Làn sóng thanh trừ các lãnh đạo nhà tù: Là ngẫu nhiên hay báo ứng?
Dưới sự hậu thuẫn của chính quyền, nhà tù của ĐCSTQ nổi tiếng với những màn tra tấn khắc nghiệt và tàn bạo. Nhưng có lẽ việc ác không thế cứ mãi tiếp diễn, thời gian gần đây ĐCSTQ đang ráo riết trừng phạt các lãnh đạo nhà tù ở nhiều nơi.
Làn sóng thanh trừ các lãnh đạo nhà tù
Trong thời gian gần đây, các trưởng nhà tù ở nhiều nơi Trung Quốc lần lượt bị điều tra và sa thải.
Vào ngày 27/10/2021, Mã Lương – bí thư Đảng ủy kiêm trưởng nhà tù mới xây dựng ở tỉnh Hắc Long Giang, đã bị điều tra vì tình nghi “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật.”
Theo thông tin công khai, Mã Lương sinh tháng 4/1965, tại La Bắc, Hắc Long Giang. Kể từ tháng 12/2007 ông lần lượt đảm nhận các chức vụ ở Hắc Long Giang như Phó cai ngục, phó bí thư đảng, chính trị viên của nhà, giám đốc nhà tù, bí thư đảng ủy của nhà tù…
Gần đây, ĐCSTQ chính thức thông báo rằng các quan chức của hệ thống nhà tù đang bị điều tra bao gồm: Mã Lâm – cựu Cục trưởng quản lý nhà tù tỉnh Vân Nam; Dương Á Lợi – cựu bí thư đảng ủy kiêm trưởng nhà tù nữ thứ 3 tỉnh Vân Nam; Phạm Ngọc Tường – cựu trưởng nhà tù Hô Lan…
Trong số đó, Mã Lâm tuy đã nghỉ hưu vào tháng 8/2016 nhưng lại bất ngờ bị tuyên bố điều tra vào ngày 25/10/2021. Mã Lâm sinh tháng 7/1956 tại Tẩm Thuỷ, Sơn Tây, từng đảm nhiệm các chức vụ khác nhau ở tỉnh Vân Nam như: Bí thư Huyện ủy, Chính ủy Cục quản lý nhà tù, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng nhà tù…
Dương Á Lợi đã bị thông báo điều tra vào tối ngày 19/10. Dương đã công tác trong hệ thống nhà tù Vân Nam hơn 30 năm và từng là bí thư chi bộ kiêm Trưởng Nhà tù nữ số 1 ở tỉnh Vân Nam. Sau đó, bị chuyển đến Nhà tù Nữ số 3 ở tỉnh Vân Nam với tư cách là Bí thư Đảng ủy kiêm trưởng nhà tù.
Phạm Ngọc Tường bị thông báo điều tra vào ngày 15/10/2021. Ông sinh tháng 7/1963 tại Giai Mộc Tư, Hắc Long Giang. Từng làm việc trong nhiều nhà tù ở Hắc Long Giang, và đảm nhiệm các chức vụ như: giám thị nhà tù số 8 ở Liên Giang Khẩu, phó trưởng nhà tù Hương Lan, phó trưởng nhà tù Hoa Sơn, quản giáo nhà tù Hoa Sơn, quản giáo nhà tù Bắc An, bí thư đảng uỷ và trưởng nhà tù Hô Lan…
Trước đó vào tháng 4 năm nay, Dư Thế Quốc – cựu trưởng nhà tù Vân Nam, Kiến Thuỷ; Cảnh Quân Hoa – cựu giám thị của nhà tù Sở Hùng, và Vương Xuân Hoa – cựu trưởng nhà tù Vân Nam Tiểu Long Đàm, lần lượt bị cách chức.
Chính quyền Bắc Kinh trong thời gian qua không ngừng gia tăng nỗ lực chỉnh đốn hệ thống chính trị và luật pháp. Cụ thể ĐCSTQ đã thông báo vào cuối tháng 8/2021 rằng, đợt giáo dục và chấn chỉnh đội ngũ chính trị và pháp luật đầu tiên sẽ nhằm vào hệ thống cấp cơ sở. Từ tháng 2 đến cuối tháng 7, gần 180.000 cảnh sát đã bị trừng phạt và xử lý vì vi phạm kỷ luật, pháp luật.
Đợt thanh trừng thứ hai bắt đầu từ giữa tháng 8 cho đến giữa tháng 11. Mục tiêu nhắm vào là các cơ quan cấp trung ương và tỉnh, đây là điềm báo trước cho nhiều quan chức chính trị và luật pháp sắp bị xử lý.
Ngày 11/9, kênh thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin, hiện tại có tất cả 16 đội giám sát trung ương và họ đã thiết lập các hộp thư phản ánh đặc biệt tại 31 tỉnh (quận và thành phố) để tiếp nhận các báo cáo từ quần chúng.
Quả báo dưới hình thức đấu đá nội bộ?
