Nhiễm khuẩn do ăn cá sống, một người đàn ông buộc phải cưa cả cẳng tay
Mới đây, một cụ ông 71 tuổi ở Hàn Quốc được chẩn đoán bị nhiễm trùng sau khi ăn hải sản sống. Và, các biến chứng sau đó đã khiến các bác sĩ phải ra quyết định cưa đi cẳng tay của ông.
Những món ăn được làm từ cá hoặc hải sản sống chẳng hạn như sushi có thể ngon đến mức không cưỡng lại được, nhưng nếu không được chế biến kỹ lưỡng bởi đầu bếp lành nghề, chúng có thể đe dọa đến sức khỏe hay thậm chí là tính mạng của người ăn.
Được biết, người đàn ông này có tiền sử bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh cao huyết áp, và cũng đang trong quá trinh chạy thận do suy thận giai đoạn cuối. Chỉ trong vòng 12 tiếng kể từ khi bữa ăn kết thúc, những triệu chứng đầu tiên như sốt và đau đớn cánh tay trái bắt đầu xảy ra. Sau 2 ngày chịu đựng, ông được đưa đến phòng cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Chonbuk ở Jeonju (Hàn Quốc).
Thời điểm đến bệnh viện, lòng bàn tay của bệnh nhân hình thành một vết phù chứa đầy máu, trong khi phần mu bàn tay cũng sưng to. Ekip trực đã ngay lập tức tiến hành phẫu thuật nhằm cô lập sự lây lan của Vibrio vulnificus, loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong nước biển ven bờ và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nhiễm trùng.
Vibrio vulnificus
Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính, mỗi năm, tại Mỹ ghi nhận 205 trường hợp bị nhiễm trùng do vi khuẩn nêu trên. Một số trường hợp đòi hỏi phải cắt cụt chi và có khoảng 15% đến 30% các trường hợp gây tử vong. Sau khi phẫu thuật, người đàn ông Hàn Quốc đã được tiêm 2 liều kháng sinh mạnh qua tĩnh mạch. Tuy nhiên, tình hình vẫn trở nên xấu hơn. Sau 25 ngày, các bác sĩ buộc phải thực hiện một ca phẫu thuật nhằm cắt cụt cẳng tay trái của ông sau. “Sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt sau phẫu thuật và đã được xuất viện để về nhà”, tác giả của bài báo cáo về trường hợp này cho biết.
Vibrio vulnificus thường được gọi theo cách không chính xác là “vi khuẩn ăn thịt người”, nó thuộc họ 12 loài vi khuẩn có thể gây bệnh cho con người. Các triệu chứng của tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn này gây nên bao gồm tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, sốt và ớn lạnh. Nhìn chung, hầu hết các trường hợp đều tự khỏi và số ca bị nặng là rất hiếm, theo CDC.
Khoảng 80% các ca nhiễm trùng xảy ra vào giữa tháng 5 và tháng 10, khi nước ở các vùng ven biển ấm áp, tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn trong cơ thể hải sản. Vi khuẩn có thể xâm nhập trực tiếp vào cơ thể người và gây nhiễm trùng thông qua các vết thương hở. Có thể thấy, trường hợp của bệnh nhân ở Hàn Quốc đề cập bên trên rõ ràng rất hiếm khi xảy ra nhưng hiếm không có nghĩa là không có, nguy hiểm vẫn rình rập đằng sau các bữa hải sản sống.
Ký sinh trùng
Theo một nghiên cứu được công bố hồi năm 2017, sự phổ biến ngày càng tăng của sushi, cá và hải sản sống hoặc chưa nấu chín trong các món ăn đã khiến cho số trường hợp mắc bệnh giun tròn Anisakis tăng lên.
Theo CDC, khi giun xâm nhập vào thành dạ dày hoặc ruột, người bị nhiễm ngay lập tức có triệu chứng đau dạ dày, buồn nôn và ói mửa. Một số trường hợp nặng hơn còn có thể bị chảy máu tiêu hóa, tắc ruột và viêm phúc mạc. Đôi khi, bệnh nhân cũng gặp các triệu chứng của dị ứng như sưng, nổi mẩn trên da, thậm chí sốc phản vệ dẫn đến khó thở và mất ý thức. Bệnh Anisakis phổ biến nhất ở Nhật Bản, nơi sushi là món ăn được ưa thích hàng đầu. Tuy nhiên, bệnh không thể truyền từ người này sang người khác. Tại Nhật, có khoảng 3.000 trường hợp mắc bệnh Anisakis mỗi năm.
>>>7 điều kiêng kỵ khi ăn hải sản vào mùa hè bạn nên biết
Video
Theo Tinhte