Khu di tích cổ Wari – Chứng tích của một nền công nghệ tiên tiến thời cổ đại
Tại thành phố cổ Wari, người ta đã tìm thấy rất nhiều phiến đá có những đặc điểm cực kỳ lạ lùng như được cắt gọt một cách chính xác, hay có những lỗ khoan hoàn hảo mà dường như chỉ máy móc hiện đại mới có thể làm được. Nhiều người nhận định rằng đây chính là chứng tích của một nền công nghệ tiên tiến cổ xưa đã bị mất tích.
Tọa lạc gần Quinua, một thị trấn nhỏ thuộc vùng Ayacucho, Peru, ở độ cao gần 3 km so với mực nước biển là những tàn tích của thành Wari cổ, thủ phủ của đế chế Wari (Huari) trị vì vùng đất này khoảng năm 500 – 1000 SCN.
Wari cổ – còn được gọi là Huari – là một trong những nền văn minh Andes phát triển rực rỡ ở trung tâm dãy núi Andes.
Thành phố lớn nhất và nổi bật nhất của nền văn minh này là Wari, nằm cách thành phố Ayacucho, Peru ngày nay 15 km về phía tây bắc.
Thành phố này từng là trung tâm của một đế chế bao trùm phần lớn dãy núi Andes và bờ biển Peru hiện tại. Đế chế Wari đã xây dựng nên các trung tâm kiến trúc đặc biệt ở nhiều khu vực như Cajamarquilla hay Piquillacta.
Theo các chuyên gia, nền văn minh Wari cùng với đế chế Inca được coi là một số trong những “nền văn minh hoàng gia” vĩ đại nhất xuất hiện ở Nam bán cầu.
Thủ phủ của họ – ngày nay chỉ còn lại những tàn tích – là chứng tích của một thành phố có tổ chức cao với các khu dân cư, hành chính, và tôn giáo quy mô.
Điều kỳ lạ là, giống như nhiều khu vực khác trong vùng, khu tàn tích của thành Wari có rất nhiều phiến đá lạ thường mà theo nhiều học giả chính là bằng chứng của một nền văn minh tiên tiến từng tồn tại ở đây. Vậy những tàn tích này thuộc về nền văn minh Wari? Hay chúng có niên đại trước nền văn minh thời đại đồ đồng?
Nếu những phiến đá đồ sộ với những đặc điểm kỳ lạ đó được người Wari cổ làm ra, thì câu hỏi lớn ở đây là họ đã làm bằng cách nào?
Loại công nghệ nào có thể giúp họ chế tác trên những vật liệu cứng nhất Trái đất từ hàng ngàn năm về trước?
Điều đặc biệt là các khối đá tìm thấy tại khu phế tích Wari cũng có đặc điểm lạ thường giống như các khối đá tại các di chỉ cổ xưa khác ở châu Mỹ. Các đồ tạo tác bằng đá tương tự có thể được tìm thấy tại Puma Punku, Ollantaytambo, Tiahuanaco và thậm chí ở Ai Cập cổ đại.
Làm thế nào mà các di chỉ nằm cách nhau hàng ngàn kilomet lại xuất hiện những đường rãnh, cũng như các phiến đá tương tự với những vết cắt chính xác đến vậy?
Theo nhận định của tác giả và nhà nghiên cứu Brien Foerster, một số tảng đá tìm thấy tại khu tàn tích Wari là “những ví dụ nguyên vẹn có thể là của hàng trăm ống dẫn cực kỳ quy mô”.
Các quan chức địa phương cũng không có bình luận gì khi được hỏi về quy trình sản xuất của các phiến đá này, chúng đã được chế tạo như thế nào, mục đích tạo ra để làm gì, hay ai đã tạo ra chúng, và liệu đây là nền văn minh thời kỳ đồ đồng hay một nền văn minh khác có niên đại từ trước Wari.
Nền văn minh Wari bắt đầu suy thoái vào khoảng năm 800 SCN sau hàng thế kỷ hứng chịu thời tiết hạn hán. Các nhà khảo cổ xác định được rằng thành phố Wari đã bị suy giảm dân số đáng kể vào năm 1000 SCN.
Dưới đây là một số hình ảnh khác về nền văn minh Wari:
Hồng Liên biên dịch