Mỹ-Trung đồng ý bỏ thuế quan theo từng giai đoạn
Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đồng ý dỡ bỏ thuế quan như một phần của bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào được ký kết, nhưng chưa xác định thời gian bắt đầu thực hiện.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong hôm 7/11 cho biết, 2 nước Mỹ-Trung đã đồng ý hủy bỏ thuế quan “theo từng giai đoạn” dựa trên những tiến triển của việc ký kết thỏa thuận.
“Cuộc chiến thương mại bắt đầu bằng thuế quan thì nên kết thúc bằng việc hủy bỏ thuế quan. Hủy bỏ thuế quan là một điều kiện quan trọng đối với bất kỳ thỏa thuận nào, cả hai phải đồng thời hủy bỏ một số thuế quan đối với hàng hóa của nhau để đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1″, ông Cao Phong phát biểu, đồng thời cho biết hiện tại chưa có thông tin cụ thể về thời gian và địa điểm ký kết.
Người phát ngôn Nhà Trắng Stephanie Grisham chia sẻ với Fox News rằng Mỹ rất lạc quan đối với việc hoàn thành thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, 2 bên sẽ rất nhanh chóng đạt được thỏa thuận. Thỏa thuận này có thể hòa hoãn chiến tranh thương mại kéo dài 16 tháng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, các nhà đàm phán Mỹ đã không công khai xác nhận thông tin này và Reuters sau đó đưa tin, kế hoạch này vấp phải sự phản đối kịch liệt từ nội bộ.
Theo các tường thuật, thị trường chứng khoán leo dốc được xem như một dấu hiệu cho thấy 2 bên đang tiến gần hơn tới việc đạt được một thỏa thuận. Và thỏa thuận này được cho là sẽ vạch ra lộ trình để Mỹ và Trung Quốc từng bước giải quyết cuộc chiến thương mại giữa 2 nước.
Thỏa thuận thương mại tạm thời này dự kiến sẽ bao gồm một cam kết của Hoa Kỳ về thuế linh kiện dự kiến bắt đầu vào ngày 15/12 đối với hàng nhập khẩu trị giá khoảng 156 tỷ USD của Trung Quốc bao gồm: điện thoại di động, máy tính xách tay và đồ chơi.
Từ năm ngoái, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã áp các khoản thuế trị giá hàng tỷ đô la lên hàng hóa của hai nước.
Theo dữ liệu của AmCham Shanghai, có khoảng 40% công ty Mỹ đang xem xét hoặc đã chuyển các cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc do những mức thuế của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc. Ngoài ra, hơn 50 tập đoàn toàn cầu khác như Apple, Nintendo hay Dell đã hối thúc chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, theo số liệu của Nikkei.
Do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ Trung, tỷ lệ thất nghiệp ở vùng thành thị Trung Quốc đã tăng lên mức 5,3% trong tháng 7/2019. Tuy nhiên, theo tờ Wall Street Journal, tỷ lệ thất nghiệp trên thực tế cao hơn hẳn con số chính thức được đưa ra.
Người nông dân và các nhà sản xuất ôtô Mỹ cũng chịu thiệt hại kể từ khi Trung Quốc áp thuế lên hàng hóa Mỹ, trong đó bao gồm cả mức áp thuế 25% đánh vào hạt đậu nành Mỹ hồi tháng 7/2018. Tuy nhiên tính đến giai đoạn hiện tại, có vẻ Bắc Kinh đang “hứng đòn” nhiều hơn bao giờ hết từ trận chiến thương mại với Tổng thống Trump.
Thiện Thành (t/h)