Nên quan tâm đến “Big Food” vì sức khỏe của chính mình
Các thực phẩm sản xuất công nghiệp của các tập đoàn siêu tầm cỡ đang khiến công chúng lo ngại. Tuy nhiên, là người tiêu dùng rút hầu bao để mua sản phẩm của họ, chúng ta có nhiều sức mạnh hơn mình nghĩ.
Người sành ăn hiện nay thông minh và đòi hỏi cao hơn ở những nhãn hàng họ mua tại siêu thị. Điều này đặc biệt đúng với thế hệ trẻ, người nhận được nhiều thông tin về chăm sóc sức khỏe, phát triển bền vững và đạo đức.
Nhưng sự thật là người tiêu dùng ngày càng nghi ngờ sản phẩm của các nhà sản xuất thực phẩm công nghiệp lớn trên thế giới, dẫn đến phong trào người dùng hướng đến nhà sản xuất độc lập nhỏ lẻ hơn tại địa phương.
Tuy nhiên, điều không may là không phải ai cũng đủ khả năng mua được thực phẩm bổ dưỡng với mức giá cao – sản phẩm liên kết giữa nông dân và nhà sản xuất thực phẩm.
May mắn thay, là người tiêu dùng, chúng ta có quyền thay đổi cách thức hoạt động của Big Food bằng cách tự mình thay đổi thói quen mua sắm. Đồng thời chúng ta cũng nên chú ý đến nơi mà chúng ta chi tiêu mua sắm.
“Big Food” là thuật ngữ thông dụng
Thuật ngữ Big Food được sử dụng rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, mang nghĩa khác nhau tùy vào mỗi người, nhưng thuật ngữ này được dùng phổ biến nhất để chỉ các nhà sản xuất thực phẩm công nghiệp lớn. Họ là người chiếm lĩnh thị trường sản xuất và kinh doanh thực phẩm, thức uống đóng chai.
Các thương hiệu thực phẩm nổi tiếng ở Anh gồm Brakes, 2 Sisters và Iceland, còn tại Mỹ lại là Pepsico, Nestle và Tyson Foods.
Ngoài ra Big Food cũng được dùng để chỉ những công ty nông nghiệp quy mô lớn. Nổi tiếng nhất chính là công ty Monsanto và Dupont. Hai công ty độc quyền gần như nắm trọn ngành công nghiệp hạt giống. Quy mô của họ đã lớn hơn từ khi công ty Monsanto sáp nhập vào Bayer AG.
>>> “Nuôi sống” thế giới hiện nay là 3 ông lớn ngành thực phẩm
Quy mô lớn và ảnh hưởng mạnh mẽ
Rõ ràng đây là những công ty có quy mô khổng lồ, và có lẽ bạn sẽ hỏi: “Vậy thì có liên quan gì đến tôi?”.
Vâng, vấn đề không nằm ở quy mô của các công ty, mà nằm ở hành vi, quyền lực và tầm ảnh hưởng của họ. Đó mới chính là điều chúng ta cần quan tâm.
Phần lớn các tập đoàn Big Food có rất nhiều cổ đông, và để có trách nhiệm với cổ đông, Big Food đã xem lợi nhuận là mục tiêu chính. Họ luôn mong muốn thành công và công bố những kỷ lục lợi nhuận đột phá qua mỗi năm. Như vậy có khả năng các vấn đề sức khỏe, dinh dưỡng, đạo đức và phát triển bền vững sẽ bị đẩy sang một bên.
Mặt khác, chính vì quy mô rộng lớn mà các công ty này có ngân sách nghiên cứu và phát triển khổng lồ. Đó là lý do tại sao chúng ta thường xuyên chứng kiến những báo cáo cho thấy nguồn ngân quỹ đã được sử dụng để tác động đến các nghiên cứu độc lập, các cơ quan chính phủ, hoặc các tổ chức quan trọng tương tự.
Thách thức từ Big Food
Trong vai trò là người tiêu dùng, chúng ta không thể chấp nhận thực phẩm được sản xuất theo cách không minh bạch với lí do liên quan tới bản quyền của các tập đoàn đa quốc gia.
Thực tế cho thấy Big Food đã đạt được sức mạnh trong 40-50 năm qua. Nó tỉ lệ thuận với sự hiện diện của sản phẩm của Big Food ở siêu thị. Họ đạt được điều đó nhờ vào việc mua sắm của người dân, vì vậy không có lý do gì mà chúng ta không thể trả nó về điểm xuất phát, theo Food Rush.
Bên cạnh đó, việc các công ty mới khởi nghiệp nổi lên và phổ biến cho thấy dấu hiệu khả quan về tính bền vững, cải tiến và môi trường phát triển công nghệ của ngành thực phẩm. Do đó, rất nhiều doanh nhân và doanh nghiệp nhỏ lẻ tin rằng sẽ tìm được những giải pháp tốt hơn trong các vấn đề này.
Sự thật là trên thị trường vẫn có những thương hiệu được xây dựng dựa trên tầm quan trọng của sức khỏe, dinh dưỡng hoặc tính bền vững.
Riêng đối với người tiêu dùng, khi chúng ta chọn mua và tiêu thụ các sản phẩm, chúng ta đều có khả năng hỗ trợ các nhà sản xuất. Sự hỗ trợ này hoàn toàn phù hợp với các giá trị và nguyên tắc riêng của chúng ta.
Và những công ty nhận được sự hỗ trợ phải minh bạch về cách sản xuất sản phẩm. Họ phải tiết lộ thông tin về nguyên liệu sử dụng và chú trọng việc chăm sóc sức khỏe, cùng các vấn đề quan trọng đối với người tiêu dùng.
Lần tới khi bạn ghé thăm cửa hàng, hãy dừng lại vài phút để suy nghĩ mình sẽ mua những gì và lý do bạn mua.
Hãy chung tay góp sức bằng cách mua sản phẩm của các thương hiệu sản xuất minh bạch, tuân thủ đầy đủ các quy tắc đạo đức và phát triển bền vững.
>>> Những lợi ích đáng kinh ngạc của âm nhạc cổ điển
Tú Văn, theo TFR