Người xin nhận 5 triệu Yên không biết “ông chồng gốc Phi” dùng giấy tờ giả
Vụ việc người phụ nữ mua ve chai nhặt được 5 triệu Yên Nhật trong thùng loa cũ sắp đến hồi kết khi mới đây có thông tin người đàn ông gốc Phi sử dụng giấy tờ giả trong thời gian lưu trú ở Việt Nam.
Sau khi biết được thông tin nói trên, phóng viên Infonet đã liên lạc với bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM), người làm đơn xin nhận lại số tiền 5 triệu Yên mà chị Hồng phát hiện được trong thùng loa cũ. Trả lời phóng viên, bà Ngọt nói không hay biết việc ông Afolayan Caled (quốc tịch Nam Phi) sử dụng hộ chiếu giả. “Tôi chỉ biết thông tin qua báo chí, còn việc kiểm chứng những giấy tờ trên thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng”, bà Ngọt nói.
Trước đó, vào tháng 4/2015, khi thời hạn 1 năm đăng tin tìm chủ sở hữu số tiền 5 triệu Yên Nhật mà vợ chồng chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (quê tỉnh Quảng Ngãi, ngụ quận Tân Bình) phát hiện được khi tháo thùng loa cũ mua ve chai được đã hết thì bà Ngọt “xuất hiện”. Bà Ngọt cho rằng, số tiền trên là của ông Afolayan Caled “để quên” trong thùng loa cũ nhưng trong thời gain ở Việt Nam cũng như sau khi về nước vẫn không nhớ cất ở đâu. Cho đến khi biết tin chị Hồng sắp được nhận số tiền “trời cho” thì bà làm đơn gửi Công an quận Tân Bình xin nhận lại. Điều đáng nói là khi cung cấp những giấy tờ chứng minh mối quan hệ của mình với “ông chồng gốc Phi” nói trên, cũng như nguồn gốc số tiền 5 triệu Yên, bà Ngọt chỉ đưa ra được giấy phép lao động và thẻ lưu trú mang tên Afolayan Caled, nhưng tất cả chỉ là bản photocopy. Qua điều tra của cơ quan chức năng, hộ chiếu ông Afolayan Caled sử dụng khi sang Việt Nam cũng là giả. Cũng theo những thông tin mà bà Ngọt cung cấp, ông Afolayan Caled nhập cảnh vào Việt Nam từ năm 2010, trình độ chuyên môn là “cử nhân giáo dục” và công tác tại Công ty TNHH Úc Đại Lợi (đăng ký trụ sở tại số 289 đường Trường Chinh, phường Tân Thới Nhất, quận 12). Đến tháng 6/2013 ông này rời khỏi Việt Nam như thời hạn trong thẻ lưu trú thể hiện. Những thông tin mập mờ về “ông chồng” gốc Phi của bà Ngọt dần được làm sáng tỏ. Theo đó, Công ty Úc Đại Lợi thực chất là “công ty ma”, không có tại địa chỉ đăng ký. Còn với hộ chiếu của ông Afolayan Caled sử dụng trong thời gian lưu trú ở Việt Nam cũng được xác định là giả. Trao đổi với phóng viên, đại diện Công an quận Tân Bình, TP.HCM cho hay sẽ xem xét giải quyết sự việc khi xác minh được những thông tin về người đàn ông tên Afolayan Caled. Còn với chị Hồng, sáng nay 15/5 khi biết thông tin trên, chị mong phía công an sớm định đoạt số tiền 5 triệu Yên này. Phương Anh Linh |
Theo Infonet