Gà chết vứt dọc ven biển Nghệ An dương tính với virus cúm H5N6 nguy hiểm, có thể lây sang người
Hàng chục bao tải đựng xác gà chết đã bị phân hủy nặng, bốc mùi hôi thối được người dân phát hiện vứt rải rác dọc bờ biển ở huyện Diễn Châu (Nghệ An).
Báo Nghệ An sáng ngày 8/12 dẫn thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, mẫu bệnh phẩm gà chết bị vứt tại ven biển xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu trong ngày 5/12 có kết quả dương tính với virus gây dịch cúm gia cầm H5N6.
Đây là ổ dịch đầu tiên xuất hiện trên địa bàn huyện Diễn Châu trong năm nay (2020).
Hiện lực lượng chức năng xã Diễn Trung đã tiến hành khoanh vùng, dập dịch, các trang trại trên địa bàn xã cũng chủ động các biện pháp phòng dịch, hạn chế lây lan.
Trước đó, trao đổi với Tiền Phong vào ngày 7/12, ông Lê Thế Hiếu, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu cho biết, trong ngày 4 và 5/12, dọc bờ biển kéo dài từ xóm 1 đến xóm 4 (thuộc xã Diễn Trung) đã xuất hiện hàng chục bao tải đựng gà chết được vứt rải rác.
Để tránh lây lan dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường biển, lực lượng chức năng của xã Diễn Trung đã tiến hành thu gom, đào hố tiêu hủy. Theo kiểm đếm ban đầu, có khoảng 28 bao tải đựng gà chết, mỗi bao nặng khoảng 25kg. Tổng trọng lượng khoảng 700kg.
Được biết, trước huyện Diễn Châu, trên địa bàn các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành cũng đã xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N6 khiến các địa phương phải tiêu hủy lượng lớn gia cầm nhiễm bệnh.
Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), virus cúm A/H5N6 được phát hiện tại Việt Nam từ năm 2014, hằng năm các chủng virus này vẫn gây ra các ổ dịch trên đàn gia cầm của 1 – 2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa tiêm phòng vắc xin nhưng được kiểm soát tốt, không để lây lan trên diện rộng.
Virus cúm A/H5N6 này là chủng virus có khả năng lây lan sang người, vì vậy, đối với người nuôi, khi tiếp xúc với gia cầm phải có những trang thiết bị bảo hộ cần thiết như: Khẩu trang, găng tay, ủng chân…
Trước và sau khi vào chuồng trại, khu vực chăn nuôi, người nuôi phải vệ sinh chân tay bằng xà phòng. Các dụng cụ bảo hộ nên khử trùng bằng thuốc sát trùng. Đối với lực lượng chức năng khi tham gia chống dịch, cần chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ các trang thiết bị để phục vụ cho cán bộ tham gia kiểm tra.
Hiện nay với tổng đàn gia cầm cả nước rất lớn, nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội cao, trong điều kiện thời tiết mưa, ẩm ướt và tỷ lệ tiêm vắc xin trên đàn gia cầm ở các địa phương đạt thấp, đặc biệt ở nhóm chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ thì nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Vũ Tuấn (t/h)