Những nơi nổi tiếng của Nepal trở thành bình địa sau thảm họa động đất
Cơn địa chấn khủng khiếp xảy ra vào ngày 25/4 mặc dù chỉ diễn ra chưa đầy một phút, nhưng đã đủ sức san bằng những tòa nhà đã có hàng trăm năm lịch sử của Nepal.
Trong số những tòa nhà bị phá hủy có tháp Dharahara, một thời là tháp cao nhất và là điểm quan sát toàn bộ thủ đô Kathmandu nhưng nay chỉ còn là một đống gạch vụn.
Được xây dựng bởi Thủ tướng đầu tiên của Nepal vào năm 1832, địa điểm này (còn có tên gọi khác là tháp Bhimsen) là một trong những điểm thu hút khách du lịch nhất và ai cũng muốn leo 200 bậc thang để lên đến đài quan sát trên đỉnh tháp. Tháp đã từng phải xây dựng lại một lần sau khi một trận động đất khổng lồ đã hủy hoại nó vào năm 1934. Trong khi đó, Quảng trường Durbar nằm ở Khu Phố cổ của Kathmandu, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, đã bị san bằng sau trận động đất. Một trong những đền thờ tại đây, Maju Deval, được xây dựng từ năm 1690, đã bị phá hủy hoàn toàn.
Là nơi tập hợp của nhiều cung điện, sân rộng và đền thờ, UNESCO gọi đây là “trung tâm xã hội, tôn giáo và văn hóa” của Kathmandu. Dãy đền thờ ở Swayambhunat, được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 cũng đã bị phá hoại. Những đoạn phim đã ghi lại một trong số những ngôi đền bị đổ sập cùng những cờ xung quanh vẫn bay trong gió. Tuy nhiên, tòa tháp chính nơi đặt tượng Phật linh thiêng vẫn đứng vững. Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin BBC của Anh và tờ New York Times của Mỹ. BBC được thành lập năm 1922. BBC có các chương trình thông tin trên TV, trên đài phát thanh và trên Internet. The New York Times là một nhật báo trực thuộc Công ty New York Times, được phong tặng tên hiệu “Bà tóc bạc” (“Gray Lady”) và được xem là tờ báo danh giá (newspaper of record) và quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Anh Tuấn (lược dịch) |
Theo Infonet