ĐCSTQ buộc Italy phải mua lại thiết bị y tế mà nước này từng tài trợ cho Trung Quốc?
Trung Quốc bị cáo buộc nhận đồ bảo hộ y tế do Italy viện trợ rồi bán lại cho chính nước này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng bị nhiều nước chỉ trích về việc lợi dụng sự khan hiếm trang thiết bị y tế để bán những sản phẩm kém chất lượng.
Theo nguồn tin từ hãng The Spectator của Anh đăng ngày 4/4, Trung Quốc buộc Italy phải mua lại nguồn cung thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) mà nước này đã tài trợ cho Trung Quốc trong đợt bùng phát dịch bệnh Vũ Hán lúc đầu. Bản tin trên tờ Spectator ghi rõ: “Trước khi dịch Vũ Hán tấn công châu Âu, Italy đã gửi hàng tấn PPE đến Trung Quốc để giúp nước này chống lại dịch bệnh. Trung Quốc sau đó đã gửi lại một phần trang thiết bị của Italy nhưng lại tính tiền”.
The Spectator cho rằng việc Trung Quốc lợi dụng sự hào phóng của người Italy chỉ là một trong những ví dụ mới về chính sách ngoại giao tồi tệ sau đại dịch. Thời gian gần đây, đại dịch Vũ Hán đã khiến nhiều nước thiếu hụt trang thiết bị bảo hộ và phải tìm nguồn cung từ Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nước sau khi mua hàng của Trung Quốc đã nhận phải hàng “dỏm”: Các bộ kit xét nghiệm nhanh của Trung Quốc cho kết quả sai từ 70% đến 80%, trong khi khẩu trang không khít mặt và van thở bị lỗi.
Cụ thể ngày 26/3, nhật báo El País của Tây Ban Nha cho biết chính quyền nước này trước đó đã đặt mua 340.000 bộ kit xét nghiệm nhanh như vậy từ công ty Shenzhen Bioeasy Biotechnology ở Thâm Quyến. Lúc đầu phía Tây Ban Nha nhận được thông tin nói rằng bộ kit xét nghiệm nhanh của Bioeasy có thể cho ra kết quả chính xác 80%. Nhưng sau đó Tây Ban Nha đã phải trả lại các bộ kit xét nghiệm nhanh cho Trung Quốc sau khi phát hiện chúng không chính xác như Trung Quốc quảng cáo.
Không chỉ tại Tây Ban Nha, truyền thông Cộng hòa Czech cũng tường thuật các vấn đề gặp phải ở những bộ kit xét nghiệm do Trung Quốc chế tạo. Ngoài ra, Hà Lan cũng buộc phải thu hồi 600.000 khẩu trang bị lỗi mua từ Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ và Georgia cũng mới thu hồi thiết bị y tế không đạt chất lượng từ Trung Quốc.
Tại Australia, lực lượng Biên phòng Úc đã thu giữ khoảng 800.000 khẩu trang bị lỗi nhập từ Trung Quốc trị giá khoảng 12 triệu AUD. Bộ trưởng An ninh nội địa Australia đã lên tiếng cảnh báo nhiều bộ dụng cụ xét nghiệm virus Vũ Hán được nhập từ Trung Quốc cho kết quả không chính xác, có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
Ngôi sao môn Võ thuật hỗn hợp (Mixed Martial Arts) của Ireland, Conor McGregor, đã không nén nổi bất bình trước những hành động của Trung Quốc và viết trên Twitter cá nhân: “Thật kinh khủng. Trung Quốc không chỉ tăng giá tất cả các mặt hàng, từ khẩu trang, tấm che, găng tay, máy thở, mặt nạ phòng độc, bình oxy, màn hình điều khiển, v.v, mà các lô hàng này đều không sử dụng được. Thật là hành vi vô nhân đạo một cách lố bịch.”
Một video được chia sẻ rộng rãi trên mạng còn ghi lại hình ảnh một nhân viên trong nhà máy sản xuất khẩu trang ở Trung Quốc đã dùng khẩu trang để lau giày. Đoạn video cho thấy người đàn ông đang ngồi bên cạnh dây chuyền sản xuất, cầm trong tay một nắm lớn khẩu trang dưới đất để lau giày của mình, người quay video nói với người đang lau giày rằng: “Có tiền! Muốn làm gì thì làm!” Người đàn ông trong video trả lời với vẻ đắc ý: “Còn chưa nhặt lên đề chùi mông đấy!”
— AG William Barr (@AGWilliamBarr) March 30, 2020
Sự việc này đã nhanh chóng bùng nổ, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã đăng bài viết trên diễn đàn kdnet (một trong những diễn đàn nổi tiếng Trung Quốc). Một số người thanh minh cho người đàn ông này, nói rằng có thể là vật liệu thừa; còn có người cười trên nỗi đau của người khác, cho rằng những khẩu trang này nên bán cho Mỹ. Có người tỏ ra tức giận: “Ngay cả tiêu chuẩn vệ sinh cơ bản cũng không chấp hành, ai còn dám dùng sản phẩm của bạn nữa?”, “Một hành động nhỏ có thể hủy hoại cả ngành xuất khẩu thiết bị y tế của chúng ta!”.
Còn có cư dân mạng chỉ ra, trước đó Mỹ mới tuyên bố chấp nhận tiêu chuẩn sản xuất khẩu trang N95 của Trung Quốc, ngày 28/3 lại đột nhiên xóa Trung Quốc khỏi danh sách được công nhận, khó đảm bảo liệu có phải do ảnh hưởng bởi sự kiện này.
Ngày 28/03, tờ Thời Báo Hoàn Cầu (Global Times) của chính quyền Trung Quốc, đã thản nhiên cho rằng các sự cố liên quan đến bộ xét nghiệm virus Vũ Hán của Trung Quốc bắt nguồn từ “sự thiếu hiểu biết của một số quốc gia” về phương pháp sử dụng các bộ thử nghiệm. Theo tờ L’Opinion của Pháp, hiển nhiên là uy tín của Bắc Kinh đang bị ảnh hưởng trong lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế và họ không nên để xảy ra quá nhiều vấn đề về chất lượng sản phẩm, bằng không mọi nỗ lực để khôi phục hình ảnh bị hoen ố của họ có thể trở thành vô ích.
Thiện Thành (t/h)