Khi tà giáo hoành hành, làm thế nào để không đánh đồng mà bài xích chính giáo?
Trước họa loạn ngụy tôn giáo lừa đảo, người dân đã hình thành tư duy bài xích đối với tôn giáo và những môn thực hành tâm linh, tín ngưỡng nói chung. Điều này vô tình lại dẫn chúng ta tới một thái cực vô minh khác cũng nguy hiểm không kém.
Xã hội càng phát triển thì càng phức tạp. Phức tạp bởi chính khi tưởng rằng phát triển lên, con người lại càng xa rời tín ngưỡng chân chính. Và khi đã xa rời, họ không còn phân biệt được chính tà. Vô minh khiến người ta hình thành tư thế bảo thân, tránh xa, thậm chí ruồng rẫy cả những giá trị tốt đẹp.
Lý của đất trời là có tốt thì có xấu, có chính thì có phản, thời nào cũng có những thứ tà giáo lôi kéo con người ta. Cũng bởi chính lý càng tốt đẹp, càng mạnh mẽ thì những thứ ăn theo, phá hoại, làm nhiễu loạn việc lựa chọn của con người càng nhiều và càng tinh vi.
Nhiều gia đình đã tan nát vì có người thân đi theo tà giáo. Những thanh niên tương lai đầy rộng mở đã vội khép lại. Những người mẹ trẻ bỏ chồng, tha con đi truyền đạo kiếm tiền. Trước họa loạn ngụy tôn giáo lừa đảo, người dân đề cao cảnh giác, khước từ mọi lời mà họ cho là lôi kéo, truyền giáo. Người ta hình thành tư duy bài xích đối với tôn giáo và những môn thực hành tâm linh, tín ngưỡng nói chung, vô hình chung trở thành người vô Thần, vô Đạo.
Nhưng đó lại là cách làm quá triệt để và thiếu suy xét. Bởi khi xa rời, phản đối cả những chính lý thiện lương, tốt đẹp, trở thành kẻ vô Đạo, cũng có nghĩa là có nguy cơ trở thành người không có đạo đức. Hay ít nhất cũng đã bỏ qua tấm lòng chân thành đầy từ bi mà ta hữu duyên gặp trên đường đời. Hoặc kinh khủng hơn, là bạn đã vô tình đứng về phía cái ác bằng sự lặng im và hoài nghi của mình.
Vô Đạo và vô đạo đức
Có câu chuyện được lưu truyền trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại rằng, khi người Việt sang Iraq lao động, người Iraq hỏi bạn theo đạo nào, nghe câu trả lời là “Không”, thế là họ tản ra không muốn quan hệ, vì họ e ngại vô Đạo thì cũng chính là vô đạo đức.
Ông Will Gervais, từ Đại học Kentucky, đã chia sẻ kết quả một nghiên cứu của mình với báo The Times. Nó cho thấy, người vô Thần là những người mà dân Mỹ không muốn bỏ phiếu bầu làm tổng thống nhất.
Nghiên cứu này không chỉ thực hiện ở Mỹ mà đã khảo sát hơn 3.000 người từ 13 quốc gia. Ông Will Gervais nói: “Mọi người dường như cho rằng tôn giáo là yếu tố tất yếu của đạo đức. Và không có tôn giáo, mọi người sẽ hành xử hoang dã vì không có ai yêu cầu họ phải trung thực. Tại sao họ không nên nói dối, ăn cắp và hãm hiếp?”.
Trong tiểu thuyết “Anh em nhà Karamazov”, nhà văn Dostoevsky có viết, vì không có đức tin nên những người vô Thần coi “mọi điều đều hợp pháp”. Vì vậy những người vô Thần có thể làm bất cứ điều gì mà không sợ hãi, kể cả tội ác.
Thế nhưng để bảo vệ nhân dân trước tà giáo hoặc nhằm mục đích chính trị, bảo vệ quyền lực của giới thống trị, nhiều nhà nước từ cổ đại tới hiện đại đã thực hành việc đàn áp tôn giáo hoặc vu oan, tuyên truyền một chiều sai lệch các chính giáo và tín ngưỡng Thiện lương. Thậm chí đánh đồng chính giáo và tà giáo để người dân có góc nhìn không thiện cảm.
