Người phụ nữ da màu trở thành triệu phú đầu tiên truyền bá phương pháp duỗi tóc phổ biến cho đến nay
Từng là người có xuất thân nghèo khổ, gia đình làm nô lệ, không được ăn học đầy đủ. Năm lên 7 tuổi, bà tiếp tục mồ côi cha mẹ. Trải qua cuộc đời sóng gió cho đến lúc trưởng thành. Nhưng bằng bộ óc thông minh bà đã vươn lên thành nữ triệu phú đầu tiên của Mỹ, trở thành một hình mẫu đáng ngưỡng mộ của người dân xứ cờ hoa.
Sarah Breedlove hay còn gọi là Madam C.J. Walker, sinh năm 1867, có cha từng làm nô lệ, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Nhưng nhờ sự cần cù và thông minh, bà đã tự gây dựng nên sự nghiệp đồ sộ cho riêng mình. Trở thành người phụ nữ đầu tiên được Sách Kỷ lục Guinness Thế giới ghi nhận, với danh hiệu “Nữ triệu phú tự thân đầu tiên ở Mỹ”.
Trước kia, cha mẹ, anh trai và chị gái bà đều là nô lệ phải làm việc rất vất vả. Khi bà sinh ra thì may mắn hơn vì đã vào thời kỳ tự chủ.
Vì cha mẹ mất sớm nên bà sống chung với gia đình chị gái một thời gian dài mà không được đi học. Sarah chỉ được học giáo dục chính thức 3 tháng ở trường Sunday.
Năm 14 tuổi, bà đi lấy chồng để dọn ra ở riêng, nhằm thoát khỏi sự vũ phu của người anh rể. Nhưng cuộc hôn nhân kéo dài trong 6 năm thì chồng bà qua đời. Sarah cùng cô con gái A’Lelia chuyển đến St. Louis sinh sống vào năm 1888.
Tại đây, bà làm đầu bếp và thợ giặt ủi để kiếm sống và chi trả học phí cho con gái. Tuy nhiên do công việc giặt ủi phải tiếp xúc với nhiều chất hóa học độc hại, môi trường vệ sinh kém, khiến bà và nhiều người ở đó đều mắc bệnh về da liễu, tóc cũng rụng dần.
Từ khi phát hiện bị rụng tóc, bà đi tìm hiểu về dòng sản phẩm nuôi dưỡng tóc của Annie Malone và sau này trở thành đại lý của sản phẩm.
Đến khi chuyển đến nơi khác sinh sống, Sarah vẫn làm cho Malone và nuôi quyết tâm sẽ tạo ra một dòng mỹ phẩm mới của riêng mình. Sau nhiều lần thử nghiệm, bà đã thành công và bắt đầu kinh doanh riêng.
Năm 1906, Sarah tái hôn với một người chồng mới tên là Charles J. Walker, ông là người làm trong ngành quảng cáo, nên hai người đã trở thành một bộ đôi làm việc ăn ý với nhau trong việc quảng bá mỹ phẩm của Sarah.
Con gái bà khi đó đã lớn, nên cũng giúp đỡ được cho mẹ rất nhiều việc, nhờ vậy mà vợ chồng bà có thời gian đi tham quan nhiều nơi để mở rộng địa bàn tiêu thụ.
Năm 1910, gia đình ba người tiếp tục chuyển đến nơi ở mới, mở ra trụ sở chính cho Công ty Sản xuất Madam C. J. Walker. Nhờ những cửa tiệm, lớp dạy làm đẹp, nhà máy, tìm kiếm đại lý bán hàng… bà đã tạo công ăn việc làm với mức lương ổn định cho gần 20.000 phụ nữ da màu nghèo khổ.
Bà cũng là người đầu tiên phổ biến phương pháp duỗi tóc bằng cách sử dụng một chiếc lược nóng, kẹp nhiệt và keo, mà cho đến nay, người ta vẫn sử dụng rộng rãi và còn cải tiến hơn nữa.
Khi đã có trong mình tiền tài, địa vị, Sarah thường xuyên chi tiền cho các hoạt động từ thiện, quyên góp quỹ học bổng và tham gia đấu tranh chống lại các nạn bất công trong xã hội.
Qua đời ở tuổi 51. Trong di chúc để lại bà còn ghi rằng, sẽ dùng hai phần ba lợi nhuận của công ty cho các hoạt động từ thiện.
Suốt nhiều năm sau này và cả hiện tại, người ta vẫn coi Madam C. J. Walker là biểu tượng của “Giấc mơ Mỹ”. Người phụ nữ từng có xuất thân là con của một gia đình nô lệ, đã từng bước tự làm chủ cuộc sống, luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn khác có cuộc sống tốt đẹp hơn, khiến nhiều người khâm phục.
Mạch Khê (t/h)