Những vị vua Việt biết thẳng thắn nhận lỗi với dân

07/04/16, 10:00 Cổ Học Tinh Hoa

Con người thường ngại nói về sai lầm của mình, địa vị càng cao lại càng “ngại”. Tuy nhiên trong sử Việt có nhiều vị vua đã thẳng thắn nhận lỗi với dân. Biết lỗi và dám nhận lỗi, như vậy mới thật sáng suốt.

Vua Quang Trung. (Ảnh: Internet)

Quang Trung tự nhận sai

Vua Quang Trung là một vị vua lừng lẫy chiến công và cũng được khen ngợi là tài ba sáng suốt. Trên chiến trường, nhà vua quyết đoán và mưu lược đã đánh thắng nhiều lực lượng từ quân Xiêm, quân Nguyễn, quân Trịnh đến quân Thanh. Trong việc trị nước, vua cũng thể hiện là người nhìn xa trông rộng với việc cải cách giáo dục và trọng dụng hiền tài. Giữa rất nhiều câu chuyện nói về tài năng lỗi lạc của ngài, có một câu chuyện rất lý thú cho thấy nhà vua rất cầu thị. Đó là việc ứng xử trước lá đơn “kiện” của dân làng Văn Chương ở Thăng Long.

Theo tài liệu của cụ Trần Văn Giáp, năm 1789, sau khi vua Quang Trung đã đánh thắng quân Thanh còn lưu lại Thăng Long thì dân trại Văn Chương (ở gần Văn Miếu) dâng lên một tờ sớ. Nội dung tờ sớ nói về việc năm 1786 Văn miếu Thăng Long bị đốt cháy, bia đá bị đạp đổ ngổn ngang.

“Bốn năm trước, giữa năm Bính Ngọ (1786), tờ sớ có đoạn:

Ngài đem quân ra thú Bắc Hà

Oai trời sấm sét thoảng qua

Cơ đồ họ Trịnh bỗng ra tro tàn

Bia tiến sĩ vô can vô tội

Mà vạ lây vì nỗi cháy thành

Bia thì đạp đổ tung hoành

Nhà bia thì đốt tan tành ra gio

Có kẻ nói:

Tội ác ấy là do Trịnh Khải

Lúc sa cơ hắn phải trốn ra

Dặn về thuê kẻ côn đồ

Phá bia tiến sĩ để cho bõ hờn

Có kẻ nói:

… Hay chăng quân lính nhà Ngài

Trong khi xung sát ra oai thi hùng

Bia tiến sĩ bỗng không mà đổ…

…. Chúng tôi chiếu lại hai lời ấy

Sự thực hư chưa thấy rạch ròi

Song le việc đã qua rồi

Chẳng chi bới móc tìm tòi uổng công

Chỉ xin được ngài trông vì nước

Dựng lại bia cho được y nguyên

Trước là giáo dục kẻ hiền

Sau là văn mạch dõi truyền dài lâu”

Sau khi tiếp nhận được tờ sớ, nhà vua thấy lạ vì nó được dân chúng nhờ một nhà nho viết giúp và không viết theo thể thức tờ sớ thông thường mà viết bằng chữ Nôm văn vần theo đúng “khẩu vị” nhà vua. Bởi vì đương thời vua Quang Trung kêu gọi cải cách nền giáo dục, thay chữ Hán bằng chữ Nôm. Mặt khác tờ sớ tuy có dẫn ra cả nghi vấn là quân Trịnh Khải phá bia nhưng thực chất đó chỉ là cái kỹ thuật để không phải nói thẳng ra việc quân Tây Sơn phá Văn miếu nhằm đỡ làm mất lòng vua. Thứ ba là đã không gọi vua bằng kim thượng hay hoàng thượng mà lại lắt léo gọi là ngài, ngầm tỏ ý chưa phục.

