Mỹ: Hơn 100 người phục hồi sau 6 ngày dùng thuốc thử nghiệm điều trị virus Vũ Hán
Đại học Y khoa Chicago hôm 16/4 thông báo, có hơn 100 bệnh nhân bị nhiễm virus Vũ Hán trong tình trạng nguy kịch đã được khỏi bệnh và xuất viện chỉ sau 6 ngày dùng thuốc thử nghiệm Remdesivir, theo New York Post.
Đại học Y khoa Chicago cho biết họ đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng 3 giai đoạn với 125 tình nguyện viên. Được biết, trong số 125 tình nguyện viên này, có tới 113 người mắc virus Vũ Hán với những triệu chứng nặng như sốt cao, suy hô hấp. Họ đã được chữa trị với Remdesivir hàng ngày bằng cách truyền dịch có chứa thuốc.
Kết quả của lần thử nghiệm này rất lạc quan, Tiến sĩ Kathleen Mullane, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Y khoa Chicago cho biết hầu hết các bệnh nhân đều đã được xuất viện và chỉ có 2 bệnh nhân tử vong. Mặc dù chưa thể kết luận chắc chắn việc khỏi bệnh là hoàn toàn nhờ thuốc vì thử nghiệm không có nhóm giả dược và những người không được sử dụng thuốc để đối chiếu. Tuy nhiên có thể khẳng định rằng, từ khi dùng thuốc, bệnh nhân đã giảm sốt nhanh, một số người đã không cần sử dụng máy thở nữa.
“Trước đó, hầu hết họ biểu hiện triệu chứng nặng, nhưng chỉ 6 ngày sau đã được xuất viện. Như vậy liệu trình có thể được rút ngắn xuống, không nhất thiết kéo dài 10 ngày. Có thể còn 3 ngày. Nhưng chắc chắn kể từ khi bắt đầu sử dụng, cơn sốt của họ hạ dần. Giờ triệu chứng sốt không còn là điều kiện cần để tham gia thử nghiệm nữa, nhiều người sốt cao nhưng giảm nhiệt nhanh chóng. Điều quan trọng là một số bệnh nhân sau khi dùng thuốc không còn phải sử dụng máy thở, tình trạng sức khoẻ cải thiện đáng kể,” Tiến sĩ Mullane giải thích.
Giám đốc viện nghiên cứu Scripps, ông Eric Topol cũng vui mừng cho biết 113 bệnh nhân tham gia thử nghiệm đều có khả năng tử vong cao, vậy nên việc phần lớn trong số họ được xuất viện đã cho thấy những tín hiệu lạc quan về hiệu quả của Remdesivir. Nhà sáng chế của Remdesivir, hãng Gilead hiện cũng đang cung cấp thuốc cho khoảng 2.400 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng và 1.600 người có biểu hiện nhẹ, kết quả điều trị sẽ có trong thời gian sắp tới.
Tính đến thời điểm hiện tại, Remdesivir là một trong những loại thuốc đầu tiên cho thấy tiềm năng điều trị virus Vũ Hán. Kể từ khi bắt đầu nghiên cứu, các chuyên gia trên thế giới kỳ vọng nhiều vào kết quả thử nghiệm lâm sàng. Nếu an toàn và hiệu quả, rất có thể nó sẽ nhận được sự chấp thuận từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và các cơ quan khác, trở thành phương pháp điều trị Covid-19 chính thức đầu tiên.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Đại học Chicago cho hay đây chỉ là kết quả sơ bộ nghiên cứu về độ hiệu quả của Remdesivir. Thử nghiệm không bao gồm nhóm bệnh nhân sử dụng giả dược, những người không được cho dùng thuốc Remdesivir, để đối chứng. Vì vậy sẽ rất khó để kết luận liệu thuốc có thực sự giúp cải thiện tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân hay không.
Ngoài ra, các thử nghiệm liên quan tới thuốc chữa trị dịch viêm phổi Vũ Hán đều đang được tiến hành song song nhưng trong thời gian này, đại dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Do đó vẫn chưa thể chủ quan, cần phải tuân thủ theo những khuyến cáo của Bộ Y tế để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội.
Đại dịch Vũ Hán đã xuất hiện ở 210 quốc gia vùng lãnh thổ sau khi bùng phát lần đầu tiên tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins sáng 20/4, thế giới ghi nhận 2.394.291 ca nhiễm virus Vũ Hán, trong đó 164.938 người tử vong, tăng lần lượt 76.532 và 5.247 trường hợp so với một ngày trước. Mỹ hiện báo cáo 755.533 ca nhiễm, 40.461 ca tử vong và 67.172 người đã hồi phục.
Thiện Thành (t/h)