Nhật ký Tưởng Giới Thạch: Vĩ nhân bị vùi dập bởi bộ máy tuyên truyền

31/01/18, 09:42 Góc nhìn Lịch sử

Từ sau năm 1949, do tác động của bộ máy tuyên truyền, hầu như toàn bộ dân Trung Quốc Đại Lục đều tin rằng Tưởng Giới Thạch là kẻ thù của họ, là kẻ bán nước buôn dân. Cho đến khi bản gốc của cuốn ‘Nhật ký’ được Viện Hoover công bố tại Mỹ, người ta mới thay đổi cách nhìn về nhân vật lịch sử này.

Tổng thống Quốc Dân đảng Tưởng Giới Thạch. (Ảnh: Kknews)

Tưởng Giới Thạch, còn gọi Tưởng Trung Chính, là người đứng đầu Chính phủ Quốc dân Trung Quốc thời kỳ 1928-1949, từng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Nhật trong 8 năm 1937-1945, khi ra Đài Loan lại làm Tổng thống chính quyền đảo này cho tới ngày qua đời ở Đài Bắc (5/4/1975).

Tưởng cũng là nhân vật gây tranh cãi nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tuy mạng Baidu của Bắc Kinh đánh giá Tưởng là lãnh tụ dân tộc, là vĩ nhân trong lịch sử cận-hiện đại Trung Quốc nhưng nhiều người đại lục vẫn đánh giá rất xấu về Tưởng. Vậy thực chất con người Tưởng Giới Thạch như thế nào?

Gần đây việc công khai phần lớn bộ Nhật ký Tưởng Giới Thạch gồm 55 tập, tổng cộng 10 triệu chữ đã góp phần giải đáp câu hỏi này. Đây là một sự kiện quan trọng, bởi lẽ lịch sử cận đại của Trung Quốc còn rất nhiều vấn đề chưa được làm rõ, do hai phía Đảng Cộng sản và Đảng Quốc dân có quan điểm khác xa nhau về các vấn đề đó. Bộ nhật ký nói trên không những là một tư liệu lịch sử quan trọng mà còn giúp thiên hạ hiểu về thế giới nội tâm của Tưởng.

Tưởng Giới Thạch viết nhật ký từ năm 28 tuổi (1915), ngày nào cũng viết, suốt 57 năm liền, cho tới 3 năm trước khi mất, do tay run mới thôi. Trong nhật ký, ông viết cả về đời tư và công việc, các khuyết điểm của mình v.v. Chưa chính khách nào từng viết nhật ký kiểu như vậy. Ngoài 4 tập bị mất, hiện còn lại 63 tập nhật ký, bao trùm thời gian 53 năm. Đây là bộ nhật ký hoàn chỉnh nhất, đồ sộ nhất còn giữ được trong lịch sử Trung Quốc. Năm 1975, Tưởng chết, con là Tưởng Kinh Quốc giữ bộ nhật ký này. Chịu ảnh hưởng của cha, người con cũng viết nhật ký suốt đời. Vì thế mà có hai bộ nhật ký, chúng trở thành tài sản chung của các hậu duệ họ Tưởng.

Năm 1988, Tưởng Kinh Quốc chết, con út của Quốc là Tưởng Hiếu Dũng và vợ là Tưởng Phương Trí Di giữ hai bộ nhật ký trên. Sau đó các hậu duệ họ Tưởng đều ra nước ngoài định cư. Lúc đó nhiều tập nhật ký đã có chỗ giấy bị mủn, chữ mờ hoặc mất chữ, ngoài ra do viết bằng mực nho (làm từ keo da trâu), khi trời nóng, mực chảy ra làm cho nhiều trang dính nhau. Sau khi chồng chết, bà Di bắt đầu nghĩ chuyện bảo quản lâu dài hai bộ nhật ký. Bà nghĩ như vậy là rất có trách nhiệm với lịch sử dân tộc.

Hồi đó tại Đài Loan xuất hiện xu hướng xóa bỏ vai trò của họ Tưởng. Lãnh tụ đảng Dân Tiến là Trần Thủy Biển (Tổng thống xứ này thời gian 2000-2008) nói Tưởng Giới Thạch là người nước ngoài, là kẻ xâm lược Đài Loan. Giới sử học cũng không quan tâm tới hai bộ nhật ký nói trên. Chính quyền Đài Loan không thu xếp nơi lưu giữ các tài liệu về họ Tưởng, một trong Tứ đại gia tộc (Tưởng, Tống, Khổng, Trần) nổi tiếng.

