Đối thoại Shangri-La 2015: Cuộc khẩu chiến Biển Đông
Những diễn biến mới nhất xung quanh tình hình Biển Đông sẽ khiến Đối thoại Shangri-La (SLD) khai mạc tối nay 29.5 tại Singapore nóng bỏng chưa từng thấy.
Diễn đàn an ninh châu Á – Thái Bình Dương thường niên do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Anh) tổ chức từ nhiều năm qua đã trở thành sự kiện quốc phòng quan trọng của khu vực. Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 năm nay, mọi chuyên gia đều dự liệu một cuộc “khẩu chiến” gay cấn Mỹ – Trung khi mà Biển Đông đang có nguy cơ bị quân sự hóa. Tiếng chì, tiếng bấc choảng nhau
Trao đổi với Thanh Niên trước thềm khai mạc vào chiều qua 28.5, William Choong, chuyên gia an ninh châu Á – Thái Bình Dương của nhà tổ chức IISS nói rằng Đối thoại Shangri-La năm nay sẽ “nóng bỏng chưa từng thấy”. Ông Choong điểm lại một loạt động thái quân sự dồn dập trong những ngày qua từ nhiều phía, mà bắt đầu là việc đắp đảo nhân tạo và xây cất cơ sở quân sự trái phép của Trung Quốc trên 7 bãi đá ở Trường Sa.
Mỹ và cả thế giới đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc dừng ngay hoạt động này, nhưng chỉ nhận được một thái độ cứng rắn từ Bắc Kinh. Đáp lại, Lầu Năm Góc đã đưa máy bay do thám quân sự P-8 Poseidon quần thảo nơi Trung Quốc đang xây cất trái phép. Đặc biệt, máy bay quân sự này còn mang theo phóng viên Đài truyền hình CNN. Philippines cũng đã có hành động tương tự.
Mới nhất, vào ngày 26.5, Trung Quốc đã công bố Sách trắng quốc phòng với những lời lẽ chỉ trích nặng nề “một số quốc gia bên ngoài đang cấp tập lợi dụng quấy rối chuyện Biển Đông” và “một số nhỏ khác duy trì hành động do thám chống lại Trung Quốc”.
Phát biểu tại Trân Châu Cảng ngày 28.5 (giờ VN), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho hay tại Đối thoại Shangri-La, ông sẽ tuyên bố rõ lập trường 3 điểm của Mỹ.
Đó là, yêu cầu dừng ngay và vĩnh viễn hoạt động xây cất nhân tạo, phản đối việc quân sự hóa trên biển; khẳng định sẽ tiếp tục các chuyến bay tuần thám và triển khai tàu tuần tra ở những vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép; và cảnh báo Trung Quốc là họ đã đi quá xa các thông lệ và giao ước quốc tế, khiến các nước khác đã xích lại gần nhau.
“Các nước này càng ngày càng đòi hỏi sự can dự của Mỹ vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và chúng ta sẽ làm việc đó. Chúng ta sẽ tiếp tục là lực lượng an ninh chủ đạo của khu vực trong nhiều thập niên tới”, ông Carter tuyên bố trước các binh sĩ Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.
Trung Quốc cử phái đoàn hùng hậu
Theo lịch, ông Carter sẽ có bài phát biểu vào phiên toàn thể đầu tiên của Đối thoại Shangri-La vào sáng 30.5 về vai trò của Mỹ và các thách thức an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương. Một quan chức Bộ Quốc phòng Singapore không muốn nêu tên nhận định với Thanh Niên rằng, trong phát biểu tại Hawaii, ông Carter chưa đề cập đến những lời lẽ trong Sách trắng của Trung Quốc, mà sẽ “để dành” tới Đối thoại Shangri-La.
Về phía Trung Quốc, chuyên gia William Choong lưu ý Bắc Kinh lần này gửi đến Đối thoại Shangri-La một phái đoàn hùng hậu hơn mọi năm, với trưởng đoàn là Phó tổng tham mưu trưởng quân đội, Đô đốc Tôn Kiến Quốc. “Việc đưa một vị tướng cao cấp, lại chuyên về hải quân cho thấy Bắc Kinh đang rất chú trọng vấn đề an ninh biển”, ông Choong nhận xét. Ông Tôn sẽ phát biểu tại phiên toàn thể thứ 4 vào sáng 31.5. Quan chức Bộ Quốc phòng Singapore nói trên nhận định kịch bản ông Tôn “bỏ bài phát biểu chuẩn bị sẵn” để đổi giọng “lên lớp” Mỹ như năm 2014 có thể tái diễn và gay cấn hơn.
Trong khi đó, đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, dẫn đầu đã đến Singapore đêm qua. Mặc dù không tham gia phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần này, nhưng Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh sẽ có một lịch trình dày đặc với các cuộc gặp song phương.
Thục Minh |
Theo Thanh Niên