Lấy chồng miền Nam

28/06/15, 08:00 Tin Tổng Hợp
(PL)- Miền Nam với mẹ tôi là một vùng đất xa xôi lạ lẫm lắm. Khi tôi mở miệng xin lấy chồng miền Nam, mẹ thoáng sững sờ.

(PL)- Miền Nam với mẹ tôi là một vùng đất xa xôi lạ lẫm lắm. Khi tôi mở miệng xin lấy chồng miền Nam, mẹ thoáng sững sờ.

Sau bốn năm xa nhà học tập, tôi lê bước về gặp mẹ mình với tâm trạng của một tội đồ!

Vừa đặt chân vào nhà là tôi đã lao tới ôm chầm lấy mẹ mình. Không ngờ chưa đầy một năm xa cách mà mẹ lại nhanh già đến vậy. Mẹ đang ngồi trên chiếc chõng tre, trời vừa chớm thu, gió heo may chưa về mà khăn đã trùm kín đầu. Thấy tôi, mẹ cất lên mấy tiếng “Con về đấy ư…” rồi ôm ngực ho sù sụ… Hôm sau tôi ra đồng làm việc, bà con lối xóm xúm lại chia sẻ, nhắn gửi: “Mừng cho u mày quá, trồng cây đã đến ngày hái quả rồi” hoặc “Trông mẹ mày như con cá mắm, ra đồng làm việc chúng tao ái ngại quá…”. Những câu thân tình ấy đã như ngọn lúa cứa vào tim tôi. Để rồi sau đó cứ định mở miệng nói với mẹ cái điều đang làm mình ưu tư thì cảm giác bất nhẫn lại dâng lên ngập lòng. Vậy là im bặt. Chỉ khi gần đến ngày trở lại trường, lúc ấy trời sẫm tối, cả nhà vừa ăn cơm xong, mấy đứa em bưng bê bát đũa ra cầu ao rửa, chỉ còn hai mẹ con, tôi cố lấy hết can đảm nói lên điều đó: “Mẹ, cho con… lấy chồng miền Nam và… vào trong ấy làm việc nhé?”.

Mẹ nhìn tôi thoáng sững người. Tuy chưa nói gì nhưng cái chõng tre mẹ nằm đêm ấy nghe èo ẹo suốt.

Bỏ mẹ theo anh thì bất nhẫn

Ngày tôi trở lại trường nhận bằng tốt nghiệp. Tiễn tôi ra đến cổng làng, cầm tay tôi giọng mẹ tha thiết: “Phận đàn bà sướng khổ từ chuyện chồng con. Mẹ không cấm việc con lấy chồng xa chồng gần nhưng hãy suy xét cho chín chắn con ạ!”. Nửa ngày đường ngồi trên xe mà nước mắt tôi cứ chực trào ra. Đã bao lần rồi, cứ tiễn người thân ra đến cổng làng là giọng mẹ trở nên trầm buồn, rồi khi về nhà ngồi tựa cửa mà lấy lai quần chậm nước mắt. Cha đi biền biệt hết kháng Pháp rồi lại chống Mỹ, mẹ quanh năm lẻ bóng nuôi đàn con thơ mà sinh lao lực. Cuộc chiến cơm gạo ở hậu phương với mẹ xem ra còn cam go hơn ngoài mặt trận của cha nhiều. Cha có thể yên lòng cầm súng xung phong rồi nằm xuống. Còn mẹ, nuôi cả đàn con dại lúc nào cũng như chim non háu đói. Mẹ không được gục ngã, ốm đau cũng phải lê lết ngoài đồng. Lặng lẽ nuôi con, lặng lẽ mang khát vọng hết chiến tranh rồi chồng sẽ trở về chung vai xây tổ ấm với mình nhưng mơ ước của mẹ đã không thành. Cha đã mãi mãi không trở về với mẹ nữa! Ngày tôi đỗ đại học, mẹ không ngớt động viên hãy lên đường nhập học để rồi càng oằn vai với bao công việc ở quê nhà. Gần đây sức khỏe mẹ trở nên sa sút, việc đồng áng phải cậy nhờ vào đôi vai nhỏ nhắn của đứa em gái mới lớn, vậy mà tôi lại nỡ…

Bốn năm xa nhà học tập, chuyện yêu đương tôi dặn lòng khép lại. Nhưng tình yêu thì như tơ trời vương vấn lòng người trăm nẻo. Quả là nan giải khi mới nghĩ đến chia tay với anh ấy là lòng tôi đã đau vời vợi rồi. Biết tìm đâu ra người hòa hợp cả tâm hồn và lẽ sống với mình như anh ấy. Một thoáng suy tư thoáng qua mắt tôi là anh đã tìm cách chia sẻ. Hài hước mà lại sâu sắc, bên anh tôi luôn có cảm giác nhẹ nhàng và bình yên hơn. Bỏ mẹ theo anh thì bất nhẫn, tôi không đành. Biết lòng tôi đang dậy sóng, anh ấy nói: “Hãy đưa anh về thăm gia đình em cái đã, rồi tùy hoàn cảnh mà tính…”.

