Nguồn cung nội tạng “theo yêu cầu” ẩn giấu tội ác phản nhân loại của ĐCSTQ
Hệ thống cung cấp nội tạng theo yêu cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tiếp tục dấy lên lo ngại về nguồn cung nội tạng thực sự của chính quyền độc tài. Vậy cộng đồng quốc tế nên làm gì để ngăn chặn tội ác phản nhân loại này của ĐCSTQ?
Năm 2008, một bà mẹ 41 tuổi từ Bắc Carolina, Mỹ bay đến Thiên Tân, Trung Quốc và trải qua một ca ghép gan thành công. Người mẹ này là bệnh nhân của Alexander Toledo – một bác sĩ phẫu thuật cấy ghép ổ bụng tại Trung tâm Y tế Đại học Bắc Carolina.
Đến ngày 26/10/2020, Trung tâm Đạo đức Sinh học của Đại học Bắc Carolina, Mỹ đã tổ chức hội thảo video trực tuyến với tiêu đề “Mổ sống nội tạng từ tù nhân lương tâm: Hội thảo nghiên cứu về sự tương tác của vận động y tế và đạo đức y tế”. Tại buổi hội thảo, Tiến sĩ Alexander Toledo đã giới thiệu rằng, ca mổ ghép gan của quý bà này ở Trung Quốc là ca ghép tạng “theo yêu cầu”. Người mẹ này đã trải qua ca phẫu thuật nhưng lại không biết được gì ngoại trừ việc được thông báo rằng, người hiến tạng là một người trẻ, khỏe mạnh và đã qua đời.
Trường hợp mà bác sĩ Alexander Toledo đề cập bên trên thêm lần nữa làm dấy lên lo ngại về nguồn nội tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Năm 2006, lần đầu tiên hoạt động mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ bị phanh phui ra toàn thế giới. Trong hơn một thập kỷ qua, cộng đồng quốc tế đã báo cáo nhiều cuộc điều tra, cáo buộc ĐCSTQ mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm như học viên Pháp Luân Công v.v.
Các chuyên gia tham gia hội thảo cho rằng, cộng đồng cấy ghép nội tạng, cộng đồng y tế trên thế giới và các quốc gia khác, cũng như chính phủ Mỹ cần khẩn trương thực hiện những hành động cụ thể để ngăn chặn tội ác phản nhân loại của ĐCSTQ.
Hệ thống hiến tặng nội tạng của ĐCSTQ có quá nhiều nghi vấn
Hệ thống hiến tạng của Trung Quốc được thành lập từ năm 2015. So với các nước phát triển như Anh, Mỹ thì Trung Quốc vẫn còn rất non nớt, thêm vào đó là quan niệm truyền thống của Trung Quốc “chết phải toàn thây” v.v. cho nên, chỉ có một số ít người Trung Quốc đồng ý hiến tạng sau khi qua đời.
Torsten Trey – Giám đốc điều hành của “Hiệp hội các bác sĩ chống cưỡng bức mổ cướp nội tạng” (DAFOH), giới thiệu tại hội thảo rằng, theo thống kê, vào năm 2017, Trung Quốc có khoảng 375.000 người đăng ký hiến tạng, trong khi đó Vương quốc Anh có 21 triệu người và Mỹ là 140 triệu người.
Tuy nhiên, trong cùng năm, số người hiến tạng thực tế ở Trung Quốc là 5.146 người, Vương quốc Anh là 1.364 và Mỹ là 10.284.
Theo số liệu nêu trên, tỷ lệ hiến tạng thực tế ở Trung Quốc là 1,4%, Anh là dưới 0,01% và Mỹ dưới 0,008%. Tức là, tỷ lệ hiến tạng thực tế ở Trung Quốc cao gấp 140 lần so với Anh và Mỹ.
Ngoài tỷ lệ hiến tạng thực tế bất thường, bác sĩ Torsten Trey đã chỉ ra ba bằng chứng về hoạt động mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ, bao gồm: Số lượng ca cấy ghép nội tạng đáng kinh ngạc; thời gian chờ đợi nội tạng quá ngắn; và các báo cáo của nhân chứng.
Ví dụ, từ năm 1999 đến năm 2004 (5 năm), số ca cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc đã tăng khoảng 300%, trong khi mức tăng toàn cầu trong cùng thời kỳ chỉ là 10% – 15%, tức là “Số ca cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc đã tăng nhanh hơn 20 lần so với thế giới.” Hơn nữa, thời điểm gia tăng ca cấy ghép nội tạng lại trùng với thời điểm ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công năm 1999; Hoàng Khiết Phu – cựu Bộ trưởng Bộ Y tế ĐCSTQ đã nhận được hai người hiến tạng trong vòng chưa đầy 24 giờ; vào năm 2006, thời gian chờ đợi trung bình để ghép thận ở Mỹ là 1825 ngày, trong khi ở Trung Quốc chỉ cần 14 ngày v.v.
