Cảnh sát Trung Quốc thay đổi thân phận để ‘né’ dự luật nhân quyền Hồng Kông
Từ khi diễn ra phong trào phản đối dự luật dẫn độ ở Hồng kông đến này, thường xuyên lộ ra thông tin là cảnh sát Trung Quốc đã cải trang thành cảnh sát Hồng Kông để đàn áp người biểu tình. Sau khi Luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông được Mỹ ban hành, nhiều cảnh sát Trung Quốc đã trở về Đại lục, hơn nữa dưới sự sắp xếp của chính quyền, những người này có thể thay đổi thân phận của họ để tránh bị trừng phạt.
Thời báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung (Epoch Times) đưa tin vào ngày 12/1 nói rằng, ông Y, người tạm thời không tiện tiết lộ danh tính cho hay, để đàn áp phong trào dân chủ Hồng Kông, Trung Quốc Đại lục đã gửi nhiều sĩ quan cảnh sát đến Hồng Kông, chỉ riêng Bắc Kinh con số đã lên tới 500 người. “Hắc cảnh” (cảnh sát đen) ở Hồng Kông cũng là do Trung Quốc Đại lục cử đến, với số lượng lớn nhất định ở mỗi nơi.
Bạn của ông Y là một nhân viên cảnh sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông ta là một lãnh đạo có cấp bậc nhất định, vì vậy có thể nhận được thông tin trực tiếp. Ông ta nói, về nguyên tắc, cảnh sát Đại lục không thể đến Hồng Kông để thực thi pháp luật, nhưng cảnh sát Đại lục còn có một thân phận và một bộ hộ chiếu khác nữa. Nhiều người có hai sổ hộ khẩu ở Đại lục, tùy xem cần dùng cái nào thì dùng cái đó. Ông Y tin rằng, lần này đã được chính phủ thống nhất thực hiện.
Cảnh sát Đại lục ở Hồng Kông chủ yếu có ba nhiệm vụ chính: Một là bắt những người Đại lục đang tham gia các hoạt động ở Hồng Kông trở về; hai là tham gia tạo ra sự hỗn loạn; ba là đàn áp.
Ông Y nói, chiến lược của ĐCSTQ lúc đó là hy vọng Hồng Kông càng hỗn loạn càng tốt. Bởi vì sau khi Hồng Kông hỗn loạn, họ có thể kiếm cớ để bắt người. Một số người tạo ra sự hỗn loạn, một số người lại ra sức bắt bớ và đánh người. Một mặt tạo ra bầu không khí khủng bố, mặt khác lại kiếm cớ để đàn áp.
Lãnh đạo kỳ cựu của Trung Nam Hải: Hãy để Hồng Kông càng ngày càng hỗn loạn
Trong phong trào phản đối dự luật dẫn độ kéo dài hơn 7 tháng ở Hồng Kông, cuộc đối đầu giữa cảnh sát và dân chúng ngày càng khốc liệt, khiến tình hình tồi tệ ở Hồng Kông trở nên hung hiểm hơn bao giờ hết. Một “hồng tam đại” (thế hệ đỏ thứ 3 của ĐCSTQ) cũng tiết lộ vào tháng 11/2019 rằng, tình trạng hỗn loạn ở Hồng Kông là do ĐCSTQ gây ra, với mục đích lôi kéo người biểu tình “lộ diện” và bắt giữ họ.
Cô nói rằng, ngay cả khi người Hồng Kông không ra đường biểu tình, ĐCSTQ vẫn sẽ cử quân nhân giả làm đám người mặc đồ đen để tiếp tục gây rối, khiến tình trạng hỗn loạn không bao giờ chấm dứt.
Vị “hồng tam đại” này giới thiệu rằng, “thủ pháp” được ĐCSTQ áp dụng là “câu cá”. Họ dùng cách “sỉ nhục” Hồng Kông để khiến những người dân Hồng Kông có tinh thần phản kháng tự “xuất đầu lộ diện”, sau đó bắt họ vào các trại tập trung, hãm hiếp tập thể, hoặc “tự sát” và cuối cùng là quét sạch tất cả người biểu tình.
Vị “hồng tam đại” này đã liên lạc với các nhà lãnh đạo kỳ cựu của Trung Nam Hải và hỏi làm thế nào để xử lý vấn đề Hồng Kông. Bên kia thông báo rằng, ĐCSTQ sẽ khiến Hồng Kông hỗn loạn và thối rữa từng ngày, sau đó trở thành một thành phố bình thường của Trung Quốc.
Cô cũng tiết lộ rằng, vào ngày 24/5/2019, ĐCSTQ đã ra lệnh rằng, tất các các tỉnh ở Trung Quốc Đại lục nên thành lập “trung tâm giáo dục và bồi dưỡng”, giống như các trại giáo dục cải tạo của Tân Cương (chỉ các trại tập trung), có thể chứa 1 triệu người. Bởi vì tỉnh nào cũng có, nên tất cả các trung tâm gộp lại có thể chứa hàng chục triệu người, ngay cả khi có hai hay ba triệu người biểu tình ở Hồng Kông thì vẫn có thể chứa được.
Mặc dù các tuyên bố của vị “hồng tam đại” nói trên không có cách gì để chứng thực được, nhưng từ một loạt các biện pháp của ĐCSTQ nhằm đàn áp Hồng Kông chúng ta có thể tìm ra manh mối.
Cảnh sát Đại lục tra tấn người biểu tình
Trong thời gian diễn ra phong trào phản đối dự luật dẫn độ, cảnh sát đã tiến hành bắt giữ bừa bãi, thủ đoạn tàn nhẫn, “hắc cảnh” đeo mặt nạ để thực thi pháp luật, không có còi báo hiệu cảnh sát, không xuất trình thẻ ngành, có người còn luôn miệng nói tiếng phổ thông.