Trước tình hình này, nếu là một người khác có thể lờ đi hoặc sai người tra xét xem kẻ nào to gan viết tờ sớ đó và những kẻ nào dự vào việc đòi dựng lại bia. Tuy nhiên vua Quang Trung không làm vậy. Ông đã phê vào tờ sớ cũng bằng văn vần tự nhận trách nhiệm như sau:

“Ta không trách nông phu

Ta chỉ gớm thầy nho

Cả gan to mật dám kêu vua bằng ngài

Thày Nho là ai? Sắc cho Bộ hỏi, dân khai

Thôi! Thôi! Thôi! Việc đã rồi

Trăm điều hãy cứ trách bồi vào ta!

Nay mai dọn lại nước nhà

Bia Nghè lại dựng trên tòa muôn gian

Cơ đồ họ Trịnh đã tan?

Chớ đổ Trịnh Khải mà oan muôn đời”.

Vậy là nhà vua chẳng quanh co, thẳng thắn nhận trách nhiệm trước dân và hứa sẽ sửa chữa lại Văn miếu. Với việc này quả thực vua Quang Trung đã thể hiện sự dũng cảm và thẳng thắn của một bậc vua sáng.

Lý Cao Tông ban chiếu hối lỗi

Đời vua Lý Cao Tông, triều chính bắt đầu suy đồi, trong nước nhân dân lầm than, loạn lạc khắp nơi. Điều đó được “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Vua chơi bời không điều độ, hình chính không rõ ràng, giặc cướp như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy kém… Kinh Thi có câu: Bên trong mê sắc đẹp, bên ngoài mê săn bắn, ham rượu, thích nhạc, nhà cao tường đẹp, người nào phạm một trong các điều ấy tất phải diệt vong, mà vua thì phạm đủ các điều ấy, còn làm gì được…”.

Nhưng đến năm 1207, nhà vua nhìn cảnh giặc cướp nổi như ong, bèn hối lỗi và ban chiếu tự nhận lỗi lầm ấy. Sách “Đại Việt sử lược” chép lại bản chiếu đó như sau: “Trẫm còn bé mà phải gánh vác việc lớn, ở tận nơi cửu trùng, không biết được cảnh khó khăn của dân chúng, nghe lời bọn tiểu nhân mà gây nên oán với kẻ dưới. Dân đã oán thì trẫm còn biết dựa vào ai? Nay trẫm sẽ sửa lỗi, cùng dân đổi mới. Ai có ruộng đất, sản nghiệp bị sung công sẽ được hoàn lại”.

Tuy vậy năm 1207 đã là những năm cuối đời của ông vua này. Đến 1210 Lý Cao Tông qua đời trong cảnh đất nước loạn lạc và quyền lực triều đình lúc này phải dựa hẳn vào thế lực nhà họ Trần. Âu cũng là những lời hối lỗi quá muộn màng và hối chỉ để mà hối thôi chứ không thực hiện một biện pháp gì để chấn chỉnh hoặc là tình trạng đã quá tệ để có thể thay đổi được.

Lê Thánh Tông xin lỗi bề tôi

Vua Lê Thánh Tông. (Ảnh: Internet)

Lê Thánh Tông là một ông vua sáng suốt bậc nhất trong lịch sử nước ta. Ngoài thiên tư thông minh, nhà vua lại rất ham học hỏi và cầu thị. Thậm chí không ngại tự nhận sai lầm và xin lỗi các quan lại của mình.

Theo ghi chép của sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vua Lê Thánh Tông từng ít nhất hai lần tự nhận lỗi với các quan lại. Một lần Tế tửu Quốc tử giám kiêm Văn minh điện Đại học sĩ là Nguyễn Bá Kí dâng sớ can gián về việc vua làm văn không chú ý kinh sử, vua dụ: “Trẫm vừa xem xét hết lá sớ, ngươi bảo là trẫm không chú ý kinh sử, lại chuộng lối học phù hoa vô dụng, chỉ để ý ở ngoài mây khói. Nếu ta thực sự thích văn mà không gốc ở kinh sử thì còn cách nào nữa. Ta tự xét mình, xét đến lời nói và bốn chữ phù hoa vô dụng thực đã là trung lắm rồi”.

