“Không hát Quốc ca là không coi trọng Tổ quốc”
Hát Quốc ca không chỉ là tuân theo quy định của nhà nước mà quan trọng hơn, đó là sự thể hiện tình yêu và sự tôn trọng đối với Tổ quốc mình.
Tiến sĩ Vũ Thế Long (nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Con người và Môi trường, Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho rằng, hát Quốc ca là “thể hiện sự tôn trọng Tổ quốc”. Tiến sĩ Vũ Thế Long cho biết: “Khi đến trường, tất cả các học sinh đều phải thuộc bài Quốc ca của nước mình. Ngay cả Quốc hội cũng vậy. Chuyện này ông Dương Trung Quốc cũng đã đề nghị là khi vào họp Quốc hội thì mọi người phải đứng lên và hát Quốc ca, đã có từ lâu rồi. Hay như nguyên thủ các nước mà chúng ta thường thấy trong các lễ đón tiếp, họ cũng hát Quốc ca đấy chứ, đó là sự thể hiện sự trân trọng, tự hào về đất nước, dân tộc, Tổ quốc mình”. Theo Tiến sĩ Vũ Thế Long, hát Quốc ca không chỉ bó hẹp trong phạm vi một đất nước mà nó gần như là nghi thức mẫu số chung “mang tính toàn cầu”. “Hát Quốc ca đã là nghi thức mang tính toàn cầu rồi. Bất cứ quốc gia nào, nền văn minh nào cũng đều có nghi thức này. Cho nên không thể coi thường được. Anh hát hay hay không hay không thành vấn đề. Nhưng mà anh phải hát sao cho đúng lời, khi hát cũng là khi sẽ nhắc nhở anh là con dân của một đất nước, một Tổ quốc có chủ quyền. Xét trên khía cạnh nào đó, hát Quốc ca cũng là một nghi lễ cần thiết với đời sống con người”, Tiến sĩ Vũ Thế Long phân tích.
Về quy định hát Quốc ca, Tiến sĩ Vũ Thế Long cho rằng là cần thiết, nhưng “giáo dục để mỗi công dân tự ý thức sẽ tốt hơn”. Tiến sĩ Vũ Thế Long cho rằng: “Từ xưa đến nay không ai nghĩ cái gì cũng phải có luật. Bởi anh đã là một công dân thì anh phải biết tôn trọng Tổ quốc mình. Việc anh hát Quốc ca là anh thể hiện lòng tự hào dân tộc, mà cái đó là anh phải giáo dục từ khi còn là đứa trẻ mới đến trường và sau này khi đã trở thành một công dân thì mọi người đều phải thấy đó là niềm tự hào, vinh dự. Đứng nghiêm, hát Quốc ca và nhìn vào lá cờ Tổ quốc là hành vi của một người yêu nước, dù rất là bình thường thôi. Đó là đạo đức, là tư cách công dân. Còn anh nào mà không thể hiện cái ấy thì cần phải lên án. Tất nhiên, kiểm soát việc này sẽ rất khó, nhất là khi cứ vin vào luật để kiểm soát thì lại càng khó”. “Hát hay không hát đó là do ý thức công dân của mỗi người. Không hát Quốc ca là không coi trọng Tổ quốc, cũng như bố mẹ anh, anh đã không coi trọng. Thế thì anh không còn xứng đáng là một người công dân bình thường nữa”, Tiến sĩ Vũ Thế Long nói. Tiến sĩ Vũ Thế Long cũng cho rằng: “Tôi nghĩ không phải cứ cái gì cũng đem thủ tục hành chính ra lệnh, rồi kiểm soát theo lệnh là được. Mà cái này là phải dựa vào sức mạnh của cộng đồng xã hội, ý thức của cả xã hội. Cũng giống như lá cờ Tổ quốc ấy, ai có hành vi xâm phạm, phỉ báng lá cờ Tổ quốc thì cũng coi như là phạm tội, bị lên án”. ĐBQH Lê Như Tiến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho biết: “Hát Quốc ca đâu chỉ là tuân theo các quy định của nhà nước, mà quan trọng hơn, đó còn là sự thể hiện tình yêu, sự tôn trọng đối với Tổ quốc mình”. “Tại sao Tổ quốc mình mà anh lại không tôn trọng?” – ông Tiến đặt câu hỏi. Ông Tiến cũng cho rằng đó là “việc nhỏ” nhưng mà “không hề nhỏ”. “Nó liên quan đến hành vi, ý thức, nhận thức của một công dân đối với đất nước. Nó không phải là việc nhỏ. Tất cả các nước trên thế giới họ đều hát Quốc ca, đó là nghi thức, nhưng cũng là sự thể hiện tình yêu Tổ quốc của họ đấy chứ”, ông Tiến nói. H.Sơn |
Theo Infonet