Độ lây truyền virus Corona có thể đạt mức siêu cấp
Tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã bộc phát kịch liệt, số ca tử vong đã tăng lên 362 người, số ca lây nhiễm ước tính là 2.829, số ca nghi nhiễm là 17.388, theo thống kê từ SCMP tính đến 11h ngày 3/2. Mức độ truyền nhiễm của virus ở mức báo động.
Vào ngày 25/1, chuyên gia dịch tễ của Đại học Harvard là Tiến sĩ Eric Feigl-Ding từng dẫn bài viết cho biết khả năng tiếp truyền của chủng virus corona mới là R0 3,8. Tuy nhiên cũng có những học giả nhận định khả năng tiếp truyền cơ bản của virus corona có thể đạt tới con số 5,47, mức độ lây truyền siêu cấp.
Xem video để biết thêm thông tin chi tiết:
Viêm phổi vì virus 2019-nCoV khác Sars thế nào?
Theo bài viết của Tiến sĩ Hoàng Kim Phúc (Y học Nhiệt đới) đăng trên BBC, người từng làm việc tại Đại học Oxford, mặc dù cả hai đều là virus corona (RNA Coronavirus) nhưng khả năng và tốc độ truyền bệnh rất khác nhau. Trong 9 tháng (2002-2003), Sars truyền hơn 8000 ca, trong khi chưa tới 2 tháng nCoV đã lây ra gần 6000 ca.
Bệnh nhân nCoV và SARS đều có khả năng tiếp truyền cho người khác ở một trung bình như nhau (R0, 2-5 người) nhưng với SARS, một số bệnh nhân có thể siêu truyền tới hàng chục người, trong khi đó nhiều bệnh nhân tiếp truyền thấp, thậm chí không truyền (R0<1), các dòng, nóng siêu truyền do đó bị nhận biết và khoanh vùng nhanh chóng, R0 trung bình vì vậy giảm xuống đáng kể.
Trong khi đó, các số liệu tới nay cho thấy nCoV có khả năng tiếp truyền khá đồng đều từ mỗi bệnh nhân và đặc biệt giống như cúm hay sởi, nCoV đã bắt đầu truyền dù bệnh nhân chưa có biểu hiện triệu chứng trong vòng 7-14 ngày đầu (số liệu mới công bố của Trung Quốc nói thời gian này khoảng hơn 5 ngày), giải thích tình trạng “vỡ trận” ở Vũ Hán, cũng vì thế một số chuyên gia dịch tễ cho rằng, đã quá muộn để khống chế con virus này.
Độc lực của Sars cao hơn nhiều so với nCoV, gây tử vong gần 10% so với 2% và một bệnh nhân hết SARS cần thời gian nhiều tháng để phục hồi với những di chứng nghiêm trọng, trong khi bệnh nhân nCoV nếu qua khỏi 7-10 ngày sẽ bình phục nhanh chóng như vừa đi qua một trận cúm rất nặng.
Tình hình tại Việt Nam
Nằm sát Trung Quốc, trung tâm ổ dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây ra, Việt Nam đã ghi nhận 8 ca nhiễm virus và khoảng 40 ca bị nghi lây nhiễm. Nhiều chuyên gia dự báo rất có thể Việt Nam sẽ là quốc gia bị dịch lây lan mạnh nhất ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc.
Đồng thời, đường biên giữa Việt Nam và Trung Quốc được thả lỏng trong gần 2 tháng qua, và một lượng lớn người Trung Quốc vào Việt Nam.
Cũng theo Tiến sĩ Hoàng Kim Phúc, vì mật độ dân số tại Việt Nam cao hơn so với Trung Quốc đặc biệt ở các thành phố lớn, nên chính phủ phải dự phòng và có kế hoạch cho tình huống xấu nhất là dịch nCoV sẽ cùng một lúc bùng lên tại hầu hết các tỉnh thành phố và gấp nhiều lần so với SARS khiến cả hệ thống y tế có thể sụp đổ.
Hiện tại, các bệnh viện tuyến tỉnh và thành phố của Việt Nam thường khám chữa trung bình từ 1000-1500 bệnh nhân một ngày, khi con số thứ tự lên tới 500 trở lên, người bệnh sẽ phải đợi ít nhất nửa ngày để tới lượt khám.
Thời gian chờ này đủ để một người mang mầm nCoV lây trực tiếp hay lây chéo ra xung quanh.
Trong khi đó, tất cả các bệnh viện ở Việt Nam hiện nay ở trong tình trạng quá tải, chưa kể đến hệ thống điều hòa trung tâm có thể làm trầm trọng thêm sự lây nhiễm từ không khí luân chuyển trong không gian kín.
Chúng ta cần làm gì?
Cúm mùa hiện tại ở Việt nam thường nhiễm 400-800 ngàn người và biểu hiện rất giống với triệu chứng của nCoV, phân biệt chính xác bệnh nhân cúm và nCoV là bắt buộc đầu tiên để khoanh dịch, giảm nhiễm trực tiếp và chéo, tăng hiệu quả điều trị.
Quỹ dự phòng bắt buộc dự trù một khối lượng lớn găng tay, khẩu trang, nước sạch đóng chai, máy phát điện dự phòng, thuốc sát trùng không khí, sưởi điện, máy tạo độ ẩm, ri đô lưu động và các nồi khử trùng chạy điện cùng với các thùng rác an toàn sinh học để chống phát tán thêm dịch bệnh qua không khí, chuột, côn trùng.
Nhân viên y tế và tình nguyện viên tại các điểm xã cần được tập huấn ngay tại thời điểm này về các kiến thức chăm sóc và theo dõi bệnh nhân nCoV.
Đồng thời cần tập sử dụng hệ thống giao diện online trực tuyến 24/24 để nhận sự trợ giúp và tư vấn từ tuyến trên hay từ bệnh viện dã chiến. Ở Việt Nam hiện tại, cả nước đã có 23 đầu số tiếp nhận thông tin và tư vấn về dịch bệnh do virus corona.
Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, những người có dấu hiệu bệnh hay trở về từ ổ dịch nên có trách nhiệm với cộng đồng, nghĩa là phải ở nhà trong 14 ngày, khi nào chắc chắn bản thân không nhiễm bệnh mới có thể đi ra ngoài.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, khi tiếp xúc gần với người nhiễm virus Corona, bạn cần tự cách ly tại nhà trong 14 ngày, thường xuyên đeo khẩu trang, theo dõi các dấu hiệu ho, sốt, khó thở, ớn lạnh…
“Chúng ta chỉ mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Nguồn bệnh ở đây có thể là động vật mang mầm bệnh hoặc tiếp xúc với người mang mầm bệnh nCoV”, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh.
Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do virus Corona lây theo đường hô hấp nên có thể lây truyền qua giọt nước bọt qua ho, hắt hơi hoặc lây truyền qua tay chân, vật dụng mà virus bám vào.
9 biện pháp cần thiết giúp phòng ngừa lây nhiễm virus corona
Khải Hoàn (t/h)