Thành ngữ có câu “văn mình vợ người” ý muốn nói văn chương của mình cũng như vợ người khác là những thứ không nên chê. Ai chê văn mình không hay thì cũng như mình chê vợ người xấu, tất bị thù oán. Nói câu chuyện này, lại so với việc vua Tự Đức để bụng khi bị Cao Bá Quát chê thơ văn mới thấy đức và tài của vua Lê Thánh Tông.

Một lần khác vua Lê Thánh Tông khi xét một vụ án thì được quan Ngự sử Trần Xác can gián nhưng lúc đó ý vua đã quyết nên vua dụ chỉ khép Trần Xác vào tội du thuyết. Sau này khi sự việc rõ ràng, nhà vua đã thẳng thắn dụ bảo Trần Xác, tự nhận mình đã sai. Dụ của vua viết: “Trẫm nói vu cho ngươi là kẻ du thuyết, đó là lỡ lời. Ngươi có mưu mô gì hay, nên cứ vào nói…”.

Nhờ vậy, vua Lê Thánh Tông quy tụ được quanh mình một lớp quan lại có tài năng và đức độ cho nên trong thời đại ông trị vì, đất nước ta cường thịnh, nhân dân no ấm, vị thế đất nước đi lên.

Thiết nghĩ biết lỗi, thừa nhận lỗi và sửa lỗi là một đức tính rất tốt. Mỗi người trong cuộc sống mà biết tự nhận lỗi và sửa sai thì chắc chắn họ sẽ tiến bộ. Đặc biệt những ông vua, ông quan có quyền trong tay mà biết tự nhận lỗi và sửa lỗi thì chẳng những chính họ để lại tiếng thơm mà dân và nước cũng được lợi ích lớn.

Theo kienthuc.net

Ad will display in 09 seconds

Tiền nhiều để làm gì, Thiền sư trả lời khiến ai cũng tâm phục

Ad will display in 09 seconds

Cao tăng Myanmar tiết lộ bí mật người ngoài hành tinh đến Trái Đất

Ad will display in 09 seconds

Huyền bí xá lợi Phật

Ad will display in 09 seconds

Chiếc móc câu tử thần

Ad will display in 09 seconds

Con người ngày nay có thể tu luyện không?

Ad will display in 09 seconds

Tố chất của người có giáo dưỡng

Ad will display in 09 seconds

Người xưa muốn xuất gia cần phải đạt được 10 điều này

Ad will display in 09 seconds

Tam cương và nỗi oan của Nho giáo

Ad will display in 09 seconds

Thảm họa dành cho con người: “Đều không phải ngẫu nhiên”

Ad will display in 09 seconds

Giấy phép tu hành và những cuộc “thanh trừng” đức tin ở Trung Quốc

  • Tiền nhiều để làm gì, Thiền sư trả lời khiến ai cũng tâm phục

    Tiền nhiều để làm gì, Thiền sư trả lời khiến ai cũng tâm phục

  • Cao tăng Myanmar tiết lộ bí mật người ngoài hành tinh đến Trái Đất

    Cao tăng Myanmar tiết lộ bí mật người ngoài hành tinh đến Trái Đất

  • Huyền bí xá lợi Phật

    Huyền bí xá lợi Phật

  • Chiếc móc câu tử thần

    Chiếc móc câu tử thần

  • Con người ngày nay có thể tu luyện không?

    Con người ngày nay có thể tu luyện không?

  • Tố chất của người có giáo dưỡng

    Tố chất của người có giáo dưỡng

  • Người xưa muốn xuất gia cần phải đạt được 10 điều này

    Người xưa muốn xuất gia cần phải đạt được 10 điều này

  • Tam cương và nỗi oan của Nho giáo

    Tam cương và nỗi oan của Nho giáo

  • Thảm họa dành cho con người: “Đều không phải ngẫu nhiên”

    Thảm họa dành cho con người: “Đều không phải ngẫu nhiên”

  • Giấy phép tu hành và những cuộc “thanh trừng” đức tin ở Trung Quốc

    Giấy phép tu hành và những cuộc “thanh trừng” đức tin ở Trung Quốc