Người dân hình thành tâm lý đề phòng mà quy chụp mọi loại tôn giáo, tín ngưỡng thành thứ đồ mê tín, u muội. Nhưng như thế, vô tình, họ đang biến mình thành người vô Đạo, vô Thần. Vô Đạo đã là thiếu đi sợi dây ước thúc đạo đức, mà còn phỉ báng hiểu sai chính Pháp, chính Đạo thì nguy hiểm hơn nữa. Họ đã phạm tội mất rồi. Họ đang khởi tác dụng ngăn cản những giáo lý tốt đẹp được truyền tải tới nhiều người hơn nữa. Chống lại cái thiện thì chính là cái ác. Chắc chẳng ai muốn trở thành người ác. Vậy làm thế nào phân biệt chính tà?
Khi được giới thiệu môn tập thực hành tâm linh: Làm thế nào để phân biệt chính tà?
Ngày nay đi trên đường, bạn có thể gặp rất nhiều những người đưa tờ rơi hoặc giới thiệu về các môn tập, thực hành tâm linh. Trong đó có những giá trị tốt đẹp mà cũng lẫn lộn cả những thứ đồ bã trấu bã cám chỉ nhăm nhe lôi kéo, trục lợi càng nhiều càng tốt.
Bạn có thể thấy khá phiền nhiễu và cảm thấy khó hiểu. Biết là cái này tốt, cái kia tốt, nhưng các vị cứ tập, cứ thực hành, tại sao phải bỏ công sức, thời gian để đi làm cái việc này?
Nhưng đó đều xuất phát từ tấm lòng thiện lương của họ. Tất cả các chính pháp, chính giáo đều đưa cho con người một con đường tự giúp bản thân. Nhưng là người thực hành tín ngưỡng đã thu được quá nhiều lợi ích từ đó, họ hiểu rằng điều tuyệt vời mình có được cần được lan truyền cho người khác. Hưởng lợi ích một mình là ích kỷ và không đúng với những giáo lý thiện lương luôn hướng tới sự vị tha, vô ngã.
Những người hữu Thần luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác và khi được hỏi về sự đền đáp, họ chẳng yêu cầu gì ngoài việc hãy lan truyền lòng tốt.
Có câu chuyện rằng, hai vợ chồng già Việt kiều được một người Mỹ giúp thay chiếc lốp xe giữa trời nắng nóng, trên cung đường vắng vẻ, mồ hôi nhễ nhại mà không hề nề hà. Lúc sửa lốp xong bà nói: “Lời cảm ơn của tôi có lẽ không đủ để đáp lại lòng tốt của ông. Tôi biết làm gì cho xứng đây?”.
Người đàn ông Mỹ cười và nói: “Chị hãy giúp đỡ những người khác như tôi đã giúp chị hôm nay. Đó là cách cảm ơn tôi tốt nhất”. Những lời nói của người đàn ông này in đậm trong tâm trí của bà và đã thôi thúc bà không ngừng làm việc thiện.
Đó chính là tư duy của những người đã được hưởng lợi từ những giáo lý tốt đẹp của các chính giáo. Họ thật tâm muốn bạn biết thêm về những lợi ích mà họ đã thọ ích, muốn lan truyền cái tốt, bởi đó là cách hữu ích nhất để giúp đỡ cộng đồng. Thế nên những chính Đạo giúp con người càng có nhiều lợi ích, thì những người tin tưởng sẽ càng muốn chia sẻ để nhiều người biết hơn.
Và tất nhiên họ làm không vì tư lợi hay nâng cao sức mạnh tập thể của mình. Nên điều phân biệt rõ ràng nhất là họ không có đòi hỏi, yêu cầu ràng buộc nào từ bạn. Không thu hội phí, không có lớp học, không có nghi lễ phức tạp, không bắt bạn phải chống lại đời sống thế tục. Bởi quay trở lại thế tục, giúp đỡ người khác và cộng đồng là điều họ hướng tới.
Thế nhưng, tà giáo ăn theo hoặc tôn giáo giả hiệu thì hoàn toàn ngược lại. Họ là vì nhằm trục lợi, không phải cái lợi vật chất thì là cái lợi về quyền lực hoặc mưu đồ bất chính nào đó. Nên họ sẽ có những yêu cầu ràng buộc nhất định với các “tín đồ”.
Mọi chính đạo đều hình thành trên cơ sở và hướng tới sự thiện lương. Nếu họ yêu cầu bạn phải vi phạm cái thiện trong quan hệ đối xử với bất kỳ một ai, thì chắc chắn đó là tà giáo.
