Điểm lại những lần phát ngôn “lộng ngữ” của Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Ngày 10/1, trang web của Ủy ban Kiểm tra và Giám sát Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đã công bố tình hình tuần tra vòng thứ 4 của Ủy ban Trung ương khóa 19 tại 37 tổ chức. Trong đó, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và Tòa án Tối cao, bị chỉ trích về các vấn đề khác nhau.
Riêng về nội dung liên quan đến Bộ Ngoại giao, thông báo cho biết tổ chức này tồn tại các vấn đề như khả năng phân tích và nhận định tình hình yếu kém, chủ nghĩa hình thức, quan liêu, tầm nhìn hạn hẹp trong tuyển chọn nhân sự…
Thực tế những kết luận nêu trên hoàn toàn chính xác, chỉ cần nhìn vào những phát ngôn trở thành trò hề trước quốc tế của hàng loạt quan chức quan trọng của tổ chức này như ông Bộ trưởng Vương Nghị, các Đại sứ tại nước ngoài như Lưu Hiểu Minh tại Anh, Triệu Lập Kiên tại Pakistan, Quế Tùng Hữu tại Thụy Điển. Và những người phát ngôn như Hoa Xuân Oánh, Lục Khang, Cảnh Sảng… Không ít phát ngôn của quan chức bộ phận này đã khiến dư luận chế giễu Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ là “Bộ đấu tranh”, “Bộ Sói chiến tranh”, và “Bộ Đối ngoại phá hoại”…
Liên quan đến tổ chức này, tờ Nhật báo Apple tại Hồng Kông đã dẫn ý kiến của một học giả ở Bắc Kinh (giấu tên) đã chỉ ra căn nguyên hiện trạng do vấn đề dùng người yếu kém, cho nên người phát ngôn thường xuyên có những phát biểu và thái độ không chuẩn mực, thể hiện trình độ văn hóa lùn, bất kể lý lẽ, thậm chí cả luật pháp, như người bán hàng chanh chua ngoài chợ.
Ngoài ra còn có tin đồn về nhân sự của Bộ Ngoại giao. Truyền thông Hồng Kông đưa tin, vào tháng 3 năm nay, tại Đại hội toàn quốc lần thứ 2 của ĐCSTQ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị sẽ giao ban và về hưu. Những năm gần đây, Vương Nghị bị chỉ trích là nhân vật đại biểu của bộ ngoại giao “hiếu chiến” của ĐCSTQ.
Những lần ăn nói xằng bậy của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Trong những động thái của Mỹ liên quan đến ban hành các dự luật về Hồng Kông và Tân Cương, phản ứng của ĐCSTQ luôn đặc biệt tệ hại. Ngày 4/12/2019, Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh đã lấy ví dụ từ cuộc tấn công khủng bố ở New York để đe dọa Mỹ rằng “bài học ngày 11/9 chưa xa, chớ vì vết thương lành mà quên đi nỗi đau”, phát ngôn đã bị truyền thông Đại Lục lên án trình độ yếu kém, không biết giới hạn đạo đức là gì.
Ngày 26/8, Nhóm G7 đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tại Pháp, sau khi kết thúc đã đưa ra một tuyên bố chung biểu thị ủng hộ quyền tự trị của Hồng Kông. Lúc đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng đã trả lời bằng những ngôn từ như “tuyên bố bát nháo”, “tâm địa khó lường”, “chõ vào chuyện người khác”, “mưu đồ gây rối”…, ngôn từ như lời chửi đổng của bà cô đanh đá.
Ngày 12/6, trong một cuộc phỏng vấn với BBC, đại sứ Trung Quốc tại Anh tuyên bố rằng “Tuyên bố chung Trung-Anh” đã hết hiệu lực, nói rằng tuyên bố này là một “tài liệu lịch sử đã hoàn thành sứ mệnh của nó”. Lời nói này đã gây ra sự chỉ trích công khai.
Ngày 6/5, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng trả lời các vấn đề như vòng đàm phán thương mại Trung-Mỹ tiếp theo, ông đã yêu cầu các phóng viên đến “các ban ngành liên quan” để phỏng vấn.
Lúc bị hỏi là tìm bộ phận liên quan nào để hỏi? Ông ta có vẻ thiếu kiên nhẫn nói: “Tất nhiên ban ngành liên quan là các bộ phận có liên quan. Những ban ngành không liên quan không thể gọi là ban ngành liên quan”.
Trong các chuyến thăm hỏi của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo tới Chile, Paraguay và 4 quốc gia khác, ông đã nhiều lần cảnh cáo sự bành trướng của ĐCSTQ ở Mỹ Latinh. Vào ngày 15/4, phát ngôn viên của Bộ ngoại giao ĐCSTQ Lục Khảng đã chỉ trích Pompeo bằng những ngôn từ kích động như “Đến đâu cũng châm dầu vào lửa, phỉ báng một cách tùy tiện, muốn khiêu khích…”.
Vào tháng 6/2016, tại một cuộc họp báo chung giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Canada, Vương Nghị đột nhiên nổi giận với một nữ nhà báo người Canada, người đề cập đến vấn đề nhân quyền của ĐCSTQ.
Ông chỉ trích người phóng viên này đầy vẻ kiêu ngạo và thành kiến, hoàn toàn không thể chấp nhận được, cũng liên tiếp chất vấn: “Cô đã từng đi Trung Quốc chưa? Hiểu Trung Quốc không? Nhân quyền của Trung Quốc, cô không có quyền lên tiếng, người Trung Quốc mới có quyền lên tiếng”. Ngôn luận của ông đã dẫn đến cuộc bàn tán sôi nổi của cư dân mạng, chỉ trách Vương Nghị “Mở mắt nói mò”, “nói láo không đỏ mặt”.
Ngày 3/3/2011, một phóng viên nước ngoài hỏi về chuyện đã vi phạm luật nào của Trung Quốc trong hoạt động lấy tin tại Trung Quốc, khi đó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Khương Du đã trả lời: “Đừng lấy luật pháp làm lá chắn. Vấn đề thực chất là có kẻ sợ thế giới không loạn… Tôi nghĩ không thứ luật nào bảo vệ được họ”. Phát ngôn ngay lập tức trở thành trò cười trên thế giới.
Vì thường xuyên phát biểu những ngôn luận “mang bom”, Hoa Xuân Oánh từng bị cư dân mạng Trung Quốc bình chọn là người đứng thứ 32 trong “Danh sách cặn bã Trung Quốc 2013”, Khương Du nằm vị trí thứ 31 trong “Danh sách cặn bã Trung Quốc 2012”.
Gia Hưng (Theo Epoch Times)