Vì thế, các hậu duệ họ Tưởng không thể không quan tâm tới đề nghị của Viện Hoover (Hoover Institute) thuộc Đại học Stanford (Mỹ) muốn được bảo quản hai bộ nhật ký này. Sau nhiều lần thương lượng, Tưởng Phương Trí Di thay mặt họ Tưởng thỏa thuận giao cho Viện Hoover bảo quản hai bộ nhật ký đó trong 50 năm dưới dạng ký gửi chứ không có quyền sở hữu; khi thời cơ chín muồi, các tài liệu này sẽ được “mãi mãi lưu giữ trên lãnh thổ Trung Hoa”.

Tình hình Đài Loan ba năm tiếp sau cho thấy quyết định để Viện Hoover giữ hai bộ nhật ký là đúng: Xu hướng loại bỏ họ Tưởng tăng dần, thậm chí có kẻ còn phá hoại các di tích liên quan họ Tưởng hiện có ở Đài Loan, như đốt Thảo Sơn Hành Quán, bôi sơn bẩn tượng Tưởng Giới Thạch v.v…

Cuối năm 2004, Quách Đại Quân và Mã Nhược Mãnh, hai cán bộ nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa của Viện Hoover đến gặp các hậu duệ họ Tưởng tiếp nhận hai bộ nhật ký đưa về Viện. Tin này làm cho giới sử học Đài Loan sửng sốt, bây giờ họ mới tiếc nuối vì đã để tuột mất những tài liệu lịch sử vô giá.

Viện Hoover đã chi 3 triệu USD để tu sửa các trang nhật ký hư hỏng, chụp micro phim, làm photocopy v.v… trong mất hơn một năm. Viện cử giáo sư Quách Đại Quân thẩm tra, xử lý hai bộ nhật ký.

Nhật ký Tưởng Giới Thạch (sau đây viết tắt Nhật ký) viết bằng bút lông, chữ phồn thể, hành văn lối cổ, không chấm câu, không xuống dòng, ai không thạo cổ văn và lịch sử Trung Quốc thì khó mà đọc hiểu, chưa kể chữ viết tháu rất khó đọc. Trong một số tập có chỗ bị sửa lại hoặc bôi đen (có thể do chính tác giả làm) nên nội dung thiếu hoàn chỉnh.

Hồi đó phần lớn các hậu duệ họ Tưởng không ở Mỹ, vì thế họ ủy quyền cho bà Tống Tào Lợi Huyền, giáo sư thỉnh giảng của Viện Hoover, thay họ đọc và chỉnh lý Nhật ký.

Bà Huyền họ Tào, có chồng là Tống Trọng Hổ, con Tống Tử An. An là em trai của ba bà chị Tống Ái Linh (vợ Khổng Tường Hy), Tống Khánh Linh (vợ Tôn Trung Sơn, sau 1949 làm Phó Chủ tịch nước CHND Trung Hoa), Tống Mỹ Linh (vợ Tưởng Giới Thạch) và ông anh là Tống Tử Văn (từng làm Thủ tướng Chính phủ Quốc Dân năm 1945).

Hồi ấy do đang đọc các tư liệu của họ Tống lưu trữ tại Viện Hoover nên bà Huyền tin rằng họ Tống của mình có công lớn trong việc đánh đổ nhà Thanh, vì thế bà cũng quan tâm đến tư liệu của họ Tưởng. Bà Huyền có bằng tiến sĩ, giỏi tiếng Anh và Hán ngữ, không như các hậu duệ họ Tưởng đều kém Hán ngữ cổ, cho nên thích hợp với việc chỉnh lý các tư liệu của ba họ Tống, Tưởng, Khổng.

Sau đó, Viện Hoover nhiều lần thuyết phục họ Tưởng cho công khai Nhật ký trước công luận, chỉnh lý xong đợt nào thì công khai đợt đó. Tưởng Phương Trí Di đồng ý. Đây là một quyết định vô tư và dũng cảm, có lợi cho việc nghiên cứu sử Trung Quốc. Đáp lại, Viện đồng ý yêu cầu không công khai một số nội dung riêng tư không liên quan tới việc nghiên cứu sử học; các nội dung ấy sẽ được Viện này xử lý và công khai vào năm 2035.

