ĐCSTQ rốt cuộc muốn làm gì? (P5): Biến con người thành động vật kinh tế

26/09/18, 16:23 Trung Quốc

Lịch sử 5000 năm của Trung Hoa đã ảnh hưởng sâu sắc đến Việt Nam vì đặc thù vị trí địa lý. Vì vậy, con đường lịch sử mà dân tộc Trung Hoa trải qua, cùng định hướng tương lai của đất nước này là có quan hệ chặt chẽ đến vận mệnh và tương lai của dân tộc Việt.

Mổ cướp nội tạng – Ngành công nghiệp giết người táng tận lương tâm ở Trung Quốc. (Ảnh: NTDTV) 

TÓM TẮT CÁC KỲ TRƯỚC

ĐCSTQ tiêu diệt văn hóa truyền thống Trung Hoa, nhồi nhét thứ văn hóa Đảng vô nhân tính, dùng bạo lực khủng bố để làm méo mó con người Trung Quốc, rồi đẩy cái ác lên đến đỉnh điểm. Tất cả những gì ĐCSTQ làm không nằm ngoài mục tiêu bất biến là khiến đạo đức băng hoại, khiến con người trở nên tà ác; từ đó quyền lực của Đảng mới có thể được duy trì.

KỲ 5: BIẾN CON NGƯỜI THÀNH ĐỘNG VẬT KINH TẾ

Nếu chỉ nhìn vào vẻ ngoài hào nhoáng của nền kinh tế số 2 thế giới của Trung Quốc, người ta rất dễ bị đánh lừa rằng đó là thành quả của ĐCSTQ. Nhưng Đảng thực chất không muốn giúp quốc gia giàu mạnh, nâng cao mức sống của người dân. Vì để duy hộ quyền lực của mình, điều ĐCSTQ muốn chính là người dân vứt bỏ đạo đức, trở thành động vật kinh tế do Đảng chăn dắt.

CẢI CÁCH BẰNG MÁU

Ngay từ trước khi giành chính quyền, ĐCSTQ đã dùng lợi ích kinh tế để dụ dỗ công nhân và nông dân chạy theo Đảng. Đảng hứa ruộng cho nông dân và nhà máy cho công nhân, nhưng để đạt được điều đó, công nhân và nông dân phải vứt bỏ đạo đức, theo Đảng giết người. Đạt được mục đích xong, Đảng vứt bỏ họ. Điều này được thể hiện rõ ràng trong những cuộc cải cách bằng máu trước và ngay sau khi Đảng giành chính quyền.

1. Cải cách ruộng đất

Lợi dụng sự ham lợi trước mắt và ít học của nông dân, biến họ trở thành quân chi viện cho cuộc chiến tranh với chính phủ Quốc dân, ĐCSTQ đã đề xuất cái gọi là “tiêu diệt chế độ sở hữu ruộng đất phong kiến”, thực hiện đấu tố chủ đất (“địa chủ”) và nông dân có của cải (“phú nông”), buộc những người này phải giao lại đất. Sự tàn bạo khủng bố của việc đấu tố ở nông thôn được cố ý thực hiện để làm tăng trách nhiệm cho nông dân, khiến họ không có đường lùi và buộc họ ghi danh chiêu quân, tham gia vào cỗ máy chiến tranh. Sau cùng, ĐCSTQ đã dùng chiến thuật “biển người” dã man tàn khốc nhất để giành lấy thắng lợi trong cuộc nội chiến..

Niềm vui có đất của người nông dân chẳng được bao lâu. Vào năm 1955, hợp tác xã ra đời, Đảng tuyên bố xóa bỏ tư hữu, đất đai là sở hữu tập thể, người nông dân phải nộp đất đai vào hợp tác xã. Đất đai cuối cùng lại thuộc sở hữu của Đảng, người nông dân chỉ là công cụ để giúp Đảng thực hiện việc sở hữu này một cách hợp pháp.