Về động thái này của Bắc Kinh, Yokogawa – Nhà bình luận các vấn đề thời sự phân tích rằng hệ thống chính trị và luật pháp của chính quyền này đã bức hại rất nhiều dân chúng. Đó là công cụ để ĐCSTQ duy trì sự cai trị đồng thời đàn áp người dân. Và hiện nay hệ thống này đang được thanh lý vì đấu đá nội bộ. Cuộc tranh giành quyền lực trong ĐCSTQ chưa bao giờ ngừng, và bây giờ càng khốc liệt hơn.
Yokogawa nói: “Vấn đề liên quan trực tiếp đến Giang Trạch Dân chính là hệ thống chính trị và luật pháp… Kể từ khi Tập đoàn của Giang phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, hệ thống chính trị và luật pháp đã được hưởng một số đặc quyền. Do đó, sự hủ bại và tha hóa của nó là đặc biệt nghiêm trọng.”
Theo một báo cáo khác, kể từ khi cựu lãnh đạo của ĐCSTQ – Giang Trạch Dân đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7/1999, hệ thống tư pháp đã trở thành tay chân đắc lực của ĐCSTQ để bức hại Pháp Luân Công. Nhiều học viên bị giam giữ bất hợp pháp trong các nhà tù và trại lao động, chịu đủ loại cực hình, tra tấn vô cùng bi thảm khiến tinh thần và thể chất bị hủy hoại.
Minh Huệ Net từng nhận xét rằng, với tư cách là Cục trưởng quản lý nhà tù hoặc giám đốc sở tư pháp, khi các nhà tù dưới quyền của họ sử dụng bạo lực và cực hình để tra tấn đến chết các tù nhân lương tâm hoặc học viên Pháp Luân Công, thì những người quản lý nhà tù không thể chối từ trách nhiệm cho những tội lỗi đó.
Do đó đây rất có thể là quả báo cho những tội án mà họ đã gây ra trong thời gian công tác tại nhà tù, chỉ bất quá là nó biểu hiện dưới danh nghĩa đấu đá tranh giành nội bộ.
Tội ác trong các nhà tù đen của ĐCSTQ
Theo trang Minh Huệ Net, ở Trung Quốc đại lục người nào bị bắt với bất cứ lý do gì, thì đều có nguy cơ bị tra tấn, nhưng học viên Pháp Luân Công – những người bị tuyên bố là kẻ thù của chính quyền – lại là nhóm có nguy cơ bị tra tấn cao nhất. Khi Giang Trạch Dân đưa ra chỉ thị khét tiếng của mình: “Đánh học viên Pháp Luân Công đến chết không tính là tội. Nếu một học viên Pháp Luân Công bị đánh đến chết, sẽ được tính là tự sát.” – công an cũng biết họ cần phải làm như vậy.
Các hình thức tra tấn trong ngục bao gồm: đánh đập, đốt da thịt bằng tàn thuốc lá hay bật lửa, còng tay theo những tư thế gây đau đớn, chọc vật nhọn vào đầu ngón tay, dội nước lạnh vào mùa đông, sốc điện, bức thực, tiêm thuốc không rõ nguồn gốc, trói nạn nhân trong các tư thế hà khắc, câu kết với bệnh viện buôn bán nội tạng tù nhân…
Sau đây là lời kể của một số người trong cuộc:
Bà Lưu Duyên Tuấn – một học viên Pháp Luân Công ở Đông Cảng bị bắt giữ và bị đưa đến một khách sạn. Các công an ở đây đẩy bà ngã xuống đất. Một người nhảy lên kéo hai tay bà ra sau lưng và còng tay bà trong vị trí đau đớn đó, khiến xương của bà phát ra âm thanh như nứt gãy. Bà liệt một phần do bị tra tấn theo cách này và phải đến nửa năm sau mới hồi phục. Thông thường một người nếu tra tấn bằng cách này trong vài phút sẽ có thể khiến tay bị tàn phế mãi mãi.
Ông Tề Kế Khang bị cảnh sát tra tấn bằng cách chọc kim nhọn vào các đầu ngón tay. Trong khi một người khác là ông Lý Tân Lương bị ném vào một chậu nước lạnh trong vài giờ. Sau đó ông bị lôi ra để tra tấn tiếp và lại bị ném vào chậu. Việc này cứ lập lại suốt cả đêm.
Ông Vương Cường đã bị đánh đập đến khi cả hai đùi sưng phồng. Khi ông tuyệt thực để phản đối thì công an đã dùng kìm cạy hàm ông, khiến miệng ông chảy máu.
Biết rằng các học viên Pháp Luân Công không hút thuốc, công an một số nhà tù liền nghĩ ra thủ đoạn nhét thuốc lá đang cháy vào mũi của học viên. Điều này sẽ khiến cho chất lỏng màu xanh chảy ra từ mũi của nạn nhân và gây nôn. Ông Lang Khánh Thịnh đã bị tra tấn cách này trong nhiều giờ.
Theo báo cáo từ trang trang web “Các trường hợp học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết” của Minh Huệ Net thì hiện tại có 4.697 học viên đã bị ĐCSTQ bức hại đến chết. Nhưng đây chỉ là con số ít ỏi mà Minh Huệ Net thu thập được, thực tế có lẽ còn nhiều hơn đây rất nhiều lần.
Minh Tâm (t/h)