Nghiên cứu cho thấy: Người tín thần sống thọ hơn người vô thần
Theo TS. Laura Wallace cho biết, người có tín ngưỡng thường hướng đến những giá trị tinh thần, hướng thiện và tránh xa những thói xấu, dục vọng… từ đó mà tinh thần luôn an lạc, vui vẻ tránh xa bệnh tật, tăng tuổi thọ.
Một nghiên cứu mới từ các nhà khoa học tại Mỹ cho thấy những người theo tín ngưỡng tôn giáo có sức khỏe tốt hơn và sống thọ hơn người vô thần.
Nghiên cứu này do các nhà tâm lý học bang Ohio, Mỹ thực hiện dựa trên 1.000 trường hợp tử vong trên khắp nước Mỹ vào năm 2011. Kết quả cho thấy những người có tín ngưỡng tôn giáo hoặc thường xuyên đến nhà thờ có thể sống lâu hơn những người vô thần ít nhất là 4 năm. Lý do có thể nằm ở việc khi hay đến nhà thờ, họ tham gia nhiều hoạt động xã hội và tổ chức tình nguyện hơn.
Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng các công việc tình nguyện và hoạt động xã hội khi theo tôn giáo chỉ làm tuổi thọ tăng thêm trung bình khoảng 1 năm. Vẫn còn rất nhiều lợi ích mà tôn giáo có thể đem lại cho con người nhưng chúng ta chưa thể giải thích được.
TS. Laura Wallace, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu này đã cung cấp bằng chứng thuyết phục về mối liên hệ giữa tín ngưỡng tôn giáo và tuổi thọ của một người”.
Trong giai đoạn đầu của nghiên cứu, 505 trường hợp tử vong được công bố ở Iowa cho thấy người tín thần sống lâu hơn các trường hợp vô thần tới 9,45 tuổi.
Giai đoạn thứ 2 của nghiên cứu khảo sát 1.096 trường hợp tử vong từ 42 thành phố ở Hoa Kỳ cũng cho thấy những người thường xuyên đến nhà thờ có thể sống lâu hơn người vô thần 5,64 năm.
TS. Laura Wallace cho rằng, tôn giáo hướng con người đến những điều chân thành, thiện lương, bao dung, tránh xa được các chất gây nghiện có hại với sức khỏe như rượu, ma túy hay dục vọng quá lớn. Ngoài ra, tôn giáo còn dẫn dắt con người hướng thiện, luôn biết ơn về mọi thứ và tìm sự an nhiên cho bản thân. Nhờ vậy tinh thần họ trở nên lạc quan, vui vẻ, tránh được phiền muộn, lo âu và tăng tuổi thọ.
Ông cũng nói thêm rằng những hoạt động thường thấy trong nhiều tôn giáo cũng có tác dụng “làm giảm stress và cải thiện sức khỏe chẳng hạn như tỏ lòng thành kính, cầu nguyện và thiền định”, đều góp phần kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, nghiên cứu này không thể kiểm soát được các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ khác bao gồm chủng tộc và lối sống.
Trên thực tế, các tín ngưỡng chân chính đã góp phần đặt nền móng cho các chuẩn mực, giá trị đạo đức từ Phương Đông đến Phương Tây trong hàng ngàn năm qua. Thông qua đức tin với Thần Phật, Thiên Chúa, con người có thể phân biệt rõ tốt xấu đúng sai, tự ước thúc bản thân theo các chuẩn mực đạo đức cao thượng và không dễ bị sa ngã vào các thói quen xấu.
Tại một số thành phố, niềm tin tôn giáo còn có hiệu ứng lan tỏa. “Tác động tích cực đối với sức khỏe của tín ngưỡng lan tỏa sang người vô thần ở một số hoàn cảnh đặc biệt”, theo TS. Wallace.
Trong nhiều năm qua có không ít các nghiên cứu về đề tài này và đa phần đều cho kết quả tích cực. Nếu đứng từ góc độ khoa học hiện đại thì câu trả lời cho câu hỏi tại sao vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng nhiều nghiên cứu đã thể hiện sự thực khách quan rằng sức khỏe tinh thần có tác động không hề nhỏ đến sức khỏe thể chất.
Bên cạnh đó, những người có tín ngưỡng chân chính thường xuyên hướng đến các giá trị tốt đẹp và tích cực, họ biết đủ mà vui, nội tâm an lạc, không mải mê chạy trên con đường dục vọng trải dài vô tận. Vậy nên các tín ngưỡng chân chính thường giúp con người có đời sống tinh thần viên mãn và nhờ đó mà đạt được thân thể khỏe mạnh. Do vậy không bất ngờ khi nhiều cuộc khảo sát cho thấy những người có tín ngưỡng cảm nhận hạnh phúc hơn đồng thời đạt điểm cao trong bài kiểm tra về độ hài lòng với cuộc sống so với người không có tín ngưỡng.
Hoàng An (t/h)