Nới room: Không dễ mở ra kỷ nguyên mới
(ĐTCK) Nếu phải liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để có câu trả lời về tỷ lệ room tối đa áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, chẳng khác nào DN sẽ bước vào một ma trận. Bởi nếu không có quy định nào về vấn đề này trong các văn bản quy phạm pháp luật, sẽ rất khó để các cơ quan quản lý trả lời được câu hỏi này.
Trên 2 sàn chứng khoán, hiện có khoảng 33 công ty đã kín room và 19 công ty gần kín room ngoại Bắc thang đi hỏi… Nếu nhìn vào danh sách khoảng 33 công ty đã kín room và 19 công ty gần kín room trên 2 sàn, sẽ có rất nhiều DN có ngành nghề đang kinh doanh, hoạt động thuộc danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, hoạt động dầu khí, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh bất động sản, dịch vụ viễn thông, khai thác kinh doanh thủy sản, sản xuất thức ăn chăn nuôi, kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế, sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ… “Với những DN thuộc các ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, các DN cần chủ động liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để có câu trả lời về tỷ lệ room tối đa áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài”, hướng dẫn của UBCK viết. Điều này có nghĩa, các DN ngành dược như Dược Hậu Giang, Domesco (DMC) sẽ phải liên hệ với Bộ Y tế để tìm câu trả lời về room; các DN bất động sản như Nam Long (NLG), Khang Điền (KDH) sẽ phải liên hệ với Bộ Xây dựng; còn Vinasun (VNS) kinh doanh vận tải đường bộ sẽ phải liên hệ với Bộ Giao thông Vận tải… Trong một cuộc họp liên quan đến việc xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư được tổ chức mới đây, đại diện của các bộ chuyên ngành đã tranh luận nảy lửa và đưa ra rất nhiều quy định về điều kiện kinh doanh, cam kết hội nhập quốc tế… liên quan đến ngành nghề kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của họ, tuy nhiên, rất ít đề cập đến tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngoại trừ ngân hàng, chứng khoán, thị trường hiện chưa có được thông tin các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh khác sẽ áp room như thế nào với nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều DN phản ánh, hiện họ không biết sẽ gửi câu hỏi liên quan đến room cho đơn vị, bộ phận nào của các bộ chuyên ngành, Vụ Quản lý doanh nghiệp, Vụ Hợp tác quốc tế hay văn phòng? Một vấn đề đặt ra trong câu chuyện này là, dù lãnh đạo DN quan tâm đến việc nới room, nhưng nếu thủ tục thực hiện chưa rõ ràng hoặc quá phức tạp, lại không chắc chắn sẽ thực hiện được, liệu DN có nên theo đuổi việc này? ĐTCK đã liên hệ với lãnh đạo của 5 DN có tên trong danh sách 30 cổ phiếu kín room, câu trả lời của họ là: Dù rất muốn song không có gì để nói vào lúc này. Nới room: không dễ mở ra kỷ nguyên mới Theo thống kê của CTCK VPBS, tính đến ngày 15/7/2015, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu khoảng 13,1 tỷ USD giá trị chứng khoán trên thị trường thứ cấp Việt Nam, chiếm khoảng 22% giá trị vốn hóa thị trường. Kể từ năm 2011, khối ngoại đã đổ vào thị trường 7,4 tỷ USD. Trước đó, vốn ngoại chủ yếu tập trung vào 20 cổ phiếu, với giá trị ước khoảng 9,6 tỷ USD, chiếm 73% tổng vốn đầu tư của họ trên thị trường. Điều này có nghĩa, khoảng 7,4 tỷ USD chảy vào thị trường từ năm 2011 đã chảy phần lớn vào các công ty ngoài danh sách 20 nói trên. Do đó, số DN kín room hoặc gần kín room của nhà đầu tư nước ngoài hiện tăng lên khoảng 50. Thống kê của VPBS cho thấy, nhà đầu tư rất chú ý đến quyết định nới room, thể hiện ở chỗ khối lượng giao dịch của các cổ phiếu kín room và gần kín room đã tăng khá mạnh sau khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP được ban hành. Kể từ ngày 26/6/2015, khối lượng và giá trị cổ phiếu trong nhóm 50 nói trên tăng mạnh, trong khi đó thanh khoản cổ phiếu trống room và thị trường nói chung vẫn duy trì ổn định. Cụ thể, giá trị giao dịch tính bằng USD của các cổ phiếu kín room tăng gấp đôi, trong khi cổ phiếu gần kín room tăng gần 15%. “Chúng tôi cho rằng khi Nghị định 60 có hiệu lực vào tháng 9 tới, các cổ phiếu kín room và gần kín room sẽ giao dịch rất sôi động. Chúng tôi cũng tin rằng, các DN sẽ nỗ lực mở room cho nhà đầu tư nước ngoài. Điều này không chỉ tạo ra sức hút đối với dòng vốn ngoại, mà còn đem đến những giá trị lớn khác cho DN như kinh nghiệm quản trị, mối quan hệ, khả năng hỗ trợ tài chính… từ các đối tác lớn”, Marc Djandji, Giám đốc Môi giới khách hàng tổ chức VPBS nhận định. Tuy nhiên, Marc Djandji không biết có lường trước việc này không: với hệ thống các quy định phức tạp và khó thống kê được của các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mà DN Việt Nam đang phải thực hiện, việc nới room, dù DN có thể rất muốn cũng không dễ làm được! Quyết định nới room được cả thị trường chờ đợi và ủng hộ, nhưng để thực thi được, Chính phủ phải chốt và công bố chuẩn phân ngành và tỷ lệ room tối đa trong những ngành kinh doanh có điều kiện. Hy vọng việc các DN đi hỏi sẽ hối thúc các bộ, ngành tình Chính phủ chốt sớm các mốc nới room.
Anh Việt
|
Theo Đầu Tư Chứng Khoán