Những phát hiện mới trong việc nghiên cứu các xác ướp từ thời cổ đại ở Ai Cập
Viện Bảo tàng Anh tại London vừa qua quyết định mở cửa để du khách có thể triển lãm 8 xác ướp từ thời cổ đại, được khai quật ở khu vực Ai Cập và Sudan.
Để chuẩn bị cho cuộc triển lãm này, các nhà khảo cổ học đã tiến hành những nghiên cứu mới thông qua phương pháp chụp cắt lớp nhằm tìm hiểu rõ hơn về những hiện vật tại nơi đây.
Những xác ướp này sống từ năm 3500 TCN tới năm 700 SCN. Các nhà khoa học đã kiểm tra kỹ lưỡng đầu, bụng, các mạch máu của các xác ướp và đã tìm thấy nhiều điều mới mẻ như: một cái thìa trong hộp sọ, một hình xăm ở chỗ kín,v.v..
Được thành lập từ năm 1753, viện Bảo tàng Anh được coi là một trong những viện bảo tàng lớn nhất của thế giới. Tại bảo tàng hiện đang trưng bày xác ướp của một người chưa xác định được danh tính có niên đại từ khoảng năm 3300 trước CN. Đây là cá nhân đầu tiên “được ướp xác” trong lịch sử nhân loại; các nhà khoa học quyết định đặt tên cho xác ướp là Ginger vì xác ướp có mái tóc màu đỏ…
Bằng việc sử dụng các công nghệ mới nhất trong lĩnh vực 3D hologram do hãng Holoxica và các chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu thị giác lâm sàng ở Edinburgh phát minh, các nhà khoa học đã có thể hiểu rõ hơn về cuộc sống của người xưa.
Họ đã phát hiện ra một hình xăm bao gồm các chữ cái M-I-X-A-H-A bên trong đùi phải một xác ướp nữ giới tại Nubia, tức khu vực nước Sudan ngày nay. Theo ông Antoine, người phụ trách cuộc triển lãm ở London, hình xăm ở bên trong đùi của người phụ nữ này là hình xăm đầu tiên mà các nhà khoa học được biết tới. Thêm vào đó, hình xăm này độc đáo ở chỗ nó là một biểu tượng của Kitô giáo…“Chúng tôi đã tìm thấy trong các động mạch đùi của bà ấy dấu vết của quá trình vôi hóa – một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch. Đó có thể là hậu quả của việc lạm dụng các loại thức ăn giàu mỡ động vật…”, ông Antoine nói.
Những con chữ Hy Lạp cổ đại này có thể là tên của vị thần Micae, vị thần lãnh đạo đội quân của Thiên Chúa chống lại lực lượng của quỷ Satan.
Bờ sông Nile, nơi tìm thấy xác ướp.
Trong bài trả lời phỏng vấn cho tạp chí Spiegel, ông nói: “Vị thần Micae được coi là thần hộ mệnh cho xứ Nubia thời trung cổ và người đàn bà ấy có thể là một con chiên.Việc khắc hình xăm lên người rất có khả năng là để cầu may..”.
Xác ướp phụ nữ có hình xăm ở đùi.
Theo giáo sư Maureen Tilley của trường đại học tổng hợp Fordham ở New York, “Việc xăm hình ở bên trong đùi nhằm bảo vệ người phụ nữ khi sinh nở hoặc để bảo vệ người phụ nữ khỏi bị cưỡng hiếp…”. Bà cũng cho biết thêm, việc xăm chữ lên mình không chỉ có ở trong cộng đồng tín đồ Kitô giáo mà còn rất phổ biến ở cả cộng đồng người Do Thái.
Xác ướp của một nữ ca sĩ tên là Tumut sống ở khu vực Thebes của Ai Cập cũng bị phát hiện mắc bệnh xơ cứng động mạch. Tumut có lẽ là người hát trong đền thờ Karnak. Theo các nhà nghiên cứu ở Viện Bảo tàng Anh, chế độ ăn uống không đúng cách có khả năng là nguyên nhân gây ra cái chết sớm của cô ca sĩ này.
Nữ ca sĩ Tumus.
Trong khi người phụ nữ ở Nubia được chôn cất theo truyền thống Kitô giáo, thì đám tang của nữ ca sĩ ở Thebes đã được cử hành theo đúng các qui tắc của nghệ thuật ướp xác trong nghi lễ Ai Cập. Ở giữa các tấm vải liệm của xác chết, người ta đã đặt rất nhiều lá bùa. Theo tạp chí Spiegel, những lá bùa này chỉ hiện hình lên khi được đưa vào máy chụp cắt lớp nhưng khách tham quan triển lãm cũng có thể nhìn thấy chúng thông qua một màn hình đặc biệt.
Cách đây không lâu, trong cuộc khai quật tại nghĩa trang của thành phố Ai Cập cổ đại Nehene nằm phía tây của sông Nile, các nhà khảo cổ học tìm thấy một xác ướp phụ nữ mà trên mình có xăm những ký hiệu hình học. Cánh tay trái của xác ướp này có xăm những hình thoi, còn ở phần trên thân mình lại xăm nhiều dấu chấm tạo thành những đường dích dắc. Theo ước tính, những hình xăm này được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2137 đến 1781 TCN.
Những xác ướp còn lại từ triều đại Ptolemaios cho thấy các tín đồ thờ phụng thần rượu nho – Dionysus, vì vậy họ đã trổ hình các lá nho lên mình. Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra một cái thìa y tế trong hộp sọ một xác ướp khác được tìm thấy tại Thebes. Có thể những người ướp xác đã bỏ quên dụng cụ nghề nghiệp của mình trong đó hoặc đơn giản là họ không cần tới chúng nữa nên cố tình bỏ lại.
Bằng việc sử dụng các máy móc hiện đại người ta cũng phát hiện thêm được 1 điều là: một trong những xác ướp khi còn sống đã bị rất khổ sở vì chứng đau răng.
Theo VTC