Nghị sĩ Canada đề xuất dự luật trừng phạt quan chức vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc
Trong buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế hôm 10/12, các nghị sĩ Canada đã ban hành nhiều sáng kiến mới liên quan đến việc ủng hộ nhân quyền ở Trung Quốc, trong đó có dự luật chống lại nạn buôn bán nội tạng tại nước này.
Dự luật chống du lịch ghép tạng
Hôm 10/12 vừa qua, Thượng nghị sĩ Đảng Bảo thủ Salma Ataullahjan đã tái giới thiệu dự luật chống lại nạn du lịch ghép tạng trên thế giới.
Dự luật của nghị sĩ Ataullahja nhằm sửa đổi một số điều trong Bộ luật Hình sự và Đạo luật Bảo vệ Người nhập cư và Tị nạn. Dự luật này cấm công dân Canada du lịch ghép tạng ở nước ngoài mà không thông qua tổ chức hiến tạng, đồng thời đưa ra cảnh cáo đối với những người liên quan đến tội ác cưỡng bức thu hoạch tạng, vốn là điều không thể chấp nhận ở Canada.
Trung Quốc là đất nước duy nhất có tình trạng cưỡng bức thu hoạch nội tạng có hệ thống và được chính phủ bảo hộ. Trong lần đăng tin đầu tiên vào năm 2006, thời báo Epoch Times đã đưa ra các bằng chứng liên quan đến tội ác thu hoạch nội tạng các học viên Pháp Luân Công tại nước này.
Phát biểu tại Hạ viện Canada ngày 10/12, Nghị sĩ tự do Arif Virani cho biết, Tiểu ban nhân quyền của Nghị viện châu Âu đã “xem xét nạn mổ cướp nội tạng và một số vấn đề phát sinh đối với Pháp Luân Công.”
Nghị sĩ bảo thủ Garnett Genuis cũng chia sẻ, ông đã tham gia cơ quan lập pháp sau khi biết tội ác mổ cướp tạng đang xảy ra ở một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc với quy mô lớn.
“Đôi khi nội tạng bị lấy đi trong lúc nạn nhân vẫn còn sống. Đó là một quá trình rất đau đớn và khủng khiếp. Sau đó những nội tạng này được sử dụng để cấy ghép,” ông Genuis cho biết.
Luật Magnitsky phiên bản Canada
Thời gian gần đây, 2 nghị sĩ Đảng Bảo thủ Ngo Thanh Hai và Leo Housakos cũng đang khởi xướng một kiến nghị tại Thượng viện nhằm thúc giục chính phủ Canada có biện pháp trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan đến vi phạm nhân quyền tại Hồng Kông và đại lục, tương tự luật Magnitsky của Mỹ.
Luật Magnitsky được đặt theo tên nhà bất đồng chính kiến người Nga Sergei Magnitsky. Ông đã chết trong khi bị giam giữ ở Moscow. Đạo luật này đã truyền cảm hứng cho hệ thống luật pháp tại các nước trên thế giới áp dụng các biện pháp trừng phạt những cá nhân vi phạm nhân quyền như đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh vào những nước này.
“Điều đó có nghĩa các quan chức chính quyền Trung Quốc và Hồng Kông có liên quan phải chịu trách nhiệm vì hành vi chà đạp nhân quyền và những luật lệ cơ bản”, ông Housakos cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Phản ứng trước việc các nghị sĩ Canada đưa ra kiến nghị trên, Đại sứ Trung Quốc tại Canada, Tùng Bồi Vũ đã đe dọa: “Canada sẽ phải nhận sự trả đũa nặng nề từ Trung Quốc nếu Quốc hội Canada thông qua dự luật này”.
“Không điều gì nghiêm trọng hơn việc đại sứ Trung Quốc đe dọa chính phủ Canada,” ông Housakos nói, đồng thời cho biết thêm Ottawa đã không có hành động thích đáng nào khi đối mặt với hành vi thù địch của Bắc Kinh.
“Chúng ta là một quốc gia G7, chúng ta có đòn bẩy kinh tế, chúng ta có đòn bẩy chính trị và đây là lúc Thủ tướng Justin Trudeau đứng lên bảo vệ các giá trị của Canada,” ông nhấn mạnh.
Ông Ngo Thanh Hai cũng lên tiếng chỉ trích: “Trung Quốc nghĩ họ có thể bắt nạt người Canada bằng cách đe dọa gián đoạn thương mại, nhưng điều quan trọng đối với Ottawa là dám đứng lên bảo vệ luật pháp và nhân quyền.”
Thiện Thành (t/h)