Nhiều bằng chứng khác nhau cũng cho thấy, Trung Quốc có ngân hàng nội tạng sống để đáp ứng nhu cầu ghép tạng “theo yêu cầu”.
“Cướp mổ nội tạng sống là một tội ác phản nhân loại”, bác sĩ Torsten Trey nói, và thêm rằng, mục đích của việc mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ là để “tra tấn và giết hại những người bất đồng chính kiến và tù nhân lương tâm, những người mà họ (ĐCSTQ) không ‘chào đón’”.
Bác sĩ Alexander Toledo cũng tuyên bố tại hội thảo rằng, tại Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Công là những tù nhân lương tâm bị hành quyết phổ biến nhất, họ bị tra tấn và giết chết để lấy nội tạng; mặc dù vào năm 2014, ĐCSTQ đã tuyên bố đình chỉ việc sử dụng nội tạng của các tù nhân bị tử hình. Thế nhưng, nhiều bằng chứng cho thấy những hành động tà ác này của ĐCSTQ vẫn đang tiếp diễn.
Pháp Luân Công là một công Pháp tu luyện theo trường phái Phật gia, dựa trên các nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, bao gồm 5 bài công pháp và có hiệu quả chữa bệnh thần kỳ, được phổ biến trên khắp thế giới.
Theo bác sĩ Toledo, số học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc lên tới 70 triệu người, bị ĐCSTQ coi là mối đe dọa và đã bị đàn áp.
Tham gia hội thảo còn có Luật sư nhân quyền quốc tế – David Matas, ông đã tham gia các báo cáo điều tra như “Báo cáo Điều tra cáo buộc ĐCSTQ mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công” và “Mổ cướp nội tạng máu/ Đại thảm sát: Phiên bản cập nhật” được phát hành lần lượt vào tháng 7/2006 và tháng 6/2016. Cả hai báo cáo đều đưa ra kết luận: ĐCSTQ mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm như các học viên Pháp Luân Công v.v.
Kể từ năm 2006, cộng đồng quốc tế đã công bố ít nhất 8 báo cáo điều tra, cáo buộc ĐCSTQ mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm như các học viên Pháp Luân Công.
Tuy nhiên, cộng đồng ghép tạng quốc tế chưa đưa ra hành động cụ thể nào cho vấn đề này.
Luật sư Matas: Quá nhiều người nhận ghép tạng quốc tế làm ngơ trước tội ác mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ
Vào năm 2016, Francis L. Delmonico – cựu Chủ tịch của “Hiệp hội Cấy ghép Nội tạng Quốc tế (TTS)”, được hỏi tại một phiên điều trần của Quốc hội Mỹ: “Làm thế nào để ông xác minh một cách độc lập rằng những gì ông ấy (Hoàng Khiết Phu) nói là đủ trung thực, và trong năm 2016, không có bệnh nhân nước ngoài (ở Trung Quốc) thực hiện giao dịch nội tạng. Trong bối cảnh chính phủ dối trá và lừa gạt này, làm thế nào để tiến hành xác minh độc lập?”
Giáo sư Delmonico trả lời: “Tôi không đến đây để xác nhận (việc mổ cướp nội tạng từ tù nhân lương tâm còn sống của ĐCSTQ). Đó không phải là công việc của tôi …”
Tại buổi điều trần này, nghị viên cấp cao Chris Smith cũng đặc biệt hỏi ông Delmonico: “Các thành viên của ban lãnh đạo TTS có bất kỳ lợi ích kinh tế hoặc mối quan hệ kinh doanh nào với các công ty dược phẩm hoặc các tổ chức khác ở Trung Quốc không?”
Giáo sư Delmonico trả lời: “Tôi chỉ có thể trả lời về tình huống cá nhân. Chuyến đi của tôi đến Trung Quốc do một quỹ của Trung Quốc chi trả”.
Qũy mà Giáo sư Delmonico đề cập đến chính là Quỹ Phát triển Cấy ghép Nội tạng Trung Quốc. Trong khi, Hoàng Khiết Phu – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế ĐCSTQ giữ vai trò người quản lý và đại diện pháp lý.
Vào tháng 2/2017, Vatican đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh về buôn bán nội tạng và du lịch cấy ghép nội tạng, khi các nhà nghiên cứu hỏi về lời mời này, Vatican trả lời: “Ban tổ chức dự định sử dụng hội nghị thượng đỉnh này như một sự kiện học thuật, thay vì đưa ra các tuyên bố chính trị gây tranh cãi”.
Vì vậy, họ không mời bất kỳ ai nghiên cứu về việc lạm dụng cấy ghép nội tạng của ĐCSTQ, mà thay vào đó là mời các quan chức ĐCSTQ phản đối nghiên cứu này.
