Người mẹ nghèo, đêm khuya hối hả đi mua iPhone cho con: “Sợ nó dỗi nó không đi học”
Gần đây, câu chuyện về người mẹ nghèo đêm hôm gõ cửa tiệm điện thoại, mua bằng được iPhone cho con, khiến nhiều người không khỏi xót xa, phần thấy quá thương cho người mẹ cực khổ; phần thấy trách người con sao bất hiếu.
Cụ thể câu chuyện này là do chính người chủ tiệm điện thoại từng bán cho người mẹ chia sẻ lên mạng xã hội.
Chi tiết câu chuyện nguyên văn có nội dung như sau:
“‘Cháu ơi, cháu ơi’, tiếng của người phụ nữ cũng tầm tuổi mẹ tôi đang gõ ngoài cửa.
Kéo cửa lên thấy một bác cũng tầm ngoài 50 rồi, bác bảo đi khắp cả đoạn đường còn mỗi quán này mở cửa (vì cũng khá khuya rồi).
‘Cháu bán cho bác cái điện thoại tầm 3 đến 4 triệu, nhưng phải là iPhone gì đó cháu nhá’.
Tôi cũng hơi thắc mắc vì mấy người già thường thì ít ai hỏi iPhone lắm. Hỏi ra bác mới nói là mua cho con trai, vì nó thi trượt cấp 3 chính quy, giờ phải mua cho nó để nó chịu đi học bổ túc.
‘Hôm nay 31/8 rồi mới đi mua được cho nó. Tiền cũng phải đi vay vì chưa đến lương, nhưng sợ nó dỗi nó không đi học nên phải đi mua ngay đêm nay, mai tập trung rồi’.
Tự nhiên thấy bác ấy kể mà nghe cay cú thật, chẳng hiểu lớp trẻ giờ nghĩ gì nữa.
Ngày xưa bản thân mình ba mẹ nghèo muốn cho nghỉ học để đi làm mà vẫn thuyết phục bằng được để xin đi học rồi đi làm thêm.
Cố gắng cầm cái bằng cấp ba rồi xin đi thoát ly. Chỉ mong thành công để cho bố mẹ biết là mình làm được.
Vậy mà giờ có những cái trường hợp, không mua xe máy cho thì bỏ học. Còn có những quả đòi tự tử luôn. Chẳng hiểu bây giờ chúng nó nghĩ cái gì nữa luôn mọi người ạ…”.
Dòng chia sẻ của chủ cửa tiệm sau đó đã thu hút sự chú ý đông đảo từ cư dân mạng. Rất những ý kiến khác nhau được mọi người đem ra thảo luận, phần đông người ta đều cảm thấy bức xúc trước hành xử của người con, và thương cảm cho người mẹ nghèo bạc phước.
Cũng có những bình luận lại cho rằng, lỗi do người mẹ đã quá nuông chiều con ngay từ đầu, dẫn đến con mình hư hỏng, lẽ ra cần phải nghiêm khắc hơn.
“Đáng lẽ, mẹ nên nghiêm khắc dạy con, thì bà lại chọn cách chiều chuộng. Bây giờ là điện thoại sau này lại đòi xe máy hay những thứ đắt đỏ hơn thì sao, thật quá buồn”, một người dùng mạng bình luận.
“Sự chiều chuộng đó không phải là cách thương mà là hại con và hại cả chính phụ huynh”, một người dùng khác cũng bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, cũng lại có những ý kiến trái ngược hơn hẳn, họ cho rằng thực tế thì lỗi của đứa con là 1 mà lỗi ở xã hội cũng 10. Trách do người mẹ hoàn toàn cũng chẳng đúng. Bởi người ta còn phải lo cơm ăn áo mặc mỗi ngày chưa xong, trong khi xã hội bây giờ cái gì cũng ngày càng đắt đỏ, đời sống của người ta cũng khó khăn hơn xưa rất nhiều. Một mình mẹ già vừa lo cho con ăn học tử tế, vừa phải lo nghĩ đến bữa đói bữa no, thời gian đâu mà sát sao cho con từng li từng tí.
Cha mẹ nào mà không dạy con, có chăng là dù có dạy vẫn bất lực, vì thứ trẻ bây giờ tiếp xúc là ngoài xã hội nhiều hơn cả cha mẹ. Chưa kể phim ảnh, mạng xã hội… đều nhan nhản những thông điệp cổ súy cho lối sống trụy lạc nhiều hơn cả nhân văn. Cái gì truyền thống thì cho là cổ hũ, không hợp thời mà bác bỏ, đề cao sự hiện đại, và rồi nhìn lại xem không chỉ riêng cậu con trai là hư hỏng, mà rất nhiều trẻ em hiện đại giờ đây chẳng phải cũng như vậy hay sao, dù là con nhà giàu hay nghèo cũng chịu chung số phận này như nhau cả.
“Thị trường toàn gameshow, âm nhạc, phim ảnh khoe của, khoe ăn chơi thì bọn trẻ sao thoát nổi sự cám dỗ. Trước khi chửi bọn trẻ, thì hãy chửi cái xã hội người phương Đông mà toàn dung tục đua đòi Tây phương, không có cái gì mang tính giáo dục… Thử nghĩ xem giờ gameshow dẹp hết đi, cứ mở tivi hay youtube toàn chương trình nói về giáo dục, về hành trình đến trường kiếm con chữ của học sinh ở khắp 232 quốc gia, những nơi núi cao, nơi băng giá, rồi phim ảnh thì yêu cầu làm phim về gia đình yêu thương, hy sinh cho nhau, thế thì chuyện cặp bồ, chém giết cũng chẳng còn chứ đừng nói là con cái không biết lo cho cha mẹ. Nên trẻ em không có tội, lỗi là mấy chục triệu cha mẹ lặng im cho xã hội nó làm thối nát lương tâm và nhận thức của con cái thôi”, một người dùng mạng đưa ra ý kiến.
Chúc Di (t/h)