Năm 1915, Tưởng Giới Thạch được thầy học giảng cho biết viết nhật ký là để tự kiểm điểm bản thân, hiểu ra các lầm lỗi, qua đó mà tiến bộ. Từ đó Tưởng bắt đầu ghi nhật ký, sau khi làm bất cứ việc gì xấu, đều tự kiểm điểm và tự hứa phải “giới dục, giới sắc”, từ bỏ các ham muốn tầm thường. Trạng thái tâm lý vật vã tự đấu tranh của Tưởng khiến bà Huyền càng đọc càng say mê, và phát hiện thấy Tưởng rất nghiêm khắc với bản thân.

Viện Hoover đưa ra mấy nguyên tắc xử lý tư liệu: không được xóa hoặc sửa bất kỳ câu chữ nào trong bản gốc; chỉ được xử lý những vấn đề riêng tư và sức khỏe của cá nhân, tài chính gia đình và những chê trách không thân thiện với người ngoài gia đình.

Năm 2006, Viện bắt đầu cho công chúng đọc Nhật ký phần từ năm 1917 đến 1931. Năm 2007 lại công khai nhật ký thời gian 1932-45; năm 2008 công khai nhật ký cho đến 1949. Chỉ cần xuất trình bằng lái xe là ai cũng được vào đọc, nhưng chỉ được đọc micro phim, chỉ được chép tay, không được chụp ảnh hoặc photocopy, cấm mang máy tính vào phòng đọc. Điều kiện ngặt nghèo này đã hạn chế số người muốn đọc Nhật ký. Mấy ai có đủ nghị lực và thời gian chép cả chục triệu chữ Hán cổ?

Năm đầu có khoảng 100 người Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Nhật, Hàn đến đọc; chỉ vài người đọc hết toàn bộ, chưa ai chép hết Nhật ký.

Mới đầu các hậu duệ họ Tưởng rất lo việc công khai Nhật ký sẽ khiến dư luận có ấn tượng xấu về Tưởng Giới Thạch. Nhưng kết quả lại làm cho Tưởng được đánh giá cao hơn trước, nhiều người Trung Quốc thấy rằng trước nay họ đã hiểu sai Tưởng Công.

Thí dụ họ luôn nghĩ Tưởng chỉ lo chống Cộng sản mà không lo chống Nhật xâm lược. Nhưng nhật ký Tưởng cho thấy trong ban lãnh đạo Quốc Dân Đảng thời ấy, Tưởng là người quyết tâm chống Nhật hơn ai hết. Hồi đó Nhật đã chiếm vùng Đông Bắc Trung Quốc, dân chúng cũng như hầu hết chính khách nước này đều cho rằng không thể chống lại nổi quân Nhật, nếu kháng chiến thì các thành phố cùng các di tích lịch sử sẽ bị phá hủy, hàng chục triệu người sẽ thương vong.

Nguyên Chủ tịch Quốc Dân Đảng Uông Tinh Vệ cũng chủ hòa với Nhật, về sau Uông lập Chính phủ thân Nhật ở Nam Kinh, đối lập với Chính phủ của Tưởng ở Trùng Khánh. Chính khách họ hàng Tưởng như Khổng Tường Hy (anh rể vợ), Tống Tử Văn (anh vợ), v.v…, trí thức lớn như Hồ Thích, Sái Nguyên Bồi cũng chủ hòa, duy nhất Tưởng chủ chiến. Trong Nhật ký có câu: “Cuộc chiến Trung-Nhật là không thể tránh được”, những người chủ hòa đáng “giết mà không tha”.

Trong Nhật ký ngày 21/8/1935, Tưởng dự đoán khá đúng về các giai đoạn của cuộc chiến: “1) Nhật muốn không đánh mà khuất phục được Trung Quốc. 2) Nhật chỉ có thể uy hiếp, phân hóa Trung Quốc, tạo ra lũ thổ phỉ Hán gian, làm Trung Quốc rối loạn mà không dùng vũ lực để chinh phục. 3) Sau cùng Nhật dùng binh lực tấn công. 4) Trung Quốc chống lại. 5) Do quốc tế can thiệp mà dẫn đến đại chiến thế giới. 6) Nội bộ nước Nhật nổi loạn làm cách mạng. 7) Giặc Lùn thất bại trong vòng 10 năm”. Phải thấy các dự đoán này rất có tầm nhìn, không thể chê Tưởng dốt chính trị.

