Nhân quả bảo ứng: Tôn kính Thần Phật thoát nạn hỏa thiêu
Thần Phật vốn từ bi vô hạn, nhưng từ bi không đồng nghĩa với việc dung túng cho kẻ ác làm chuyện xấu xa mà không biết hối lỗi, hay bao che cho những ai coi thường uy nghiêm của thần thánh mà có hành động phỉ báng, nhục mạ.
Những năm đầu Khang Hy triều đại nhà Thanh, giá gỗ đàn hương vô cùng đắt đỏ. Quận Giang Tô có một cửa hàng sản xuất và buôn bán nhang. Vì trước đây cửa hàng này từng bỏ ra ba lượng vàng mua một bức tượng Phật làm bằng gỗ đàn hương, nên cả nhà chủ tiệm bàn với nhau rằng: “Nếu ta đem bức tượng Phật này chế thành nhang đàn hương để bán, có thể kiếm lời được 16 lượng vàng”. Thế là họ liền muốn hủy tượng Phật, nhân lúc gỗ đàn hương tăng giá để kiếm một món tiền lời, nhưng người hầu trong nhà sợ phạm phải tội lỗi tày trời, liền ra sức khuyên can họ.
Lúc đó, con rể chủ tiệm chuẩn bị đón tân nương về nhà nên đang ở nhà nhạc phụ, anh ta lớn tiếng mắng người hầu rằng: “Ngươi chỉ là kẻ ăn người ở, việc này thì liên quan gì đến ngươi? Ngươi chỉ nghe lời sai bảo là được rồi”. Tối hôm đó, con gái chủ tiệm bị đau bụng nên không thể về nhà chồng, thế là hai người họ đành ở lại vài hôm.
Ngày hôm sau, một người cha dắt theo đứa con trai 6 tuổi đi dạo phố, bỗng nhiên đứa con trai chỉ tay về phía tiệm nhang, hỏi cha rằng: “Căn nhà đó tại sao lại dùng vải đỏ treo khắp nhà vậy?”. Cha đứa trẻ tưởng rằng nó nhìn lầm, liền quát mắng nó không được nói năng lung tung. Tối hôm đó, tiệm nhang xảy ra hỏa hoạn, cả nhà chủ tiệm đều chết cháy, nhưng ngọn lửa này không hề cháy lan sang nhà bên cạnh.
Lúc đó, chàng rể muốn thoát ra từ một cái lỗ trên lầu nhưng lại bị vật gì đó cản lại, không ra được; thế là chết trong biển lửa. Còn về phía người hầu, vì anh đã ra sức khuyên can, nên ngay buổi sáng ngày hôm đó, đã bị chủ tiệm bắt đi nơi khác làm việc hai ngày. Trong vụ hỏa hoạn này, chỉ có anh là may mắn thoát nạn.
Vậy nên nhân quả báo ứng không hề sai chạy, dù chỉ là đường tơ kẽ tóc, mang theo tâm thế nào thì sẽ nhận được báo ứng như thế nấy.
Tâm địa của chàng rể và người hầu hoàn toàn khác nhau, một người ngông cuồng làm bậy, đối với tượng Phật không hề có chút kính sợ gì; trong khi người kia lại vô cùng kính sợ Thần Phật, không dám tạo tội. Kết quả cũng hoàn toàn khác nhau: Một người vốn dĩ muốn về nhà nhưng không về được, người kia chẳng hề muốn đi nơi khác nhưng lại bị bắt ép phải đi, nhờ thế mà tránh được đại nạn. Thật đúng là phúc lành hay nghiệp báo đều xét từ một niệm của người ta. Cả nhà chủ tiệm có thể coi là cùng nhau tạo tội, hủy hoại tượng Phật, dám đem bức tượng Phật tôn quý như vậy ra làm hàng hóa buôn bán kiếm lời, cả nhà gặp phải báo ứng ngay tức khắc.
Con người làm việc gì, đều cần phải thuận theo thiên ý, cân nhắc lợi hại, thiệt hơn. Từ xưa đến nay, những ai tin hiểu việc nhân quả, luôn coi đức hạnh và thiện niệm là điều quan trọng nhất, đáng tin cậy nhất. đối với việc hành thiện thì dốc hết sức mà làm; còn đối với các việc gian ác, hại người thì tuyệt đối không tham dự, không hùa theo. Một niệm thiện lành là tránh được tai ương, sửa sai hướng thiện cũng có thể chuyển họa thành phúc.
Tiểu Thiện, theo Epoch Times