Lý Gia Thành đã xây dựng đế chế tỷ USD từ nghèo đói như thế nào?
Tỷ phú Lý Gia Thành mới đây đã tuyên bố nghỉ hưu, chấm dứt sự nghiệp lẫy lừng của tỷ phú giàu có nhất Hong Kong. Để đạt được thành tựu như vậy, ít người biết rằng ông đã phải trải qua tuổi thơ cơ cực, nghèo đói…
Hôm 16/3, tỷ phú giàu nhất Hong Kong Lý Gia Thành – Chủ tịch CK Hutchison Holdings và CK Asset Holdings – tuyên bố nghỉ hưu từ tháng 5 tới – chấm dứt kỷ nguyên của một trong những tài phiệt được ngưỡng mộ nhất thế giới.
Con trai trưởng của ông là Victor, năm nay 53 tuổi, sẽ thay Lý Gia Thành tiếp quản đế chế kinh doanh – hiện tham gia vào hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống của người dân Hong Kong – bao gồm viễn thông, bất động sản, vận chuyển và bán lẻ.
Dưới đây là hành trình xây dựng sự nghiệp của vị doanh nhân nổi tiếng này:
Ông Lý Gia Thành sinh ngày 29/7/1928 tại Triều Châu, thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Năm 1940, khi Trung Quốc đang có chiến tranh với Nhật Bản, gia đình Lý Gia Thành phải trốn đến Hong Kong – nơi ông sống từ đó đến nay.
Cuộc sống ban đầu của Lý Gia Thành rất cực nhọc và khó khăn. Nhật Bản chiếm đóng Hong Kong vào năm 1941. Cha của ông đã chết vì bệnh lao khi Gia Thành chưa tròn 16 tuổi. Ông phải nghỉ học và làm việc tại một nhà máy.
Năm 1950, sau những tháng năm lăn lộn với cuộc sống, Lý Gia Thành quyết định thành lập nhà máy riêng mang tên Cheung Kong Industries chuyên sản xuất hoa nhựa. Nhà máy được đặt tại phía Bắc Hong Kong. Năm 1969, hãng đồ chơi Hasbro ủy quyền cho nhà máy nhựa của Lý Gia Thành sản xuất búp bê GI Joe xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Khi doanh nghiệp phát triển mạnh, nắm bắt được cơ hội lớn trên thị trường bất động sản và cơ sở hạ tầng, Lý Gia Thành định hướng bỏ vốn vào thị trường này, và quyết tâm phát triển Cheung Kong thành công ty bất động sản hàng đầu ở Hong Kong. Công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán năm 1972.
Năm 1979, Cheung Kong tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động thông qua việc mua lại Hutchison Whampoa từ tay ngân hàng lớn nhất Hong Kong hiện nay là HSBC. Sở hữu Hutchison Whampoa, Lý Gia Thành đặt mục tiêu đưa doanh nghiệp này thành tập đoàn hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực, nhất là công nghệ cao.
Ông Lý nổi tiếng trong giới kinh doanh là biết nói lời, giữ lời và là người kinh doanh có đạo đức. Ngay sau khi sự nghiệp bắt đầu vững vàng, ông đã giúp đỡ những nhà đầu tư nhỏ ở Hong Kong. Họ rất yêu quý và kính trọng ông, vì “tuy là một người nhỏ bé nhưng đã đánh bại những ông lớn ngay trong trò chơi của các ông lớn”.
Sự ngưỡng mộ dành cho Lý Gia Thành là điều có thể được cảm nhận rõ ở Hong Kong, nơi người ta gọi ông là “Superman” (Siêu nhân) vì sự thành công trong kinh doanh và đạo đức lối sống. Trong suốt thời gian điều hành tập đoàn, ông đã đẩy mạnh các thương vụ mua bán và sáp nhập ở nước ngoài, đem về lợi nhuận khổng lồ cho công ty trong thị trưởng viễn thông ở châu Âu.
Sau gần 7 thập kỷ xây dựng sự nghiệp, đến nay đế chế của Lý Gia Thành có mặt tại hơn 50 quốc gia với khoảng 320.000 nhân viên trên toàn cầu, trải rộng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Power Assets Holdings cung ứng điện và ParknShop mở hệ thống siêu thị là hai trong số các doanh nghiệp của ông Lý. Tập đoàn của ông còn sở hữu nhiều cửa hàng điện thoại di động, hãng Superdrug, Savers ở Anh, các bến cảng trên toàn thế giới và cổ phần chi phối tại Husky Energy ở Canada.
Với tài sản ước tính khoảng 35,3 tỷ USD, Lý Gia Thành là người Hong Kong giàu nhất mọi thời đại. Hiện ông đang xếp thứ 23 trên bảng xếp hạng của Forbes.
Victor, con trai cả của Lý Gia Thành là người tiếp quản đế chế tỷ USD sau khi ông nghỉ hưu. Doanh nhân 53 tuổi này từng bị bắt cóc bởi tay trùm khét tiếng Hong Kong Cheung Tze-keung vào năm 1996. Ông được thả ra sau khi Lý Gia Thành trả một khoản tiền chuộc khổng lồ.
Ông Victor Li tốt nghiệp ngành kỹ thuật tại đại học Standford. Và cũng giống như nhiều người khác trong thế hệ thừa kế thứ 2, nhiều chuyên gia trong ngành kinh doanh nhận định ông sẽ gặp khó để vượt qua “cái bóng” của cha mình.
Giáo sư ngành tài chính tại đại học Chinese University of Hong Kong, ông Joseph Fan, khẳng định rằng việc tỷ phú Lý Gia Thành giảm bớt công việc kinh doanh tại Trung Quốc và mở rộng công việc kinh doanh sang các thị trường phát triển chính là để chuẩn bị cho sự tiếp nối của thế hệ sau.
Ông nhấn mạnh người kế vị tập đoàn, ông Victor Li thường kinh doanh tốt hơn ở thị trường các nước phát triển nơi mà công việc kinh doanh không chịu sự chi phối quá nhiều bởi các mối quan hệ và bản quyền sở hữu trí tuệ chặt chẽ hơn.
Còn về phía ông Lý, dù tuyên bố nghỉ hưu, nhưng nhiều khả năng ông cũng sẽ chẳng nghỉ ngơi. Ông muốn tập trung vào công việc từ thiện. Ông đã cam kết sẽ dành 1/3 tài sản của mình cho từ thiện.
Tuệ Tâm (t/h)