Người khác có đang thực sự để ý đến bạn nhiều như bạn nghĩ?
Trong cuộc sống, chúng ta thường nghĩ rằng lúc nào cũng có người đang để ý đến mình, luôn cho rằng ánh mắt người khác đang tập trung vào mình. Có khi bạn còn đề cao vai trò của bản thân, nghĩ rằng mình là người quan trọng không thể thay thế. Nhưng sự thực chưa chắc người khác đã quan tâm đến bạn nhiều như bạn nghĩ.
Đừng đánh giá quá cao vị trí của mình trong lòng người khác
Để chứng minh rằng mọi người thường không để ý đến người khác quá nhiều, một nhà tâm lý học người Nga Vladimir Kirillovich đã đưa ra một thí nghiệm thú vị. Ông yêu cầu một cậu học sinh ăn mặc thật là quái dị đến trường. Cậu bé nghĩ rằng tất cả các bạn trong lớp sẽ cười nhạo mình, nhưng thật ra chưa đến 1/4 số học sinh trong lớp phát hiện.
Có thể thấy chúng ta thường quá quan tâm những thứ liên quan đến bản thân, đánh giá cao vị trí của mình trong lòng người khác và luôn nghĩ rằng ánh mắt của mọi người đang tập trung vào mình nhưng thực tế không phải vậy.
Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill từng chia sẻ một câu chuyện. Trong một lần đi đến trường quay để phỏng vấn, chẳng may xe ông bị hư và ông quyết định bắt taxi giữa đường. Khi Churchill nói với người tài xế rằng muốn đến đài BBC, người tài xế liền vội vàng từ chối: “Xin lỗi, vì nơi đó quá xa nhà tôi. Khi đưa ông đến đó, tôi sẽ bỏ lỡ buổi phát sóng trực tiếp bài phát biểu của Thủ tướng Churchill. Ông ấy là thần tượng của tôi. Tôi sẽ không bao giờ để lỡ buổi phát biểu quan trọng này”.
Cựu Thủ tướng Churchill cảm thấy rất xúc động nên rút ra 5 bảng Anh để bày tỏ lòng biết ơn. Ngay lập tức người lái xe thay đổi thái độ và quyết định đưa ông đến đài truyền hình. Vị cựu Thủ tướng ngạc nhiên, nhắc rằng anh ta còn phải nghe bài phát biểu nữa, nhưng người lái xe không quan tâm và nói: “Bây giờ quý ngài đây quan trọng hơn ông ấy. Bài phát biểu không thể giúp cho kinh tế gia đình tôi”.
Khi đó Churchill hiểu rằng dù bạn có là thần tượng trong lòng của ai khác đi chăng nữa thì bạn vẫn không thể quan trọng bằng chính bản thân họ. Thường thì chúng ta ít nghĩ đến ai khác ngoài bản thân mình. Người khác cũng vậy. Nếu những gì bạn làm không ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người khác, họ sẽ không tốn thời gian nghĩ nhiều về bạn đâu.
Bạn không quan trọng nhiều như bạn nghĩ
Một nhạc trưởng người Mỹ Walter Damrosch là chỉ huy ban nhạc 20 tuổi luôn nghĩ mình có tài, là linh hồn của ban nhạc và là người không thể thiếu được. Trong một buổi tập, Walter quên mang theo đũa nhạc trưởng. Anh định cử người về nhà lấy nhưng cô thư ký nói: “Không sao, chỉ là một chiếc đũa, mượn là có”. Walter cảm thấy hơi kỳ lạ bởi ngoài mình ra thì làm gì có ai mang đũa nhạc trưởng đi nữa. Nhưng anh vẫn hỏi và ngay khi dứt lời, ba cây đũa được mang lên. Chúng đến từ một nghệ sĩ cello, một người chơi piano và một người kéo violin.
Lúc này, Walter chợt hiểu rằng, hóa ra anh không phải là nhân vật không thể thay thế. “Nhiều người đã làm việc trong bí mật và sẵn sàng thay thế tôi bất kỳ lúc nào”, vị nhạc trưởng suy ngẫm. Do đó trên đời này không có ai là không thể không thay thế được. Bạn có vĩ đại đến đâu đi chăng nữa thì không có bạn, ngày mai mặt trời vẫn mọc bình thường và mọi thứ vẫn diễn ra như quỹ đạo vốn có của nó.
Con người luôn thay đổi. Do đó, những suy nghĩ, ý kiến, quan điểm của mọi người cũng sẽ luôn đổi thay. Nếu hôm nay một người nghĩ xấu về bạn, chưa chắc họ cũng đã nghĩ như vậy vào ngày mai. Vì vậy, suy nghĩ của mọi người về bạn thực sự không quá quan trọng lắm đâu.
Khiêm tốn là kim chỉ nam của thành công
Những người tài giỏi thực sự luôn biết vị trí của mình ở đâu và không bao giờ để những lời nói tiêu cực của người khác ảnh hưởng đến bản thân. Đầu năm 2020, nam diễn viên Trung Quốc Trần Đạo Minh bỗng trở thành từ khóa nóng trên các công cụ tìm kiếm tại đất nước tỷ dân.
Trần Đạo Minh vừa nhậm chức Chủ tịch Hiệp hội điện ảnh Trung Quốc. Theo đánh giá, ông nhận được vinh dự này có thể nói là danh xứng với thực. Mặc dù được nhiều người nể phục về tài diễn xuất cũng như đạo diễn, gọi là “thầy” nhưng Trần Đạo Minh vẫn luôn khiêm tốn, coi mình chỉ là một diễn viên bình thường.
Không đánh giá quá cao bản thân chính là một loại tu dưỡng giúp chúng ta trưởng thành mà không phải ai cũng có thể làm được. “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Bởi vì đây là cuộc đời của bạn và bạn phải chịu trách nhiệm với những hành động của mình. Do đó hãy luôn khiêm tốn và không ngừng học hỏi để phát triển bản thân.
Cuộc sống rất ngắn ngủi và có quá nhiều thứ cần hoàn thành, sao phải dành thời gian bận tâm đến những thứ xung quanh. Hãy sống hết mình, làm những điều bạn thích và luôn khiêm tốn biết vị trí bản thân ở đâu để không ngừng cố gắng trở nên tốt đẹp hơn nhé.
Thanh Nga (t/h)