Nhạc khách xứ người
Khi ra nước ngoài, đến một địa điểm nào đó, tự dưng nghe người bản xứ chơi một bản nhạc VN, cảm giác rất ngạc nhiên và lòng thấy vui. Câu hỏi tò mò là làm sao người ta biết mình là du khách Việt để họ chơi nhạc Việt cho mình vui? Tôi tự tìm câu trả lời sau những chuyến đi tứ xứ.
Trước hết xin mở ngoặc để giải thích chữ “nhạc khách”. Thông thường chúng ta chỉ nghe: đón khách, đãi khách, tiễn khách…, sau này có thêm “đi khách” (từ của dân làng chơi), chứ chưa hề nghe “nhạc khách”. Thú thật, từ này do tôi mạo muội nghĩ ra, nó ghép từ chữ âm nhạc đón khách. Khi đi du lịch, 5 giác quan của chúng ta đều được sử dụng tối đa để cảm nhận những điều mới lạ: thị giác để chiêm ngưỡng phong cảnh, khứu giác và vị giác để cảm nhận ẩm thực, xúc giác để sờ vào những phiến đá ẩn chứa câu chuyện ngàn năm và thính giác để nghe đủ thứ âm thanh trước lạ sau quen.
Riêng về khía cạnh thính giác, nếu ra nước ngoài mà bỗng dưng nghe một giai điệu nhạc Việt mà người bản xứ dành tặng cho du khách VN, há chẳng thú vị sao?
Câu chuyện nhạc Nga ở Bình Thuận
Từ nhiều năm trước, vùng đất Phan Thiết, Mũi Né ở tỉnh Bình Thuận xuất hiện khá đông du khách đến từ nước Nga, thế là tự nhiên những người kinh doanh trong lĩnh vực du lịch như: resort, khách sạn, nhà hàng, tiệm bán hàng lưu niệm, quán cà phê… nghĩ ra cách dùng thêm tiếng Nga vẽ trên bảng hiệu của mình đồng thời biên chế thêm nhân viên biết tiếng Nga. Điều này hoàn toàn hợp lý nếu tính trên số lượng du khách đông đảo của một nước hoặc một vùng lãnh thổ nào đó xuất hiện tại đây. Đó là lý do giải thích vì sao khi bước vào quán cà phê ở khu du lịch Phan Thiết, Mũi Né, bạn sẽ nghe người ta mở nhạc Nga với những bài tình ca quen thuộc, như: Chiều Mát-xcơ-va, Cây thùy dương, Đôi bờ, Triệu đóa hoa hồng... Phải mở nhạc Nga vì có cảm giác người Nga ở đây đông hơn người Việt và cũng nhằm tạo không khí thân quen, hiếu khách và hiểu khách. Chợt nghĩ, nếu đó không phải người Nga, mà là Mexico hay Argentina thì chắc chắn những người kinh doanh du lịch ở Bình Thuận buộc phải sử dụng tiếng Tây Ban Nha vẽ trên bảng quảng cáo của mình rồi.
Người Nga ở VN là vậy, thế còn người Việt ra nước ngoài thì sao?
“Sài Gòn đẹp lắm” ở Thái Lan
Đối với người VN, nếu lần đầu tiên đi du lịch nước ngoài, đa số chọn Thái Lan, sau đó mới đến Malaysia, Singapore, Hồng Kông… Chọn Thái Lan vì đi du lịch đến xứ này có nhiều tiết mục hấp dẫn, ăn uống hợp khẩu vị mà giá tour thì lúc nào cũng rẻ, nhiều khi còn rẻ hơn đi du lịch trong nước. Theo dự báo của Tổng cục Du lịch Thái Lan, trong năm 2015 sẽ có khoảng 800.000 du khách Việt đến Thái, nằm trong Top 10 quốc gia có lượng khách đông nhất đến đây. Dĩ nhiên, với một lượng du khách lớn như vậy, nước chủ nhà cũng phải nghĩ ra cái gì đó để “đãi khách”. Và âm nhạc là thứ mà họ dùng đến.
Cách đây nhiều năm (và bây giờ vẫn vậy), khi đi xem Tiffany Show do những người chuyển giới trình diễn ở phố biển Pattaya, tôi giật mình thích thú khi chứng kiến họ trình diễn hoạt cảnh trên nền nhạc cha cha cha sôi động bài Sài Gòn đẹp lắm của nhạc sĩ Y Vân. Các nghệ sĩ chuyển giới ấy tha thướt trong những tà áo dài và nón lá, một hình ảnh đặc trưng quen thuộc, không riêng gì Thái Lan, hầu như cả thế giới này nhìn thấy đều biết đó là VN. Trong khán phòng của rạp hát đêm hôm ấy, du khách Việt chiếm khoảng 1/3, quan sát thấy ai cũng phấn khích.