Nhật ký cho thấy ngay từ năm 1933, trước Mao Trạch Đông khá lâu, Tưởng đã đề ra chiến lược đánh lâu dài, toàn dân kháng chiến, chờ thời cơ quốc tế thuận lợi mới phản công. Tưởng chủ động mở chiến dịch Thượng Hải (8-11/1937) diệt hơn 4 vạn quân Nhật, tuy phía Trung Quốc thương vong 30 vạn song Tưởng đã thành công giữ chân 37 vạn quân Nhật ở vùng Đông và Nam, để Nhật phải rải quân trên diện rộng, do đó không đủ sức đánh miền Tây, tranh thủ được thời gian sơ tán các cơ quan, nhà máy, trường học đến miền Tây xa xôi (Chính phủ Tưởng dời đô về Trùng Khánh) để chuẩn bị đánh lâu dài. “Cuộc chiến này không ở chỗ thắng thua mà ở chỗ tinh thần dân tộc tăng lên hay giảm xuống”, “Thua mà không hàng, níu kéo giặc cho tới lúc chúng sụp đổ”,  – Tưởng viết.

Trong quan hệ với Mỹ, Tưởng kiên trì giữ “sự tôn nghiêm của quốc gia”, trong Nhật ký có những câu chửi “đế quốc Mỹ”. Sau khi ra Đài Loan, tuy chủ trương “phản công đại lục” nhưng Tưởng lại phản đối ý đồ của Mỹ định ném bom nguyên tử Trung Quốc và Điện Biên Phủ của Việt Nam. Nhật ký ngày 17/4/1954 viết: “Không được ném bom khinh khí, bom nguyên tử Mỹ xuống Việt Nam và đại lục Trung Quốc”. Ngoài ra tuy căm thù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhưng trong Nhật ký không có câu nào chửi đảng này, khác hẳn những lời lẽ mà một số báo đài bên phía ĐCSTQ từng dùng để thóa mạ Tưởng.

Nhật ký cho biết, mãi đến hai tháng mười ngày sau khi tại Bắc Kinh Mao Trạch Đông tuyên bố khai sinh nước CHND Trung Hoa, cha con Tưởng mới đáp máy bay rời Thành Đô ra Đài Loan. Tưởng Giới Thạch rưng rưng nước mắt ra lệnh cho máy bay lượn hai vòng tạm biệt thành phố này rồi mới đi hẳn.

Nhiều người cho rằng Tưởng viết nhật ký là để phô trương mình và do đó viết toàn những điều bịa đặt. Nhưng quan điểm đó không đứng vững bởi mấy lẽ sau:

Thứ nhất, trong Nhật ký có nhiều chỗ Tưởng viết những chuyện riêng và các tính xấu của mình lẽ ra nên giữ kín, như tật thủ dâm, hiếu sắc, “thấy gái là nổi dục vọng, cuồng lên không thể kiềm chế”, chuyện mắc bệnh lậu do lang chạ với gái điếm v.v..

Thứ hai, Nhật ký viết nhiều lời chê trách, chửi rủa thậm tệ hầu hết mọi người, kể cả người thân như Tống Tử Văn, Khổng Tường Hy, cộng sự cấp cao như Phó Tổng thống Lý Tôn Nhân, Hồ Hán Dân, Tôn Khoa v.v…, thậm chí Tưởng còn chê trách vợ (Tống Mỹ Linh) một cách nhẹ nhàng bằng câu “Duy tiểu nhân dư nữ tử nan dưỡng dã” (Lời Khổng Tử trong sách Luận Ngữ. Tạm dịch: Khó mà chung sống được với kẻ tiểu nhân và đàn bà).

Thứ ba, sinh thời Tưởng chưa hề công bố bất cứ đoạn nhật ký nào hoặc lợi dụng nhật ký để đề cao mình, tuy rằng ông từng nhờ người chép lại Nhật ký để đề phòng bản gốc bị mất.

Dĩ nhiên các sự việc trong Nhật ký đều viết theo quan điểm cá nhân Tưởng, cho nên tuy cơ bản là viết người thực việc thực nhưng Nhật ký chỉ là một nguồn tài liệu tham khảo cho các sử gia.

Giáo sư Lã Phương Thượng ở Khoa Sử, Đại học Đông Hải, Đài Loan nói: “Từ ‘Nhật ký’ có thể thấy lộ trình nội tâm của một người từ ‘kẻ bình thường’ trở thành ‘nhà lãnh đạo’. Tưởng Giới Thạch sống rất tiết kiệm, mặc áo vá, ăn uống thế nào cũng xong, không uống rượu, không hút thuốc lá, chỉ uống nước sôi để nguội”.