Khách đến chơi nhà

Xóm nghèo quê tôi nằm chơ vơ ven bờ sông Bôi, Thái Bình. Tin tôi đưa người yêu là người miền Nam về ra mắt gia đình chẳng mấy chốc lan nhanh khắp xóm. Tối ấy vừa ăn cơm xong thì bà con đã đốt đèn đến thăm nhà tôi nườm nượp. Mẹ tôi làm mặt tươi tắn, luôn miệng mời bà con ăn bánh, hút thuốc nhưng lại khéo léo từ chối “cái anh kia” chỉ là khách đến chơi nhà thôi mà! Khuya, khi bà con đã về, điền vào cái khoảng lặng ấy là tiếng giọt mưa rơi tí tách ngoài hiên nghe mồn một. Qua đi cái giây phút vui rộn ràng “giả tạm” đó thì cái chõng tre mẹ tôi nằm lại nghe èo ẹo! Giường bên kia không biết anh ấy nghĩ gì mà ngồi rít thuốc lá đỏ rực. Tâm tư tôi cũng bắt đầu xao động. Có phải mẹ tôi đang buồn vì câu “Có phúc gả con chồng gần…”? Còn anh ấy chắc đã nản trước thái độ khước từ khéo léo chuyện rể con của mẹ? Trời về khuya rét đậm. Có lẽ do hít nhiều khói thuốc của bà con ban nãy hoặc quá rét mà mẹ tôi ho liên tục, rồi lên cơn hen nặng, mặt tím tái do bị co thắt phế quản. Bệnh đã thành mãn tính mấy năm nay rồi, tiêm cho mẹ là việc của đứa em gái tuổi 15, nó được tập huấn kỹ và đã quen việc. Biết tôi toan lấy chồng xa, nó căm hờn lắm. Trước khi bỏ sang nhà hàng xóm ngủ, nó ngúng nguẩy liếc anh ấy thiếu đường rách mắt rồi chu miệng vào tai tôi mà nói: “Đồ phản bội”! Biết tìm con bé đỏng đảnh đâu trong lúc cấp bách này? Tôi làm liều, cầm xi lanh và ống thuốc adrenalin mà run tay vì chưa tiêm cho mẹ lần nào. Giữa lúc ấy thì anh ấy bước tới, nhanh chóng sát trùng, rút thuốc vào xi lanh và tiêm cho mẹ tôi khá thuần thục. Mấy phút sau da dẻ mẹ hồng hào trở lại, hỏi anh: “Cháu biết tiêm thuốc từ lúc nào mà giỏi vậy?”. “Dạ, trước cháu được đào tạo làm lính cứu thương ở biên giới phía Bắc ạ”.

Quê tôi ăn tết thật muộn. Những ngày cuối năm, chiếc loa phóng thanh hợp tác xã cứ ra rả câu khẩu hiệu: “Xuân không nồng khi ngoài đồng chưa xuống hết giống” làm ai cũng nóng ruột. Ngay hôm sau là tôi đã đi làm đồng với bà con rồi. Anh ấy thấy cảnh nhà dột cột xiêu, sau mấy ngày ra vườn chặt tre chẻ lạt, che chắn, dọi chỗ dột rồi cũng cương quyết theo tôi ra đồng. Tối đến anh lại cùng đứa em trai tôi ra bờ sông úp cá. Là dân đồng trũng anh có tay sát cá thật. Mẹ tôi vốn thảo ăn đem biếu khắp xóm…

Thấu hiểu chuyện phận đàn bà chồng chết trận

Ngày trở lại trường đã gần kề, vậy mà anh chưa có kế hoạch gì ráo làm tôi sốt ruột quá. Đã thế lại còn dại miệng làm tình hình tồi tệ hơn. Bữa ấy, sau khi đem cá biếu hàng xóm về, giọng mẹ cởi mở hỏi anh: “Nghe nói nhà trường giữ lại cả hai đứa làm giáo viên, sao cháu không ở lại mà về quê làm cho cái Ngần khó xử?”. “Dạ, hoàn cảnh cháu ngặt lắm, mùa gặt vừa rồi má cháu gánh lúa ngã cầu khỉ bị liệt nửa người, hai em thì còn quá dại…”. “Vậy cha cháu đâu?”. “Dạ, cha cháu mất ở chiến trường Quảng Trị…”. Mẹ tôi lặng người. Cha tôi cũng hy sinh ở chiến trường ấy vào mùa hè năm 1972. Có khi nào họ là đồng đội của nhau không nhỉ? Mẹ gấp gáp hỏi: “Cháu có biết tên đơn vị cha không?”. “Dạ, cháu không biết nhưng cha cháu là lính… Cộng hòa”. “Hả!”. Mẹ tôi buột miệng thành tiếng rồi mặt mày tái mét như bị trúng gió. Tôi biết cái định kiến xưa nay ngự trị trong lòng mẹ vẫn còn đó: “Chính những người lính Cộng hòa đã chĩa súng vào cha, biến mẹ thành cô phụ!”. Không nói thêm nửa lời, mẹ lặng lẽ lên giường nằm. Cái chõng tre đêm ấy lại nghe èo ẹo.

