Những chiếc đồng hồ cổ và tiếng vọng thời gian
Đã lâu lắm, tôi mới lại rời xa phố thị để trở về ngôi nhà xưa cũ, ngồi nhâm nhi li cà phê đen trong khuôn viên tĩnh lặng và lắng nghe tiếng kim đồng hồ tích tắc phát ra từ cỗ máy thời gian cổ kính, cảm thấy như được sống chậm lại, thư giãn cho riêng mình.
Đó quả là chút thời gian hiếm hoi, đáng quý khi ngày nay, nhịp sống hối hả thường ngày mà thời gian là sức mạnh vô hình chi phối mọi hoạt động của con người. Chẳng thế mà những món ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, thìa, bát dùng một lần hay những dòng người gấp gáp ngược xuôi trên đại lộ là minh chứng cho điều đó. Nhưng ở chiều ngược lại, ngồi bên những căn gác cũ, nhâm nhi li cà phê đen và lắng nghe tiếng kim đồng hồ từ cỗ máy thời gian cổ kính lại thấy như đang được sống chậm lại, thư giãn sau bao bộn bề từ cuộc sống thường ngày. Nhớ ngày còn bé, có lần được theo cha mẹ đến thăm một gia đình khi ấy thuộc vào tầng lớp “quyền quý”, tôi cứ mê mẩn ngắm chiếc đồng hồ cổ, thỉnh thoảng lại phát ra tiếng âm vang vọng, sâu lắng. Dường như sau bao đổi thay của cuộc đời, một vật dụng cũ kỹ là chiếc đồng hồ đen mốc tưởng như bình thường ngày đó lại đem đến cho tôi nhiều ký ức, chứ không phải những tấm ảnh đen trắng đã ố vàng của gia đình này. Chiếc đồng hồ với quả lắc được làm bằng chất liệu đồng cứ lặng lẽ gõ nhịp thời gian, trôi cùng năm tháng.
Một chiếc đồng hồ cổ trong bảo tàng Di sản văn hóa Mường tại TP.Hòa Bình (ảnh: BVP) Sau này khi đã lớn khôn, có dịp đi nhiều nơi, nhưng hễ cứ thấy những chiếc đồng hồ kiểu “giông giống” như cái đồng hồ cũ năm xưa là tôi lại đứng ngắm hồi lâu như bị “trời trồng”. Đó là một thoáng ký ức từ một nhịp chuông, vòng quay của chiếc kim thời gian mà sâu lắng, vọng về từ quá khứ xa xăm. Tôi biết, những chiếc đồng hồ ấy, dù không rõ nguồn gốc từ xứ sở nào, còn lại cho đến bây giờ đều được chủ nhân của nó nâng niu, gìn giữ cẩn thận. Bởi nó không chỉ là một thú chơi và do giờ đây đã trở thành thứ đồ cổ có giá trị, mà còn trở thành chứng nhân của thời gian. Rất nhiều chiếc đồng hồ cổ còn lại cho đến nay có nguồn gốc xuất xứ từ Đức, Pháp, Mỹ, Liên xô… và có cả của ” madein Việt Nam “. Có chiếc làm bằng chất liệu đồng, có chiếc làm bằng đá đen, theo hình tủ, hình hộp, hình “khải hoàn môn”… Nhiều chiếc đồng hồ còn được tô điểm bằng các bức tượng, bằng những lớp kính hình chiếc ly úp hay được chạm khắc những họa tiết tinh sảo… Sự có mặt của mỗi chiếc đồng hồ như thế trong một số gia đình còn là một câu chuyện dài, chứa đựng những kỷ niệm vui buồn của một thời đã qua. Thời nay, khi những chiếc đồng hồ đeo tay lên dây cót, đồng hồ cơ tự động lên ngôi, rồi nhường lại cho những chiếc đồ chạy pin… người ta thấy chúng hiện đại và tiện lợi. Nhưng rồi bên cạnh những cỗ máy đo đếm thời gian được chế tạo tinh sảo, chi tiết đến từng li ấy, vẫn thấy có rất nhiều người thích chơi, thích nghe cái âm thanh lách cách, long bong, trữ tình sâu lắng trầm bổng phát ra từ cái hộp gỗ cũ kỹ, coi đó là một hiện vật quý bày biện trong nhà – ấy là chiếc đồng hồ cổ năm xưa mà tôi một thời tưởng là thứ cũ mốc. Nhiều chiếc đồng hồ cũ ấy đã có mặt trên thế giới từ cả trăm năm. Cho đến hôm nay nó vẫn còn hoạt động và được giữ gìn bằng tình yêu của những người say mê sưu tầm đồng hồ cổ. Nhiều chiếc dù đã hư hỏng, thậm chí phải nằm phủ bụi chờ đồ sửa. Nhưng dường như hồn vía và sức sống của những thứ đồ xưa cũ ấy vẫn còn lắng đọng trong những tiếng tích tắc của thời gian. |
Theo Dân Việt