Nhạc chế ‘Nobita lấy Chaien’ của Lê Dương Bảo Lâm bị VTV24 nhận xét: Vô nghĩa, phá nát tuổi thơ
Trong bản tin ‘Thị hiếu và công chúng – Sản phẩm nhiều lượt xem chưa chắc đã là sản phẩm tốt’, VTV24 đã đề cập đến bản nhạc chế ‘Nobita thầm yêu Xuka’ của diễn viên hài Lê Dương Bảo Lâm…
Theo đó, đoạn nhạc chế của Lê Dương Bảo Lâm có nội dung: “Má Xeko thì nghèo, má Chaien thì giàu còn Nobita luôn ăn hiếp bạn bè. Nobita thầm yêu Xuka, hái hoa hồng tặng cho Chaien. Nếu Chaien bằng lòng lấy Nobita làm chồng, thì Nobito chào đời”.
VTV24 nhận xét phần lời chế của Lê Dương Bảo Lâm không chỉ vô nghĩa mà còn phá nát câu chuyện gắn liền với tuổi thơ của biết bao nhiêu người. Đoạn nhạc chế hoàn toàn sai lệch so với nội dung của bộ truyện đến từ Nhật Bản. Câu chuyện Chaien lấy Nobita làm chồng và sinh con trong phần nhạc chế rất phản cảm, lố lăng, gây ảnh hưởng không tốt đến tư duy của người nghe, đặc biệt là trẻ nhỏ, khiến chúng có những nhận định sai lệch.
“Nhạc chế đang được đối xử ‘ngang hàng’, ‘ưu ái’ hơn những tác phẩm chất lượng”
Biên tập viên (BTV) VTV24 Trần Hằng nhấn mạnh thị hiếu âm nhạc đều phải hướng đến giá trị cơ bản, đó là tính thẩm mỹ, nghệ thuật và tính nhân văn. Đi ngược lại các giá trị này đều dẫn đến thị hiếu méo mó trước công chúng. Đồng thời dẫn lời chia sẻ của nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long.
“Đối với những người xem, tôi nghĩ rằng nó sẽ tác động trực tiếp tới tư duy, cảm nhận âm nhạc. Trong tương lai, họ có thể trở thành người khuyết tật về thẩm mỹ, cảm nhận nghệ thuật và cả tâm hồn. Điều nguy hiểm nhất đối với những người sáng tạo nội dung là được sự hưởng ứng của nhiều người hâm mộ trên nền tảng số, tạo ra cảm giác họ là người có tầm quan trọng, hoặc dẫn dắt thị hiếu người xem.
Theo cá nhân tôi đây chưa phải là nghệ thuật. Nghệ thuật phải là những điều đẹp, thông qua lăng kính của người nghệ sĩ. Để tác phẩm làm đẹp hơn tâm hồn, trách nhiệm của nghệ sĩ phải sáng tác ra những tác phẩm làm đẹp cho đời. Đây là điều đặc biệt cần thiết trong giai đoạn hiện nay”, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề nhạc chế trên, trao đổi với báo Zing, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng nhận định nhiều ca khúc nhạc chế hiện giờ có nội dung độc hại, ca từ vớ vẩn, nhảm nhí, không có giá trị giải trí lành mạnh. Chúng vô nghĩa và không có cảm xúc. Với khán giả trẻ, nhất là thiếu nhi, những ca khúc nhạc chế chắc chắn có ảnh hưởng xấu. Nhạc sĩ khẳng định các ca khúc không mang lại giá trị gì cho thiếu nhi, ngoài việc ảnh hưởng xấu đến đầu óc và suy nghĩ.
“Tôi thấy buồn và bức xúc vì những giá trị nghệ thuật bị xem nhẹ. Thật ra ai cũng hiểu những bài nhạc chế là giải trí và nó sớm muộn cũng bị đào thải, lãng quên theo thời gian. Nó vĩnh viễn không bao giờ được xếp ngang hàng những tác phẩm âm nhạc khác. Thế nhưng điều tôi muốn nói đến ở đây là ‘sự đối xử’ từ đài truyền hình, ban biên tập các chương trình ca nhạc. Cách họ xử lý cho chúng ta thấy nhạc chế đang được đối xử ‘ngang hàng’ hoặc thậm chí ‘ưu ái’ hơn những tác phẩm khác. Vai trò của truyền hình không phải để lan truyền thứ văn hóa nhạc chế đó”, nhạc sĩ nhấn mạnh và bày tỏ mong muốn các cơ quan liên quan sẽ có biện pháp và tiếng nói để hạn chế tình trạng trên.
Quay trở lại với bản tin của VTV24, chương trình đã lấy ví dụ về những nghệ sĩ có sáng tác đẹp và có ý nghĩa trong và ngoài nước để làm dẫn chứng nhằm phê phán ‘tác phẩm’ của Lê Dương Bảo Lâm. Đồng thời khẳng định rằng, âm nhạc không đơn thuần chỉ là giải trí, âm nhạc phản ánh nhận thức, quan điểm, suy nghĩ, cảm xúc, thái độ của nhạc sĩ, ca sĩ với những vấn đề được quan tâm trong đời sống. Từ đó, âm nhạc thấm dần vào ngôn ngữ, nhận thức, thái độ và cảm xúc của người nghe nhạc.
‘Tôi rất lo lắng cho giới tính của các con’
Trước những nhận định trên của các nhà phê bình âm nhạc và của VTV24, cộng đồng mạng đã tranh cãi kịch liệt. Có không ít ý kiến bênh vực nam nghệ sĩ, cho rằng ‘Nobita thầm yêu Xuka’ của Lê Dương Bảo Lâm chỉ là một bản nhạc chế theo hướng hài hước, giải trí chứ không phải một MV âm nhạc nghiêm túc nên không cần quá ‘căng thẳng’ như vậy.
Tuy vậy cũng có ý kiến cho rằng đoạn nhạc chế trên có câu từ “nhảm nhí” và xuyên tạc tuổi thơ, ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ nhỏ.
Một người đọc chia sẻ, vì bài nhạc chế trên của Lê Dương Bảo Lâm mà anh đang rất lo lắng cho giới tính của các con mình. Anh kể các con anh (một bé học lớp 5, một bé học lớp 2) rất thích xem phim hoạt hình Doraemon.
Hôm qua sau khi đi học về, 2 đứa rôm rả hát đoạn nhạc nghe rất lạ, có lẽ là mới học từ bạn bè ở trường, trong đó có câu “…nếu Chaien bằng lòng lấy Nobita làm chồng thì một năm sau Nobito ra đời…”. Nghe đến đây anh giật mình lo lắng vì các con hát vô tư, vui vẻ mà không hề nhận ra tư tưởng lệch lạc trong đó là con trai với con trai sao có thể lấy nhau sinh con.
Dù sau đó đã giải thích với các con, các cháu cũng gật gù vâng dạ nhưng anh vẫn thấy bất an trong lòng khi “những quan niệm biến dị về giới tính đã luồn lách vào tâm thức của trẻ thơ một cách tự nhiên như gieo những hạt mầm độc hại cho xã hội tương lai”.
Xuân Hạ (t/h)