Người giữ tròn đạo hiếu, nhân nghĩa, ắt sẽ được thần tiên bảo hộ
Con người sống nên làm một người lương thiện, bởi vì người lương thiện trên đầu sẽ luôn tỏa ánh hòa quang, Thần linh tất theo sau bảo hộ thoát khỏi tai ương, vận hạn.
Vào năm Khai Nguyên triều đại nhà Đường, tại vùng ngoại ô thành Trường An có ba anh em nhà họ Bùi, tuy không làm quan, nhưng lại nổi tiếng gần xa bởi sự nhân nghĩa, hiếu thuận. Dù nghèo khó nhưng lại rất thích giúp đỡ người khác.
Có một ông lão rất thường xuyên đi ngang qua nhà họ Bùi và lần nào cũng ghé vào xin nước uống. Trang phục và diện mạo của ông có gì đó khác biệt với người bình thường. Ba anh em thường tiếp đãi ông lão rất cung kính, chu đáo.
Có lần họ hỏi ông lão làm nghề gì, ông nói mình bán thuốc để kiếm sống. Họ lại hỏi về gia quyến của ông lão ở đâu, thì ông nói rằng không thể kể được. Ông lão lui tới nhà họ Bùi như vậy đã qua mấy năm, nhà họ Bùi một chút than phiền cũng không có
Một hôm, ông lão nói với bọn họ: “Ta thấy ba anh em cháu tuy nghèo khó, nhưng lại cung kính, chiếu cố khách khứa trong thời gian dài như thế, các cháu thực sự là người đáng kính trọng. Các cháu cứ tích đức hành thiện như vậy, ngày sau nhất định có phúc báo.
Ta cũng đã nhận ân huệ của các cháu một thời gian dài, nay ta cho các cháu chút ít tài vật, để mấy năm sau này có cái mà dùng”.
Ba anh em nhà họ Bùi hết sức cảm tạ ý tốt của ông lão. Ông lão nói họ chuẩn bị cho mấy cân than, trên mặt đất đào một cái hầm làm bếp nấu, rồi đốt lửa lên. Một lát sau, ông lão lấy ra mấy viên gạch kích thước cỡ ngón tay, cho vào trong lửa mà đốt.
Một lúc sau số gạch đó đều bị nung đỏ, lúc này ông lão lấy từ trong túi áo trước ngực ra một chút thuốc cho vào trong lửa, trong lò sinh ra một luồng khói tím, bỗng chốc viên gạch biến thành vàng, ước chừng đến một trăm lượng, rồi ông lão đưa hết vàng cho nhà họ Bùi.
Ông lão nói: “Giá trị của vàng này gấp đôi so với vàng bình thường, đủ cho nhà các cháu sử dụng trong ba năm. Hôm nay ta phải đi rồi, đợi đến khi vàng dùng hết ta sẽ lại đến”.
Anh em họ Bùi cung kính bái tạ ông lão, hỏi rằng ông đang ở chỗ nào. Ông lão nói: “Về sau ta sẽ nói cho các cháu biết”. Nói xong, ông cáo biệt mà đi.
Anh em họ Bùi mang số vàng đó đem bán và mua thật nhiều lương thực để dành. Năm thứ hai, trong vùng gặp lũ lụt và hạn hán, chỉ có nhà họ Bùi là may mắn thoát khỏi.
Ba năm sau, ông lão lại tới nữa, lại đốt một chút vàng đưa cho họ. Trong ba anh em họ Bùi có một người nguyện ý theo ông lão học Đạo, ông liền mang anh ta đi về phía Tây đến núi Thái Bạch.
Tới một tảng đá lớn, bên trái có vách đá, ông lão dùng cây trượng gõ gõ vào vách đá. Tảng đá lập tức dời đi, nguyên tại đó là một hang động, một đạo sĩ cùng tiểu đồng đi ra nghênh đón.
Ông lão dẫn anh ta đi vào động, ban đầu trong động rất tối, sau đó sáng dần lên, hiển lộ rất nhiều những thành quách và người dân. Bên trong các cung điện không khác gì với cuộc sống nơi thế gian con người. Đạo sĩ, ngọc đồng, tiên nữ, vô số kể, bọn họ ca hát vui vẻ để hoan nghênh anh ta.
Có người đang khảy đàn, có người đánh cờ, có người đọc sách, đàm luận. Ông lão dẫn anh ta ra chào các đạo sĩ và nói: “Đây là chủ nhân trong thành Trường An”. Ông lão mời anh ta ở lại một đêm, lấy cho anh ta cơm vừng và thịt kỳ lân khô để ăn, còn chuẩn bị chút rượu tiên. Hôm sau, anh ta cáo biệt các đạo sĩ và rời đi.
Ông lão tiễn anh ta ra khỏi động, lại đưa cho anh ta một ít vàng bạc châu báu rồi nói: “Cậu bây giờ ở đây lâu chưa tiện, tạm thời trở vể, đợi hai mươi năm sau thiên hạ đại loạn thì hãy tới. Đây là động bên trái núi Thái Bạch, đợi đến lúc đó, cậu còn có thể tới đây, ta sẽ nghênh đón”. Họ Bùi bái tạ, cáo biệt ra về.
Đến năm An Sử Chi Loạn, cả nhà họ Bùi đều đi tới động ở núi Thái Bạch để lánh nạn, ẩn cư trong động nhiều năm. Ở nơi tiên cảnh, cả nhà họ Bùi đã theo học Đạo. Về sau quân phiến loạn được dẹp yên, bọn họ lại quay trở về nơi thế gian con người, cả ba anh em đều làm quan lớn. Cả nhà họ Bùi, dù là người chủ hay kẻ hầu thì đều được trường thọ.
Chân Chân