Lại bàn về điển tích “Tọa hoài bất loạn”
Liễu Hạ Huệ, họ Triển, tên Hoạch, chữ là Tử Cầm, vùng thực ấp của ông tên là Liễu Hạ, thụy hiệu là Huệ, vì thế mà đời sau gọi là Liễu Hạ Huệ. Liễu Hạ Huệ là danh sĩ thời xưa, nổi tiếng liêm khiết, nhưng bị đố kị nên từ quan. Điển tích “tọa hoài bất loạn” khá quen thuộc, nội dung đại khái như sau:
Hồi đó ông Liễu Hạ Huệ còn làm quan nhỏ, một đêm đi về gặp mưa lớn bèn trú tạm ở quách môn (chòi ngoài cổng thành). Bỗng có tiếng gọi cửa, thì ra một người đàn bà gặp mưa cũng xin trú nhờ. Người đàn bà đó lạnh quá, Liễu Hạ Huệ bèn ôm vào trong lòng, còn dùng áo của mình khoác cho người ta, ngồi hết đêm không xảy ra chuyện nam nữ gì thái quá. Người đời sau xưng tụng đức hạnh Liễu Hạ Huệ, gọi là “tọa hoài bất loạn” (có đàn bà ngồi trong lòng mà tâm không loạn).
Tất nhiên ông Liễu Hạ Huệ là danh sĩ, làm quan rất thanh liêm, mà ắt là bực quân tử, người người đều ca ngợi. Nhưng “tọa hoài bất loạn” thực chất là gì? Ở câu chuyện ngàn đời nay vẫn truyền tụng ấy, ta thấy có mấy điều sau:
– Người đàn bà ấy không tình nguyện ngồi vào lòng ông Liễu Hạ Huệ, nên cũng không có hành động khiêu khích nào.
– Sách cổ cũng không thấy nói người đàn bà đó đẹp hay xấu, tình trạng hôn nhân ra sao.
– Ông Liễu Hạ Huệ đã xác định trước là mình ôm người ta chỉ để ủ ấm cho người ta, ngay từ đầu đã không có ý gì khác.
Nói tóm lại, một nam một nữ không quen biết nhau, không có ai khiêu khích ai, cũng chẳng có ý gì với nhau, thì chuyện “tọa hoài bất loạn” không phải là chuyện gì khó khăn. Nay giả sử ông Liễu Hạ Huệ gặp trường hợp khác, rằng là một người đàn bà trẻ đẹp, da trắng như ngọc, dáng vẻ yêu kiều, ngồi vào lòng ông xong rồi có hành động cố tình khêu gợi khiêu khích, khi đó liệu có “tọa hoài bất loạn” nữa chăng?
Giả sử Liễu Hạ Huệ có một mục tiêu kiên định trong tâm làm chính nhân quân tử, thì dù là Tây Thi, Thúy Kiều hay Angelia Jolie chăng nữa cũng có thể “tọa hoài bất loạn”.
Những việc này, ngày nay không thực hiện dễ dàng gì.
Bruce Phan, theo Mặc Nhiên Đường