Về lời mời đối với Hoàng Khiết Phu – cựu Thứ trưởng Bộ Y tế ĐCSTQ, Tiến sĩ Jay Ravi – một bác sĩ cấy ghép nội tạng tại Israel cho biết: “Với lý lịch cá nhân của ông ta và thực tế là ông ta vẫn không thừa nhận việc sử dụng nội tạng từ tù nhân lương tâm, ông ta không xứng được mời”.
Tuy nhiên, Hoàng Khiết Phu vẫn được mời.
Luật sư Matas nói thêm: “Quá nhiều chuyên gia cấy ghép nội tạng trên thế giới hoàn toàn tin tưởng các chiến thuật tuyên truyền của ĐCSTQ. Họ lặp lại một cách máy móc các quan điểm của ĐCSTQ …”
“Họ tuyên bố một cách kỳ lạ rằng, các nhà nghiên cứu khách quan (các nghiên cứu được thực hiện) là mang tính chính trị, trong khi (các tuyên bố của) các quan chức ĐCSTQ là mang tính học thuật”.
“Chúng ta đang phải đối mặt với hai thực tế: Thứ nhất, đại thảm sát các tù nhân lương tâm và cưỡng bức mổ cướp nội tạng diễn ra tại Trung Quốc; thứ hai, quá nhiều người trong ngành cấy ghép toàn cầu đã quyết định làm ngơ trước thực tế đầu tiên. Họ lặp lại những lời của Francis L. Delmonico, họ không thực hiện điều tra, đó không phải là công việc của họ. Họ cũng bác bỏ và cho rằng loại nghiên cứu này là chính trị”.
“Mặc dù loại nghiên cứu này có thể kiểm chứng được, không có bất kỳ nghi ngờ hợp lý nào, nhưng họ vẫn lặp lại quan điểm của ĐCSTQ – là không thể kiểm chứng được”, Luật sư Matas nói.
Cộng đồng ghép tạng toàn cầu cần cấp bách thay đổi tình hình
Luật sư Matas cho biết: “Ngoại trừ một vài người, còn hầu như tất cả các chuyên gia trong cộng đồng cấy ghép nội tạng toàn cầu đều không muốn đối mặt với thực tế là ĐCSTQ lạm dụng cấy ghép nội tạng”.
Ông Matas đã đưa ra 4 đề xuất sau:
1. Không dễ gì khiến các nhà lãnh đạo của Hiệp hội Cấy ghép Nội tạng Quốc tế thay đổi quan điểm.
2. Thay đổi lãnh đạo của ngành cấy ghép nội tạng, cả trong nước và quốc tế; một khi các nhà lãnh đạo của ngành cấy ghép nội tạng trên thế giới hoặc một số quốc gia hứa sẽ lên án việc ĐCSTQ lạm dụng cấy ghép nội tạng, thì động lực toàn cầu của ngành này sẽ phát sinh thay đổi.
3. Kêu gọi sự đồng thuận của các tổ chức y tế, hiệp hội y tế trong nước và quốc tế một cách rộng rãi hơn.
4. Khiến các chuyên gia y tế phải tuân theo 12 tiêu chuẩn đạo đức được đề cập trong bài phát biểu, những tiêu chuẩn này bao gồm việc cấm nhân viên y tế giới thiệu, đề cử hay đưa bệnh nhân ra nước ngoài để tiến hành ghép tạng.
“Một khi những tiêu chuẩn này được thông qua, về mặt đạo đức, nó có thể ngăn cản các chuyên gia cấy ghép trở thành đồng lõa trong việc ĐCSTQ lạm dụng cấy ghép nội tạng”.
Phóng viên Cathy He của Epoch Times tiếng Anh đã liên hệ với “Hiệp hội Cấy ghép Nội tạng Quốc tế” và yêu cầu trả lời các câu hỏi liên quan mà Luật sư Matas đưa ra, nhưng bên kia không đưa ra câu trả lời ngay lập tức.
Hy vọng chính phủ Mỹ công bố các báo cáo điều tra
Luật sư Matas cũng đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ, theo đề xuất của Nghị quyết 343, “tiến hành các cuộc điều tra thích hợp và công bố các báo cáo chính thức của riêng mình” về vấn đề mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ.
Vào ngày 13/6/2016, Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua Nghị quyết 343, yêu cầu ĐCSTQ ngay lập tức dừng “cưỡng bức thu hoạch nội tạng” đối với các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác; đồng thời yêu cầu ĐCSTQ cho phép tiến hành các cuộc điều tra đáng tin cậy, minh bạch và độc lập về hành vi lạm dụng cấy ghép nội tạng.
Nghị quyết 343 cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp phân tích chi tiết về việc cưỡng bức mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ trong báo cáo nhân quyền hàng năm; cấm cung cấp thị thực nhập cảnh cho đảng viên ĐCSTQ và những người từ các quốc gia khác liên quan đến tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng và thân thể người, cũng như phải nộp báo cáo hàng năm cho Quốc hội.
Lương Phong
Theo epochtimes.com