Vào tháng 8/2019, cảnh sát trưởng Hồng Kông Đặng Bính Cường đã thừa nhận tại một cuộc họp báo rằng, cảnh sát sẽ “đóng giả thành những nhân vật khác nhau”, để “có được thông tin tình báo”. Còn chính phủ Hồng Kông thì luôn từ chối thành lập một ủy ban điều tra độc lập để điều tra hành vi tàn bạo của cảnh sát.
Ông Y cho biết, một số lượng lớn các vụ mất tích và tự sát ở Hồng Kông là do cảnh sát Đại lục “nhúng tay” vào.
Chính quyền ĐCSTQ đàn áp trên quy mô lớn, “bôi nhọ” người dân Hồng Kông như những kẻ côn đồ, bắt giữ hàng ngàn công dân và sinh viên Hồng Kông, thậm chí mở các cuộc tấn công tại các trường học như trường đại học Trung Văn Hồng Kông, trường đại học Bách khoa Hồng Kông, khiến dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ.
Vào ngày 27/11/2019, “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông” của Hoa Kỳ đã có hiệu lực, được cho là để ngăn chặn ĐCSTQ đàn áp nhân quyền.
Dự luật quy định những người đàn áp các quyền tự do cơ bản ở Hồng Kông sẽ bị đóng băng tài sản ở Hoa Kỳ hoặc từ chối nhập cảnh. Danh sách những đối tượng bị trừng phạt bao gồm những người liên quan đến việc dẫn độ người biểu tình về Đại lục để tiện theo dõi, bắt cóc, giam giữ, lạm dụng hoặc buộc phải thú nhận tội.
Hiện tại luật nhân quyền chủ yếu được áp dụng đối với các ban ngành sử dụng bạo lực quá mức, ví dụ quân đội và cảnh sát. Người biểu tình Hồng Kông đã đệ trình “danh sách đen” đầu tiên tới Mỹ, trong đó có cả cảnh sát trưởng Hồng Kông. Ngoài ra, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng dự kiến sẽ sửa đổi luật để cấm cảnh sát Hồng Kông nhập cảnh.
Lo sợ dự luật nhân quyền, một nhóm cảnh sát đã trở về Đại lục
Ông Y nói, sau khi “Dự luật nhân quyền Hồng Kông” của Hoa Kỳ có hiệu lực, một nhóm nhân viên cảnh sát đã trở về Đại lục, chủ yếu là phía Hồng Kông để họ quay trở về, vì cảnh sát Hồng Kông lo sợ “Dự luật nhân quyền”.
Các sĩ quan hoặc quan chức cảnh sát Hồng Kông không thể có hai bộ thẻ căn cước. Nhưng các quan chức ĐCSTQ và cảnh sát Đại lục có thể thay đổi thân phận. Ông Y nói, cảnh sát Đại lục làm hai bộ thẻ căn cước rất đơn giản, việc thay đổi thân phận cũng rất đơn giản. Do đó “Dự luật nhân quyền Hồng Kông” ít ảnh hưởng đến các quan chức cấp cao và gia đình của họ ở Đại lục, càng không có tác dụng đối với những sĩ quan cảnh sát mà chỉ có thể trừng phạt một vài quan chức cấp cao.
Ông nói: “Thật khó tưởng tượng khi một người đã từng đến Hồng Kông tham gia vào các cuộc đàn áp, chớp mắt một cái lại đến Hoa Kỳ, đường đường chính chính thích làm gì thì làm. Một số người đến Mỹ du lịch cũng nhân tiện mua các tài sản liên quan”.
Đối với những người của ĐCSTQ đàn áp nhân quyền, cần xác minh được số tài sản mà anh ta có, bao gồm cả tài sản của người thân trong gia đình. Việc hạn chế anh ta đến Hoa Kỳ là không đủ, họ có hai hộ chiếu và tài sản của họ đứng tên của các thành viên trong gia đình và bạn bè thân thích của họ.
Ông Y phân tích rằng, cảnh sát mà có thể đến Hoa Kỳ thì có lẽ là có thẻ căn cước thứ ba rồi, bởi vì danh tính cảnh sát Đại lục không thể sử dụng, danh tính cảnh sát Hồng Kông cũng không thể được sử dụng. “Nếu anh ta đã từng đến Hoa Kỳ, bạn có thể có dấu vân tay của anh ta. Chỉ cần anh ta chưa từng đến, đổi danh tính cái là xong, bạn cũng không làm được gì”.
Ông Y nói rằng, người Mỹ và người Hồng Kông phải chiến đấu chống lại ĐCSTQ, bao gồm cả việc ban hành tuyên ngôn nhân quyền, ngăn chặn ĐCSTQ tìm ra lỗ hổng, và đặc biệt phải có những người hiểu biết về nội tình Trung Quốc cùng tham gia.
Ông Y tiết lộ rằng, ĐCSTQ xử lý vấn đề Hồng Kông vô cùng tàn bạo. Bản thân ông cũng bị đe dọa bởi các điệp viên bí mật của ĐCSTQ vì đã phát biểu quan điểm về Hồng Kông trong thời kỳ đầu. Cảnh sát Đại lục nói, những ngôn luận phát biểu về vấn đề Hồng Kông sẽ lấy tội danh “chống khủng bố” để định tội.
Ông nói rằng, ĐCSTQ thực sự là tổ chức khủng bố lớn nhất thế giới. Môi trường chính trị trong nước ngày càng tồi tệ. Một số cảnh sát thực sự không muốn “bán mạng” cho ĐCSTQ nữa, nhiều người đã nhìn thấu điều này, nên thoát được ngày nào hay ngày ấy.
Minh Huy (Theo NTDTV)