Mọi chính giáo, chính đạo đều chỉ cần bạn thực hành dựa trên sự giác ngộ. Nếu họ yêu cầu bạn phải tuyệt đối trung thành và nghe lời một đấng nào đó, và trừng phạt nếu bạn rời đi, thì chắc chắn đó không phải là chính giáo.
Mọi chính giáo, chính đạo đều là để hướng con người tới cái thiện, chỉ ra cho con người cách thức giải thoát thực sự và bến bờ hạnh phúc. Muốn vậy đều phải tu bỏ nhân tâm và dục vọng. Nào còn màng vật chất, quyền lực? Vậy nên nếu họ yêu cầu bạn nộp lệ phí, mua bán cái gì đó, thề nguyện trung thành gì đó thì đều là lý do bạn nên cân nhắc kỹ.
Vậy nên khi hữu duyên gặp được lời giới thiệu nào đó về các môn tập thực hành tâm linh, bạn đừng vội bài xích hay từ chối. Phân biệt rõ chính tà không hề khó, và dành một chút thời gian để trân trọng, cảm ơn ý muốn thiện lương của một ai đó đang có ý định giúp bạn là điều nên làm. Đó là ứng xử văn minh tối thiểu của con người có hàm dưỡng.
Hơn thế nữa, đôi khi những gì họ mang tới cho bạn không chỉ là một lời giới thiệu về những giá trị và lợi ích tốt đẹp, mà nó còn mang trong đó lời kêu cứu trước những tội ác dã man.
Vô tình đứng về phía cái ác
Thời xưa khi chính giáo bị đàn áp và vu oan, họ chỉ có thể kêu cứu trong yếu ớt bởi sức mạnh độc quyền của tầng lớp cai trị. Nhưng ngày nay, họ hiểu rằng truyền thông và người dân chính là lực lượng hùng mạnh có thể đứng về phía chính lý một khi đã minh bạch. Giúp người khác nhận thức về tội ác cũng chính là giúp họ tạo dựng công đức của mình khi bảo vệ và lan truyền cái tốt.
Nên việc nói cho bạn rõ về một tội ác đàn áp tín ngưỡng nào đó lại chính là mong mỏi giúp bạn làm điều tốt của những người thực hành sự vô tư, vô ngã.
Tất cả những điều mà người tu tập theo chính pháp làm cuối cùng đều là vì lợi ích của người khác, của bạn, của những người đang đau khổ vì bị vu oan và bức hại đâu đó trên thế giới, vì tương lai nhân loại hướng thiện và đại đồng.
Như Hoàng đế Napoleon Bonaparte từng nói: “Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt”.
Hay như câu nói nổi tiếng của mục sư, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi Martin Luther King: “Cuộc đời của chúng ta bắt đầu kết thúc khi chúng ta im lặng về những điều lẽ ra phải lên tiếng”.
Nhà báo Hoàng Anh Tú (người nổi tiếng với biệt danh anh Chánh Văn ở tờ Hoa học trò) cũng nhận ra quy luật của cuộc sống rằng: “Khi bạn thờ ơ và lặng im trước cái xấu thì bạn cũng sẽ nhận lại sự thờ ơ và lặng im khi bị cái xấu tấn công”.
Thế nên khi gặp được một lời thỉnh nguyện từ những người đang thực hành tín ngưỡng bị đàn áp và vu oan, bạn hãy thanh tỉnh suy nghĩ, phân biệt rõ chính tà, góp một chút sức nhỏ bằng sự đồng ý hay ủng hộ họ.
Việc đánh đồng tất cả các loại đạo, giáo, tín ngưỡng là mê muội, không phân nổi đúng sai, có thể khiến bạn vô tình đứng về phía tà ác. Ngăn chặn cái tốt lan rộng, cổ vũ việc bài xích những giá trị thiện lành – Đó là sự vô minh đáng thương nhưng cũng đáng trách. Là sự vô tình đến nhẫn tâm. Là sự u muội thực sự khi nghe theo những bịa đặt vu khống mà quy kết người khác là u muội.
Và cuối cùng, bạn biết không? Con người mọi thời đại đều phải có triết lý tâm linh làm “sợi chỉ buộc chân voi” và làm ngọn đèn soi rọi hành trang cuộc đời. Nếu không, chẳng có gì ước thúc dục vọng, chẳng có niềm tin sống hướng thiện, đó là sự kết thúc của nhân loại dù có phát triển đến đâu.
Thuần Dương