Tôi đã không còn gì để hy vọng. Chuyện tình duyên hai đứa đã bị anh ấy vô tình dẫn ra pháp trường rồi. Đụng đến vết thương lòng của mẹ thì chỉ có trời cứu! Sau mấy ngày buồn rười rượi, mẹ dục tôi sang thăm quê ngoại. Anh ấy cũng bộ mặt đưa đám, lẽo đẽo theo sau. Tối về, vừa ăn cơm xong mẹ bảo hai đứa ngồi lại để nói chuyện. Nghe thế tôi lo lắm. Ngồi một chập, mẹ nói với anh ấy: “Mấy đêm không ngủ được bác đã thấu hiểu chuyện phận đàn bà chồng chết trận, dẫu ở bên nào thì nỗi đau mất mát cũng giống nhau. Bác ngẫm mình còn may, còn đi lại được, em gái con tuy còn nhỏ nhưng cũng cậy nhờ được rồi. Tội nghiệp má con trong ấy, nằm liệt giường mà phải nhìn đàn con dại không ai chăm sóc, chắc đau lòng lắm!”. Lại lấy cái lai quần chậm nước mắt, mẹ nói tiếp: “Cho con gái đi lấy chồng xa là mẹ đứt cả núm ruột nhưng yên dạ phần nào vì con rể là đứa tảo tần, biết sống. Đám cưới các con vì sức khỏe mẹ không vào được, thôi thì có chút tiền gọi là cho con gái đi lấy chồng. Hãy cầm lấy cho mẹ yên lòng…”. Hai đứa tôi không thể ngờ, cái định kiến sâu thẳm trong lòng mẹ vì thương con mà được khỏa lấp nhanh đến thế. Lại còn tiền đâu mà mẹ có nữa chứ? Đang phân vân thì đứa em gái đứng ngoài nói chen vào: “U vừa bán lợn đấy”. Tôi tức tốc chạy ra chuồng lợn thì hỡi ơi con lợn đang sức ăn sức lớn, là món tài sản duy nhất để cứu đói cho gia đình đã không còn!

“Con đến đất khách quê người nhớ giữ gìn sức khỏe mà còn có ngày về thăm mẹ nghe…”. Vẳng bên tai tiếng mẹ thì thầm, nước mắt tôi cứ thế trào ra ào ạt.

Bút ký của ĐẶNG THÚY NGẦN

Theo Pháp Luật TP.HCM

Ad will display in 09 seconds

Người xưa đối đãi thế nào với rượu

Ad will display in 09 seconds

Trải nghiệm cận tử của một thanh niên Mỹ

Ad will display in 09 seconds

Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

Ad will display in 09 seconds

Ác nghiệp khi phá thai, xem xong đừng khóc!

Ad will display in 09 seconds

Hé lộ một nửa sự thật về vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản

Ad will display in 09 seconds

Kiếp trước Đức Phật là ai?

Ad will display in 09 seconds

Bài phát biểu của TT Trump trước toàn thể người dân Mỹ từ Nhà Trắng ngày 8/1/2019

Ad will display in 09 seconds

Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

Ad will display in 09 seconds

Lời tiên tri 1000 năm đã thành sự thật

Ad will display in 09 seconds

Kẻ xấu xí vì sao đắc quả La Hán?

  • Người xưa đối đãi thế nào với rượu

    Người xưa đối đãi thế nào với rượu

  • Trải nghiệm cận tử của một thanh niên Mỹ

    Trải nghiệm cận tử của một thanh niên Mỹ

  • Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

    Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

  • Ác nghiệp khi phá thai, xem xong đừng khóc!

    Ác nghiệp khi phá thai, xem xong đừng khóc!

  • Hé lộ một nửa sự thật về vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản

    Hé lộ một nửa sự thật về vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản

  • Kiếp trước Đức Phật là ai?

    Kiếp trước Đức Phật là ai?

  • Bài phát biểu của TT Trump trước toàn thể người dân Mỹ từ Nhà Trắng ngày 8/1/2019

    Bài phát biểu của TT Trump trước toàn thể người dân Mỹ từ Nhà Trắng ngày 8/1/2019

  • Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

    Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

  • Lời tiên tri 1000 năm đã thành sự thật

    Lời tiên tri 1000 năm đã thành sự thật

  • Kẻ xấu xí vì sao đắc quả La Hán?

    Kẻ xấu xí vì sao đắc quả La Hán?