Nhạc Việt ở Campuchia
Vì là nước láng giềng, nên sự giao thoa về nhiều mặt giữa VN và Campuchia là điều hiển nhiên. Bằng chứng là món hủ tiếu Nam Vang (hủ tiếu Phnom Penh) từ lâu đã trở thành món ăn được ưa thích và phổ biến ở VN. Tối đến, ở Siem Reap hay Phnom Penh, nếu muốn đi hát karaoke bằng tiếng Việt, người ta sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ấy của bạn, chẳng có gì khó khăn. Khi tính tiền, nếu không có đồng riel (tiền Campuchia) hoặc đô la Mỹ, bạn có thể thanh toán bằng tiền Việt, vui vẻ cả làng. Nói tóm lại, đời sống du lịch ở đất nước Angkor rất dễ chịu.
Cũng giống như Thái Lan, gần đây người Việt sang Campuchia du lịch ngày càng nhiều, một phần nhờ giá sinh hoạt dễ thở và cái chính là do họ có một công trình kiến trúc thời Trung cổ nổi tiếng toàn thế giới: đó là đền Angkor ở tỉnh Siem Reap. Lúc đoàn nhà báo chúng tôi theo hướng dẫn của Vietravel đến thăm đền Ta Prom trong quần thể Angkor, vừa bước vào cổng đền đã nghe thấy tiếng nhạc hòa tấu một bài nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Lúc đến gần mới biết đó là một ban nhạc của những người thương phế binh Campuchia, họ chơi nhạc giúp vui và bán đĩa nhạc cho du khách. Ban nhạc này có một cái thố để phía trước, du khách nào thích thì bỏ tiền vào ủng hộ, giống như cách mà các “nghệ sĩ đường phố” ở những điểm du lịch trên thế giới thường làm. Trong dòng du khách đông đảo đủ loại quốc tịch như vậy, làm thế nào họ nhận ra đâu là du khách VN để mà chơi một bản nhạc Việt? Sự “nhạy bén” trong du lịch nằm ở chỗ đó, giống Sài Gòn đẹp lắm ở Thái Lan.
Chuyện bi hài ở Hy Lạp
Có một sự thật đã và đang diễn ra là, đi đến đâu cũng thấy toàn du khách Trung Quốc và Nhật Bản. Điều này khiến các nước sở tại phải ưu tiên đáp ứng mọi nhu cầu liên quan đến du lịch cho họ, trong đó có âm nhạc. Mặc nhiên phải như vậy.
Một buổi sáng nọ, đoàn nhà báo chúng tôi đến một bến cảng ở thủ đô Athens của Hy Lạp để lên du thuyền ra tham quan các hòn đảo ngoài khơi Địa Trung Hải. Hầu hết du khách các nước đến đây đều đi theo đoàn. Chiếc du thuyền của chúng tôi đón vài trăm du khách, đa số là người nói tiếng Hoa (Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…). Chủ du thuyền bố trí một anh chàng đẹp trai đứng ngay cầu tàu thổi kèn saxophone đón khách. Nếu thấy một đoàn khách Âu – Mỹ, anh ta sẽ chơi một bản nhạc Tây, đại loại như bài La Paloma chẳng hạn. Phải thừa nhận anh này chơi nhạc cũng mượt mà không thua gì Nguyễn Mạnh Tuấn. Khi đoàn chúng tôi đến, chàng nghệ sĩ thổi bài Bến Thượng Hải để chào mừng vì nghĩ là du khách Trung Quốc. Thấy thế, anh hướng dẫn viên du lịch của Saigontourist vội đính chính ngay (bằng tiếng Anh): “Không, không phải Trung Quốc, chúng tôi là người VN !”. Nghe vậy, anh ta thả chiếc saxophone xuống không thổi nữa, trố mắt ngạc nhiên: “Wow, Vietnam, OK!” rồi hồ hởi đưa kèn lên chơi bài… Người đến từ Triều Châu. Bó tay. Đoàn nhà báo chúng tôi chỉ biết nhìn nhau cười tủm tỉm rồi bước lên du thuyền.
Không thể trách anh chàng nghệ sĩ saxophone ấy, vì chắc chắn đó là lần đầu tiên anh ta diện kiến một đoàn khách đến từ VN. Nếu du khách Việt thường xuyên du lịch Hy Lạp đông đảo như người Hoa hoặc Nhật, tôi tin là anh ta sẽ phải học thuộc một vài nhạc phẩm VN, như bài Cái trống cơm chẳng hạn, để đón khách. Mong ngày ấy đến gần…
Đoàn Xuân Hải |
Theo Thanh Niên