Mô hình ‘trị quốc theo nhóm’ của Tập Cận Bình dần chuyển sang hoạt động ngầm
Sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần thứ 18, Trung ương ĐCSTQ đã thành lập nhiều nhóm hoặc ủy ban, và hầu hết trong số đó đều do Tập trực tiếp làm trưởng ban hoặc chủ nhiệm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hầu hết các tổ chức này đều có xu hướng chuyển sang “hoạt động ngầm”.
Vào ngày 9/9, việc Tập Cận Bình chủ trì cuộc họp lần thứ tám của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương ĐCSTQ đã được các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ đưa tin rộng rãi. Tuy nhiên, lật lại các báo cáo chính thức, các phương tiện truyền thông chính thức không hề đưa tin về cuộc họp lần thứ bảy của Ủy ban Tài Chính và Kinh tế Trung ương, mà chỉ đưa tin về cuộc họp thứ sáu được tổ chức vào ngày 3/1.
Truyền thông Hồng Kông và Đài Loan chỉ ra rằng, rõ ràng nội dung cuộc họp lần thứ bảy của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương có thể không được thế giới bên ngoài biết đến. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều cuộc họp nhóm hoặc ủy ban cấp trung ương được chuyển sang “hoạt động ngầm”, đằng sau có nhiều khuất tất, các cuộc họp không còn được báo cáo công khai.
Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền tại Đại hội đại biểu toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 18 năm 2012, ngoài việc giữ chức Chủ tịch ĐCSTQ, Tổng Bí thư ĐCSTQ và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông còn thành lập nhiều nhóm hoặc ủy ban trong Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ. Riêng Tập Cận Bình đã là chủ nhiệm của hơn mười nhóm và ủy ban.
Trong đó bao gồm: Nhóm Công tác Đối ngoại Trung ương, Nhóm Cải cách triệt để, Nhóm Tài chính và Kinh tế, Nhóm Thông tin Internet, Nhóm Công tác Đài Loan, Ủy ban An ninh Quốc gia, Nhóm Cải cách Quốc phòng và Quân đội, Bộ Chỉ huy Hoạt động Liên hợp Quân sự – Dân sự, Ủy ban Kiểm toán và Ủy ban Pháp quyền. 4 nhóm đầu tiên được nâng cấp thành ủy ban vào năm 2018.
Ngoại giới lúc đó cho rằng, việc Tập Cận Bình sử dụng mô hình “trị quốc theo nhóm” này là để loại bỏ sự hỗn loạn trước đây trong mô hình “Cửu Long trị thủy, mỗi người một phần” của các giới quan chức cấp cao Đảng Cộng sản.
Cái gọi là “Cửu Long trị thủy” có nghĩa là trong thời kỳ của Hồ Cẩm Đào, cựu lãnh đạo của ĐCSTQ Giang Trạch Dân vì muốn hạn chế quyền lực của Hồ Cẩm Đào, đã phân chia quyền lực cho mỗi người trong số chín ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị quản lý hệ thống của mình. Khi Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền, ngoài Hồ Cẩm Đào và sau đó là Thủ tướng Ôn Gia Bảo, 7 thành viên khác trong Ban Thường vụ đều là tay sai của Giang Trạch Dân.
Sau khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, các nhóm nêu trên được hình thành, dư luận cho rằng việc này nhằm mục đích lấy lại quyền lực trong tay những “nguyên lão can dự vào chính trị”. Vì vậy, khi các nhóm này được thành lập, các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã rầm rộ đưa tin, phối hợp với chiến dịch “chống tham nhũng, đả hổ” của Tập Cận Bình. Tuy nhiên, sau nhiệm kỳ thứ hai của Tập Cận Bình, ngoại trừ Ủy ban Cải cách triệt để và Ủy ban Tài chính và Kinh tế, hầu hết các cơ quan khác đều chuyển sang hoạt động âm thầm hoặc không hề có tin tức.
Ví dụ, sau cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Đối ngoại của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ tổ chức vào ngày 15/5/2018, không hề có bất cứ tin tức gì về cuộc họp của ủy ban này sau đó.
Ví dụ khác, sau cuộc họp lần thứ nhất của Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương ĐCSTQ vào ngày 17/4/2018, không có báo cáo nào về cuộc họp thứ hai và thứ ba. Tuy nhiên, tin tức từ chính quyền địa phương cho thấy Ủy ban An ninh Quốc gia đã tổ chức hai cuộc họp vào năm ngoái và năm nay, và chính quyền địa phương đã thông báo về điều đó.
Truyền thông Hồng Kông và Đài Loan cho rằng, “hoạt động ngầm” của các ủy ban này có thể liên quan đến những thay đổi của môi trường bên ngoài. Một số cuộc họp nhạy cảm không được tiết lộ, những thay đổi trong ban lãnh đạo của các ủy ban này cũng là bí mật.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng cho rằng, cuộc tranh giành quyền lực cấp cao hiện nay trong nội bộ ĐCSTQ rất khốc liệt. Ngoài việc đối phó với kẻ thù chính trị chính là phe Giang, phe Tập Cận Bình còn phải đối phó với sự không hài lòng của Đảng đối với các chính sách đối nội và đối ngoại của họ, chẳng hạn như làm rối loạn hệ thống “một quốc gia hai chế độ” ở Hồng Kông, ngày càng xa cách trong mối quan hệ với Đài Loan, quan hệ với lãnh đạo Hoa Kỳ xấu đi toàn diện. Do đó, các cuộc họp do ông Tập tổ chức càng bí mật thì họ càng gặp ít sự phản kháng.
Tuy nhiên, dù phân tích thế nào, ngoại giới cho rằng, mục đích của việc “trị quốc theo nhóm” của Tập Cận Bình cũng chỉ có một, đều là để Tập Cận Bình có thể tập trung quyền lực; mà việc các nhóm chuyển sang hoạt động ngầm thì rất có thể là quyền lực đang bị lung lay.
Minh Huy (Theo Epoch Times)