Nghệ An: Cả nghìn hộ dân ‘khát nước’ bên cạnh nhà máy nước sạch hàng chục tỷ đồng bỏ hoang
Dù được đầu tư xây dựng từ năm 2012 với kinh phí gần 20 tỷ đồng nhưng đến nay nhà máy nước sạch Diễn Quảng (Nghệ An) vẫn không thể hoàn thiện đưa vào sử dụng. Hơn 10 năm chờ đợi, người dân nơi đây vẫn không có nước sạch để dùng.
‘Cứ tưởng nước sạch sẽ sớm được bơm đến tận nhà’
Theo báo Tri Thức Trẻ, công trình nhà máy nước sạch xã Diễn Quảng (huyện Diễn Châu, Nghệ An) do UBND xã Diễn Quảng làm chủ đầu tư.
Nhà máy được xây dựng tại xóm 4, cách trụ sở Ủy ban xã Diễn Quảng khoảng 200m, mục tiêu dự án cung cấp nước sạch cho gần 1.000 hộ dân với hơn 5.000 nhân khẩu.
Năm 2012, nhà máy bắt đầu được khởi công xây dựng với mức kinh phí dự toán gần 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay đã 10 năm trôi qua, dự án nhà máy nước sạch này vẫn không thể hoàn thiện, đi vào hoạt động để cung cấp nước sạch cho người dân.
Theo nguồn tin từ báo Tiền Phong, đến nay nhà máy nước Diễn Quảng đã được xây dựng cơ bản, hoàn thành khoảng 60%. Trong đó đã xây hoàn thiện 2 nhà điều hành, hồ chứa nước, bể chứa, nhà xử lý nước, đường ống, tường bao quanh.
Mặc dù bên ngoài đã được xây dựng cơ bản nhưng bên trong các hạng mục vẫn chưa được hoàn thiện. Hệ thống máy bơm, hút nước, xử lý nước chưa được lắp đặt. Hệ thống đường ống nước cấp 2,3 chưa được xây dựng, lắp đặt. Ngoài ra, nhiều hạng mục xây xong chưa đi vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng.
“Khi mới xây dựng, bà con dân xã tôi vui mừng lắm. Cứ tưởng nước sạch sẽ được bơm đến tận nhà. Nào ngờ cả chục năm nay rồi nhà máy nước xây lên nhưng bỏ hoang đó không hoạt động cấp nước cho người dân được. Hiện dân chúng tôi vẫn phải dùng nước giếng khoan, thậm chí phải hứng cả nước mưa để dùng”, anh Trần Văn Hoàng, một người dân sống gần nhà máy nước Diễn Quảng, chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề trên, Chủ tịch UBND xã Diễn Quảng, ông Tăng Ngọc Quý, cho biết việc không thể hoàn thiện nhà máy nước này để đưa vào sử dụng được là do thiếu vốn.
Cụ thể, nguồn ngân sách xây dựng nhà máy nước này được trung ương tài trợ 60%, địa phương 40%. Hiện tiền vốn từ trung ương đã được cấp đủ, tuy nhiên 40% vốn còn lại huy động từ người dân gặp khó khăn.
Theo hạch toán, dự án có 40% đối ứng do người dân đóng góp. Thời điểm trước kia, nếu chia phần trăm thì mỗi hộ phải đóng khoảng 5 – 6 triệu đồng. Đến nay, giá cả tăng lên, nếu tính lại chắc chắn sẽ đội vốn lên nhiều. Nhiều hộ dân không đủ khả năng để đáp ứng.
Ngoài ra, một số hạng mục do được xây dựng từ lâu nên nay đã xuống cấp, cần phải tu sửa nhưng không có tiền nên xã đang tạm dừng.
Vì người dân không có đủ điều kiện đóng góp nên chính quyền xã Diễn Quảng đã chuyển hướng kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư, tiếp tục hoàn thiện dự án này. Tuy nhiên tất cả đều đến xem dự án rồi ‘lắc đầu’ bỏ đi vì sợ đầu tư không thu được lãi.
Người dân phát hiện nhiều điều khuất tất
Theo báo Thanh Niên, dự án nhà máy nước sạch ở xã Diễn Minh (nay là xã Minh Châu, huyện Diễn Châu, Nghệ An) với kinh phí hơn 13.4 tỷ đồng cũng gặp tình trạng tương tự.
Nhà máy này được khởi công xây dựng từ năm 2015 và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động sau 1 năm xây dựng. Thế nhưng phải đến cuối năm 2018 dự án mới hoàn thành và đến nay vẫn đang phải ‘đắp chiếu’ với nhiều điều tiếng khi người dân tham gia giám sát cộng đồng phát hiện ra nhiều khuất tất trong quá trình thi công.
Ông Nguyễn Nghĩa Bé, một thành viên giám sát, cho biết trước khi xây dựng nhà máy, xã đã cho khảo sát 4 điểm, nhưng không hiểu sao lại chọn một nơi nằm gần núi đá vôi từng là nơi làm kho của hợp tác xã nông nghiệp có chứa thuốc trừ sâu.
Không chỉ vậy, vị trí này cũng từng là bãi rác thải của xã. “Khi đơn vị thi công đào hồ chứa, chúng tôi thấy có nhiều rác thải lẫn trong đất, nhưng đơn vị thi công vẫn dùng để đắp bờ bao hồ chứa. Chúng tôi đã yêu cầu họ phải chở đi nơi khác để tiêu hủy, dùng lớp đất đảm bảo tiêu chuẩn để đắp nhưng họ không nghe. Chúng tôi phải tìm cách tạo áp lực, họ mới chịu múc đất này đổ đi để thay lớp đất khác”, ông Bé cho biết.
Cũng theo ông Bé thì hạng mục đáy hồ chứa theo thiết kế phải dùng đất sét, cát vàng để đầm kỹ, nhưng khi thi công, đơn vị thi công cũng không thực hiện.
Đến năm 2020, xã và nhà thầu thi công họp nghiệm thu, quyết toán công trình để đưa vào vận hành, nhưng người dân yêu cầu phải hoàn thiện các hạng mục đúng thiết kế nên việc nghiệm thu, vận hành bị ngừng lại. Trong khi đó, người dân trong xã lại đang thiếu nước sinh hoạt, nhiều gia đình phải đi mua nước về dùng, nhất là vào mùa nắng nóng.
Theo ông Nguyễn Xuân Linh, Trưởng phòng Kỹ thuật quản lý cấp nước thuộc Trung tâm nước sạch sinh hoạt và vệ sinh môi trường tỉnh Nghệ An, hiện Nghệ An vẫn còn 8 nhà máy nước dở dang, chưa hoàn thành dù chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch đã kết thúc.
Vũ Tuấn (t/h)