Ủy ban Văn hóa đề nghị giữ Lịch sử là môn học bắt buộc
Vì lo ngại học sinh THPT sẽ không chọn Lịch sử khi môn này được đưa vào chương trình tự chọn, Ủy ban Văn hóa Giáo dục đề xuất Bộ GD&ĐT xem xét giữ Lịch sử là môn học bắt buộc cho cấp học này.
Theo báo Tiền Phong, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội vào sáng ngày 22/05 đã tổ chức phiên họp toàn thể thảo luận chương trình dạy Lịch sử bậc THPT.
Tại buổi họp, Phó chủ nhiệm Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp thu đề nghị về việc quy định Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp THPT trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời thiết kế khối lượng kiến thức lịch sử phần bắt buộc và phần lựa chọn cho phù hợp.
Đồng tình với đề nghị Lịch sử phải là môn học bắt buộc nhưng đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận định rằng trên thực tế học sinh THPT không mặn mà với môn học này, điểm số tại nhiều kỳ thi rất kém. Nguyên nhân không hẳn do Lịch sử không hấp dẫn mà chương trình nặng về ‘hàn lâm, ôm đồm và cách trình bày khá tẻ nhạt’. Do đó bà đề nghị cần thay đổi môn lịch sử theo hướng khuyến khích các em nhìn nhận, đánh giá chứ không chỉ thụ động tiếp thu.
Về phần bà Mai Hoa cho biết, đa số thành viên Ủy ban không đồng tình việc đưa Lịch sử bậc THPT thành môn lựa chọn. Ủy ban đánh giá, Lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục chính trị, tư tưởng với thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử.
“Nếu không lựa chọn môn Lịch sử ở cấp THPT (tỷ lệ có thể lên tới 50%), các em sẽ không được tiếp cận với kiến thức rất quan trọng, có ý nghĩa giáo dục đối với lứa tuổi này”, bà Hoa nói và cho biết thêm rằng ở nhiều nước, môn Lịch sử bậc THPT luôn bắt buộc.
Theo báo Vnexpress, chương trình giáo dục phổ thông mới được thông qua từ năm 2018. Sau 4 năm chuẩn bị, khi sắp được triển khai với lớp 10, chương trình vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi về việc để Lịch sử là môn lựa chọn. Nhiều người cho rằng như vậy là không thỏa đáng với vị trí đặc biệt quan trọng của môn học, thậm chí lo ngại Lịch sử nếu không được giảng dạy đầy đủ trong nhà trường sẽ khiến các thế hệ sau lãng quên quá khứ.
Giữa tháng 4, Bộ GD&ĐT khẳng định việc bố trí môn Lịch sử trong chương trình mới vẫn đáp ứng được yêu cầu giáo dục môn học này cho học sinh phổ thông. Chương trình giáo dục phổ thông mới được chia thành 2 giai đoạn:
– Giai đoạn giáo dục cơ bản (5 năm tiểu học và 4 năm THCS) nhằm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng.
– Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (3 năm THPT) bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông.
Ở cấp THCS của giai đoạn cơ bản, Lịch sử được dạy từ lớp 6 đến lớp 9, trang bị cho học sinh kiến thức cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Bộ nhấn mạnh, ở giai đoạn này, trong toàn cấp THCS, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện.
Ở cấp THPT – giai đoạn định hướng nghề nghiệp, Lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử là những nội dung chuyên sâu. Học sinh không học thiên về khoa học xã hội vẫn có thể lựa chọn Lịch sử nếu thấy môn này cần thiết cho bản thân hoặc cần thiết để phục vụ nghề nghiệp mà các em lựa chọn.
Chương trình mới cũng dành 20% thời lượng cho lịch sử địa phương, do các địa phương tự biên soạn đưa vào giảng dạy.
Vũ Tuấn (t/h)