Dưới tuyên truyền thù hận về cái gọi là sự “khốn cùng” của nông dân, đồng thời lợi dụng lòng tham lợi của nông dân cùng đám lưu manh, ĐCSTQ đã kích động họ đấu tố hết thảy địa chủ, bất kể người đó là tốt hay xấu. (Ảnh qua Weibo.com)

Cải cách ruộng đất đã có thể thực hiện một cách không đổ máu giống như ở Đài Loan, khi chính phủ Quốc dân mua lại ruộng từ chủ đất và cho nông dân thuê với giá rẻ, rồi dần dần tạo điều kiện để bán ra số đất mà mình sở hữu cho nông dân. Bằng cách làm hòa bình này, tới năm 1953, số lượng ruộng đất được người nông dân Đài Loan sở hữu cuối cùng đã tăng lên tới 90%. Hai cách làm dưới hai chế độ với cùng một tên gọi đã cho ra hai kết quả hoàn toàn trái ngược, thể hiện rõ bản chất lật lọng, tráo trở và tàn ác của ĐCSTQ.

2. Cải cách công thương

Tương tự như vậy, trong Cải cách công thương, ĐCSTQ đã tuyên bố rằng, giai cấp tư sản là giai cấp bóc lột, không thể cải tạo, kích động công nhân đi theo Đảng để cướp nhà máy, cướp của cải, giết người. Cái ĐCSTQ cần thực chất là tài sản. Nếu ai hiến dâng tài sản của mình cho chính quyền và ủng hộ ĐCSTQ thì sẽ được coi như chỉ là một vấn đề nhỏ trong nhân dân. Ngược lại, ai bất đồng hoặc phàn nàn về chính sách của ĐCSTQ thì sẽ bị dán nhãn là “phản động” và trở thành mục tiêu của chế độ độc tài tàn bạo của ĐCSTQ.

Đấu tố giai cấp tư sản để chiếm đoạt tài sản của họ. (Ảnh tư liệu)

Trong thời khủng bố xảy ra giữa cuộc cải cách công thương, tất cả những nhà tư sản và những người chủ doanh nghiệp đều đã bị bắt buộc phải giao nộp tài sản của mình. Nhiều người trong số họ không thể chịu đựng được sự nhục nhã mà họ phải đối mặt và đã tự tử. Chỉ vài năm, ĐCSTQ đã hoàn toàn tiêu diệt sự sở hữu tư nhân ở Trung Quốc

Cần phải nói thêm rằng mối quan hệ chủ – người làm thuê là quan hệ luôn hiện hữu trong lịch sử loài người, chủ đất và nông dân hay chủ xí nghiệp và công nhân không phải là quan hệ mâu thuẫn tuyệt đối. Để đánh giá một chủ đất, một nông dân, một chủ xí nghiệp hay một công nhân là xấu hay tốt thì đã có tiêu chuẩn đạo đức làm thước đo. Tuy nhiên, lợi dụng sự ham lợi của công nhân và nông dân, Đảng đã kích động lòng tham của họ, khiến họ theo Đảng giết chủ đất, giết chủ xí nghiệp, giết người giàu (“tư sản”, “phú nông”), bất kể đó là người tốt hay kẻ xấu.

3. Đại Nhảy vọt

Để có đủ lương thực xuất khẩu sang Liên Xô đổi lấy vũ khí và mô hình bom nguyên tử, năm 1958, Mao Trạch Đông khởi xướng “Đại nhảy vọt” – yêu cầu sản lượng năm sau phải cao gấp đôi so với năm trước. Mao muốn nền nông nghiệp Trung Quốc cần phải được hiện đại hóa và xuất khẩu những lượng ngũ cốc khổng lồ trong thời gian ngắn nhất, nhà máy điện cần phải sản xuất điện và lò luyện kim cần phải nấu chảy thép ở khắp nơi để đất nước qua đó mà trở thành một quốc gia công nghiệp.

cứu mạng cả làng, cách mạng văn hóa, Bài chọn lọc,
Người đàn ông đau khổ, bên cạnh đứa bé nhìn mẹ mình đang chết dần. Vào thời kì Đại Nhảy vọt, nạn đói hoành hành, nguồn lương thực là vấn đề sống còn của một ngôi làng. (Ảnh Topical Press Agency/Getty)

“Đại nhảy vọt” là một bài thực hành nói dối tập thể trên toàn quốc. Các địa phương thi nhau phóng đại sản lượng nông nghiệp, trong khi đó nhà máy điện bị xây dựng bừa bãi, và nông dân thì phải bỏ cả hoa màu thối rữa ngoài đồng để tham gia vào những lò luyện kim chất lượng thấp kém. Tuy vậy, dựa trên sản lượng được báo cáo, Đảng vẫn tổ chức trưng thu lương thực tới hạt cuối cùng.

