Người Hồng Kông sẽ tiếp tục biểu tình bất chấp Bắc Kinh thông qua luật an ninh
Tại Hồng Kông, các nhà hoạt động địa phương đang kêu gọi người dân xuống đường vào ngày 1/7 để phản đối luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh, bất chấp lệnh cấm tụ tập của cảnh sát, theo The Epoch Times.
Trưa 30/6 (giờ địa phương), một số nhà hoạt động Hồng Kông đã tổ chức họp báo, cho biết họ sẽ tổ chức một cuộc tuần hành từ Vịnh Causeway đến quận Trung vào chiều 1/7. Bất chấp trước đó, cảnh sát đã từ chối 2 đơn xin tổ chức biểu tình nhân ngày 1/7, ngày kỷ niệm Hồng Kông được Anh bàn giao cho Trung Quốc năm 1997.
Các nhà hoạt động tham gia buổi họp báo gồm Figo Chan (Trần Hạo Hoàn) – Phó chủ tịch Mặt trận Dân quyền và Nhân quyền (CHRF); Wu Chai-wai – chủ tịch Đảng Dân chủ Hồng Kông; ủy viên hội đồng quận Tsang Kin-shing và Andy Chui; cùng nhà lập pháp Eddie Chu.
Cảnh sát Hồng Kông đã từ chối đơn xin tuần hành của CHRF, nói rằng cuộc biểu tình có thể gây bạo lực, đồng thời vi phạm giới hạn tụ tập là 50 người nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Vũ Hán.
Năm 2019, CHRF, đơn vị tổ chức hầu hết các cuộc tuần hành vào ngày 1/7, đã thu hút hơn nửa triệu người lên tiếng phản đối chính phủ về dự luật dẫn độ. CHRF hiện đang kháng nghị lệnh cấm của cảnh sát nhưng nhiều người cho rằng lệnh cấm sẽ không được bãi bỏ.
Nhà hoạt động Figo Chan cho biết cuộc tuần hành vào ngày 31/6 sẽ được tổ chức với chủ đề chống lại luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh, cũng như tiếp tục thúc đẩy 5 yêu cầu của người biểu tình bao gồm quyền bầu cử phổ thông và một cuộc điều tra độc lập về các vụ bạo lực của cảnh sát đối với người biểu tình và nhà báo trong năm qua.
Vào sáng 30/6, truyền thông Hồng Kông đưa tin Quốc hội Trung Quốc đã thông qua luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông. Luật này sẽ hình sự hóa tất cả những người tham gia các hoạt động liên quan đến lật đổ, ly khai, khủng bố và can thiệp của nước ngoài chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hiện chi tiết dự thảo của luật vẫn chưa được công bố. Trước đó, một số chi tiết được công bố vào ngày 20/6, như Trung Quốc sẽ có quyền xét xử một số trường hợp trong những tình huống đặc biệt.
Figo Chan cho biết sẽ rất khó để thấy Bắc Kinh rút luật an ninh mới, nhưng người dân Hồng Kông phải đoàn kết cùng lên tiếng phản đối luật này. Ông nói thêm ông biết việc ra ngoài vào ngày mai là mạo hiểm vì ông đã bị buộc tội nhiều lần là tham gia các “cuộc tụ tập bất hợp pháp”. Nhưng ông kêu gọi người Hồng Kông đừng im lặng vì sợ hãi, nếu không, họ sẽ mất quyền tự do và các quyền cơ bản.
Chủ tịch Đảng Dân chủ Hồng Kông Wu Chai-wai cho hay ông biết rõ mình có thể bị bắt khi tổ chức cuộc biểu tình này, nhưng trách nhiệm của ông là kêu gọi người dân Hồng Kông cất lên tiếng nói phản đối của mình.
Việc thông qua luật an ninh của Trung Quốc cũng ngay lập tức thu hút sự chỉ trích từ Nhật Bản và Đài Loan. Theo Kyodo News, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết việc ban hành luật là rất đáng tiếc.
Phát ngôn viên Nội các Đài Loan Evian Ting cho rằng luật này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do, dân chủ và nhân quyền tại Hồng Kông, đồng thời cảnh báo công dân Đài Loan về rủi ro có thể xảy ra khi đến thăm thành phố, theo Reuters.
Thùy Linh (Theo The Epoch Times)