Bà Quách Đại Quân nói: “Trong ‘Nhật ký’ thường có những chỗ phân tích thời cuộc quốc tế, qua đó có thể thấy Tưởng Giới Thạch có tầm nhìn khá cao, luôn xem xét vấn đề từ nhiều phương diện”.

Giáo sư Dương Thiên Thạch, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Lịch sử Cận đại thuộc Viện KHXH Trung Quốc (Bắc Kinh), từng sang Mỹ nhiều lần để đọc Nhật ký, nói: “Bộ nhật ký này dài tới hơn 50 năm, giúp mọi người hiểu thế giới nội tâm của Tưởng và nhiều bí ẩn lịch sử chưa ai biết, có ý nghĩa lớn đối với việc nghiên cứu lịch sử Trung Quốc cận đại và hiện đại, ai không đọc sẽ bị thiệt thòi rất nhiều”.

Vì không ai có thể chép tay hết Nhật ký nên dư luận mong muốn bộ tư liệu này được chỉnh lý và xuất bản phát hành. Viện Hoover và các hậu duệ họ Tưởng đã đồng ý với yêu cầu đó. Vả lại họ thấy việc chỉ công khai từng phần Nhật ký đã gây ra rắc rối. Những người đọc Nhật ký chỉ chép được một phần, có khi chép sai, sau đó họ viết báo, viết sách đưa ra những tư liệu sai và quan điểm sai, gây rối dư luận. Việc xuất bản toàn bộ Nhật ký sẽ giúp mọi người có dịp tự tìm hiểu về Tưởng Giới Thạch.

Năm 2010, Viện Nghiên cứu Trung ương (Academia Sinica, cơ quan học thuật cao nhất Đài Loan, tương đương Viện hàn lâm Khoa học) được Tưởng Phương Trí Di ủy quyền đã in 55 tập Nhật ký Tưởng Giới Thạch, nhưng sau đó việc xuất bản phải hoãn lại vì có hậu duệ họ Tưởng khiếu nại ra tòa vấn đề ai được giữ bản quyền bộ nhật ký này.

Thực ra từ lâu một số người đã xuất bản sách viết về Nhật ký Tưởng Giới Thạch, nhưng các tác giả đó đều chỉ mới đọc một phần Nhật ký, vì thế họ không thể đánh giá toàn diện và chính xác về Tưởng Giới Thạch. Bởi vậy công luận vẫn đang mong đợi Nhật ký sẽ sớm được xuất bản, phát hành.

Theo Nghiencuuquocte

Ad will display in 09 seconds

Cách chọn đồ đệ của lão thợ khóa khiến nhiều người bất ngờ

Ad will display in 09 seconds

LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

Ad will display in 09 seconds

Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

Ad will display in 09 seconds

Donor - Một câu chuyện có thật

Ad will display in 09 seconds

Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

Ad will display in 09 seconds

10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

Ad will display in 09 seconds

Ấm trà tri âm

Ad will display in 09 seconds

Từ bỏ điều này sẽ đắc Phúc báo

Ad will display in 09 seconds

Người tốt hay gặp khó, kẻ xấu vẫn thành công? Đây là lời giải đáp

Ad will display in 09 seconds

Chớ nghĩ nhân gian nhiều mỹ hảo, ma quỷ đang thao túng con người!

  • Cách chọn đồ đệ của lão thợ khóa khiến nhiều người bất ngờ

    Cách chọn đồ đệ của lão thợ khóa khiến nhiều người bất ngờ

  • LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

    LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

  • Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

    Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

  • Donor - Một câu chuyện có thật

    Donor - Một câu chuyện có thật

  • Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

    Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

  • 10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

    10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

  • Ấm trà tri âm

    Ấm trà tri âm

  • Từ bỏ điều này sẽ đắc Phúc báo

    Từ bỏ điều này sẽ đắc Phúc báo

  • Người tốt hay gặp khó, kẻ xấu vẫn thành công?  Đây là lời giải đáp

    Người tốt hay gặp khó, kẻ xấu vẫn thành công? Đây là lời giải đáp

  • Chớ nghĩ nhân gian nhiều mỹ hảo, ma quỷ đang thao túng con người!

    Chớ nghĩ nhân gian nhiều mỹ hảo, ma quỷ đang thao túng con người!