Nhiều nước từ chối vật tư y tế kém chất lượng từ Trung Quốc dù vất vả chống đại dịch
Đức, Bỉ và Hà Lan là những quốc gia gần đây nhất từ chối các vật tư y tế do Trung Quốc sản xuất sau khi phát hiện chất lượng không đạt tiêu chuẩn.
Khẩu trang là một trong bộ Thiết bị Bảo vệ Cá nhân (PPE) quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc), thường được gọi là coronavirus. Nhân viên y tế cần những thiết bị này để tự bảo vệ bản thân trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, và người dân cần đeo khẩu trang khi họ ra ngoài.
Trung Quốc là một trong những cơ sở sản xuất PPE và vật tư y tế lớn nhất thế giới.
Trước sự khước từ của quốc tế, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành các cuộc điều tra riêng đối với hàng hóa xuất khẩu và tịch thu 89 triệu khẩu trang không đạt chuẩn.
“Toàn là đồ bỏ đi”
“11 triệu khẩu trang, toàn là đồ bỏ đi”, Bộ trưởng Giao thông Liên bang Đức Andreas Scheuer cho biết vào ngày 24/4, Der Spiegel của Đức đưa tin.
Giám đốc một công ty dệt may của Đức đã mua khẩu trang y tế từ Trung Quốc, ông cho biết nhân viên của mình đã kiểm tra các sản phẩm và phát hiện chúng đều là hàng kém chất lượng.
Chức năng lọc của một số khẩu trang không hoạt động được, trong khi một số khác bị đứt dây đeo.
11 triệu khẩu trang đã được lên kế hoạch chuyển đến Đức ngày 13/4, nhưng giám đốc công ty này đã hủy đơn đặt hàng. Sau đó họ đã tìm thấy một nhà cung cấp Trung Quốc khác để đặt mua khẩu trang.
Tờ Brussels Times đưa tin ngày 9/4, Bỉ đã từ chối 3 triệu khẩu trang nhập khẩu từ Trung Quốc vì “chúng không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu”.
Bộ trưởng Chương Trình kỹ thuật số của Bỉ – ông Philippe De Backer nói, “Thoạt nhìn là thấy những khẩu trang này có vấn đề. Chúng tôi đã kiểm tra chúng. Dịch vụ Kinh tế Công cộng Liên bang xác nhận rằng nhà cung cấp [Trung Quốc] đã không thể cung cấp Chứng chỉ kiểm định thuyết phục nào, và trong đợt kiểm tra bổ sung sau đó trong phòng thí nghiệm của Bỉ, càng cho thấy chất lượng của những khẩu trang này không thể chấp nhận được”.
Hà Lan cũng đã thu hồi 600.000 khẩu trang bị lỗi từ các bệnh viện vào cuối tháng 3. Chúng là một phần của lô hàng 1,3 triệu khẩu trang đã được mua và nhập khẩu từ Trung Quốc ngày 21/ 3.
Những tuyên bố của Trung Quốc
Ngày 26/4, chính quyền Trung Quốc đã đề cập đến chất lượng vật tư y tế xuất khẩu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh do Hội đồng Nhà nước tổ chức, một cơ quan giống như nội các.
Ông Kim Hải, tổng cục trưởng Hải quan Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đã xuất khẩu 55 tỷ nhân dân tệ (7,76 tỷ USD) vật tư y tế từ ngày 1 đến 25/4.
Số hàng hóa này bao gồm 21,1 tỷ khẩu trang, 109 triệu bộ quần áo bảo hộ, 32,94 triệu kính bảo hộ, 763 triệu đôi găng tay phẫu thuật, 110.000 máy theo dõi và 9,29 triệu nhiệt kế hồng ngoại.
Liên quan đến các sản phẩm kém chất lượng, ông Li , Giám đốc Ngoại thương của Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố rằng, điều này là do tiêu chuẩn của Trung Quốc khác với các nước khác, khiến một số vật tư y tế xuất khẩu bị trả lại.
Ông Li thừa nhận rằng một số nhà xuất khẩu Trung Quốc đã xuất khẩu khẩu trang phi y tế dưới dạng khẩu trang y tế, và một số nhà sản xuất Trung Quốc bán sản phẩm của họ với giá bất thường.
Ngày 26/4, ông Gan Lin, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc, đã nói về các vật tư bảo hộ giả và kém chất lượng trong cuộc họp báo do Hội đồng Nhà nước tổ chức tại Bắc Kinh.
Ông Gan cho biết, các nhà chức trách đã tịch thu 89,05 triệu khẩu trang, 418.000 vật liệu bảo hộ khác, các sản phẩm khử trùng trị giá 7,6 triệu nhân dân tệ (1,07 triệu USD) và nhiều hơn thế nữa, nhưng không nêu rõ thời điểm thu hồi.
Ông Gan cho biết có bốn loại sản phẩm bảo hộ không đạt tiêu chuẩn ở Trung Quốc: sản phẩm không đạt tiêu chuẩn theo quy định; sản phẩm phi y tế được bán dưới dạng sản phẩm y tế, sản phẩm kém chất lượng được bán dưới dạng sản phẩm chất lượng tốt và sản phẩm đóng gói không có ngày, tên nhà sản xuất, chứng nhận chất lượng, v.v.; và hàng giả.
Luật sư Hoa Kỳ vào cuộc
Ông Dan Harris, luật sư công ty luật quốc tế Harris Bricken, trụ sở tại Seattle, đã đăng trên trang website công ty của ông những trò gian lận do các nhà cung cấp PPE ở Trung Quốc khởi xướng ngày 21/4.
Harris nói rằng công ty luật của ông đã giúp tra cứu các nhà cung cấp ở Trung Quốc, để đảm bảo rằng các khách hàng cần mua PPE không bị lừa đảo.
Trong vài tháng qua, công ty này phát hiện một số công ty Trung Quốc đã sử dụng các chứng nhận mua hàng qua Internet để xuất khẩu các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn, thậm chí một số nhà xuất khẩu Trung Quốc là các nhà môi giới, họ hoàn toàn không có hàng hóa trong tay. Họ sẽ gửi cho người mua bất cứ thứ gì họ có thể lấy được, hoặc nhận thanh toán nhưng không gửi gì cả. Một số trong đó lại không có thẩm quyền xuất khẩu, cũng có lúc nhân viên của một công ty được chứng nhận lại bán sản phẩm một cách bất hợp pháp.
Việt Anh (Theo Epoch Times)