng kinh tế? Câu trả lời là vô cùng quan trọng với một nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào dòng vốn ngân hàng. Nhưng đôi khi dòng vốn bơm quá mạnh tạo tiền đề cho lạm phát rất lớn
Tín dụng tăng cao từng vài lần gây hậu quả nghiêm trọng. 18 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng được nới chỉ tiêu tín dụng, trong đó có ngân hàng được tăng trưởng tín dụng tới 36% trong năm nay. Thông tin nới room tăng trưởng tín dụng có lẽ là tin nóng nhất với giới ngân hàng thời gian này. Nới room là cần thiết khi nền kinh tế đã ổn định và bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng, nhưng nới với tốc độ hơn 30% khiến nảy sinh không ít ý kiến về rủi ro có thể xảy ra, bởi thực tế tín dụng tăng cao từng vài lần gây hậu quả nghiêm trọng. Phải nói rằng, việc nới room nhận được sự ủng hộ từ không ít ngân hàng, bởi với một “hạn mức” thấp thời điểm đầu năm, đa số các ngân hàng dù mới đi qua nửa chặng đường năm 2015 đã sử dụng hết room tăng trưởng được NHNN cho phép. Trong khi phần lớn lợi nhuận của ngân hàng đến từ hoạt động tín dụng thì rõ ràng mức điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng đồng nghĩa với việc áp lực về kết quả kinh doanh cuối năm sẽ có những giảm tải nhất định. Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho biết, mặc dù tăng trưởng tín dụng không còn ồ ạt và dễ dãi như trước đây, nhưng “cuộc đua” này vẫn rất âm thầm và ráo riết giữa các nhà băng. Các ngân hàng trước áp lực tăng trưởng tín dụng nên tìm mọi cách đẩy vốn ra nhưng với 70% DN không đáp ứng được yêu cầu vay vốn, ngân hàng không dám hạ chuẩn tín dụng, giải pháp là phát triển mạnh mẽ ngân hàng bán lẻ và đặc biệt là cho vay tiêu dùng… Nhưng về phía ngược lại, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) nêu quan điểm, đừng ảo tưởng trong việc tăng trưởng cho vay tiêu dùng bởi: thứ nhất, một quốc gia khi nghĩ đến thúc đẩy tiêu dùng thị trường nội địa thì phải là một đất nước có thu nhập tầm cỡ như Trung Quốc. Nghĩa là thu nhập quốc dân bình quân đầu người trung bình ít nhất 6.000 USD trở lên giúp thị trường nội địa trở thành sức mạnh thực sự để đảm bảo quốc gia đó tăng trưởng kinh tế trên 6%/năm; thứ hai, phải đi bằng 2 chân với chân chính là thị trường thế giới còn thị trường nội địa chỉ ở mức hỗ trợ. “Việt Nam thu nhập quốc dân đầu người mới hơn 1.000 USD, thị trường nội địa dung lượng không đáng kể, mà cứ đẩy cho vay tiêu dùng lên không khéo nguồn vốn lại rơi vào khu vực đầu cơ bất động sản, chứng khoán…”, TS. Nghĩa nói. Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP thừa nhận: “Rất có thể với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mới là mầm mống của rủi ro và có thể không xảy ra ngay cuối năm mà phải sau vài năm tới, như bài học đã từng xảy ra năm 2009”. Thực tế cũng đã cho thấy, sau thời kỳ tăng trưởng tín dụng dễ dãi, hệ thống ngân hàng đang phải mất rất nhiều công sức để xử lý nợ xấu từ con số khoảng 17% thời điểm tháng 9/2012 được NHNN công bố đến dưới 3% cuối năm 2015. Con số từ Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho biết, đến cuối năm 2014, hệ thống các TCTD đã xử lý được tổng số 311 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tương đương 67% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9/2012. Nhờ đó, nợ xấu được kiềm chế và tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các TCTD đến cuối năm 2014 là 145,2 nghìn tỷ đồng tương đương 3,25% tổng dư nợ và nợ xấu theo số liệu giám sát của NHNN là 214,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,83% tổng dư nợ “Xử lý nợ xấu vẫn đang trong tiến trình nhưng con số xử lý 6 tháng đầu năm vẫn còn khá ì ạch thì nợ xấu lại tiếp tục tăng. Do đó, các ngân hàng không nên chạy theo chỉ tiêu được giao cũng như cho vay bằng mọi cách, nếu không sẽ lặp lại vòng xoáy tăng trưởng nóng, rồi lại nợ xấu lớn như thời gian qua”, vị Tổng giám đốc trên nói. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên tới 30 – 40% thực tế là tăng trưởng nóng và về nguyên tắc chắc chắn có độ rủi ro giống như tăng trưởng tín dụng nhiều năm trước đây. Khi các ngân hàng cho vay bừa bãi, sai mục đích, thị trường bất động sản có bong bóng… Tuy nhiên, độ rủi ro về thực chất của giai đoạn trước khác bây giờ, bởi các ngân hàng đã học hỏi được bài học nợ xấu của nhiều năm vừa rồi. “Hiện tại, mức độ giao chỉ tiêu mới có rủi ro nhưng với mức độ kiểm soát tốt hơn trước đây sẽ giảm thiểu được rủi ro. Do đó, để tránh rủi ro đối với nền kinh tế đòi hỏi nội tại ngân hàng phải có hệ thống quản lý rủi ro chặt chẽ; NHNN phải thường xuyên giám sát để có thể ngăn chặn và cảnh báo ngân hàng về nợ xấu và chính khách hàng đi vay vốn cũng phải có trách nhiệm đối với nguồn hoàn trả của khoản vay. Theo đó, điều chỉnh chỉ tiêu mới tăng lên, có “nóng” nhưng tôi hy vọng, việc kiểm soát chất lượng cho vay sẽ tốt hơn”, TS. Hiếu nói. Nhuệ Mẫn
|
Theo Đầu Tư Chứng Khoán