Kết quả của việc cưỡng bức hiện đại hoá là: Thép được sản xuất ra thường là vô dụng, hồ nước thủy điện bị nghẽn bùn, và hàng chục triệu người đã trở thành nạn nhân của nạn đói lớn nhất trong lịch sử.

Sau những cuộc cải cách kinh tế bằng máu này, người dân bị lấy đi công việc, nhà cửa, đất đai và sinh kế. Thức ăn được phân phối theo từng thìa dựa trên công tội, đã trở thành một vũ khí buộc người dân phải theo sát từng mệnh lệnh của Đảng. Mỗi cuộc cải cách thực chất là một bài kiểm tra xem những kẻ theo Đảng có thể vứt bỏ đạo đức hay không, có thể vì Đảng mà giết người bất kể đúng sai hay không, có thể vì Đảng mà nói dối hết lòng hay không. Chúng đã đặt tiền đề cho việc tạo ra một hình thế khủng bố trên toàn quốc, khiến mọi tầng lớp nhân dân khiếp sợ, thủ tiêu các chuẩn mực đạo đức của con người và thay nó bằng văn hoá Đảng với thú tính đấu tranh sinh tồn. Những đổi mới và cải cách kinh tế của Trung Quốc sau này thực ra cũng sẽ không nằm ngoài vòng xoáy sinh tồn bất chấp đạo đức đó…

SỰ THẬT ĐẰNG SAU “KỲ TÍCH” KINH TẾ TRUNG QUỐC

Tháng 12/1978, Hội nghị Trung ương lần thứ 3, khóa 11 của ĐCSTQ diễn ra tại Bắc Kinh đã đưa ra quyết định cải cách và mở cửa. Đặng Tiểu Bình khi đó được coi là cha đẻ của công cuộc hiện đại hoá, kiến trúc sư của công cuộc cải cách, là người mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước Trung Quốc.

Cho đến nay, nhiều nước trong đó có cả Việt Nam vẫn còn tung hô và ngưỡng mộ Đặng Tiểu Bình đã giúp hàng triệu người thoát nghèo, đưa tỷ lệ nghèo ở Trung Quốc từ 53% dân số năm 1981 xuống còn 8% vào năm 2001. Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc từng bước thành hình mang theo ảnh hưởng của Trung Quốc sang khắp Á, Âu. Trung Quốc đã dần vươn lên vị thế cường quốc hàng đầu cả về kinh tế lẫn quân sự, khiến người dân lầm tưởng rằng đó là kết quả của sự lãnh đạo tài tình của ĐCSTQ. Đảng cũng chớp thời cơ vây quanh mình ánh hào quang giả tạo để ru ngủ dân chúng, nhưng bản chất đằng sau nó thì vĩnh viễn không thay đổi: Tiếp tục đẩy người dân Trung Quốc trong cảnh lầm than, trở thành một thứ “động vật kinh tế”, không có cơ hội trở mình để được quay lại làm người.

Đằng sau sự phồn vinh của kinh tế Trung Quốc là gì?, (Ảnh: Internet)

Có 3 yếu tố chính làm nên sự phát triển của kinh tế Trung Quốc và bản thân chúng có những điểm yếu nghiêm trọng. Cần nhấn mạnh rằng 3 yếu tố này không phải là công lao của Đảng nhưng những điểm yếu nghiêm trọng lại chính là do Đảng tạo ra.

1. Kinh tế phát triển do nới lỏng chính sách

ĐCSTQ tự nhận “tính hợp pháp” của nó nhờ sự phát triển kinh tế hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, trên thực tế, nhân dân Trung Quốc đã dần dần đạt được sự phát triển đó sau khi ĐCSTQ nới lỏng những gông cùm kinh tế của nó từng chút một. Điều ngụy biện là ở chỗ Đảng từ vai kẻ thủ ác đang hành ác, thì bất chợt nhẹ tay hơn một chút, rồi đột ngột quay sang đóng vai của kẻ cứu rỗi, bảo nhân dân Trung Quốc phải biết ơn Đảng vì đã nhẹ tay với mình. Tuy nhiên, đằng sau những ân huệ nhỏ nhoi ấy, chính là một thực tế: Đặng Tiểu Bình phải cải cách chẳng qua là để bảo vệ ĐCSTQ, bởi vì chính sách đóng cửa kinh tế khiến Trung Quốc kiệt quệ, và khiến Đảng kiệt quệ.

Thời Đặng Tiểu Bình, khu vực kinh tế tư nhân phát triển trở lại sau bao nhiêu năm bị kìm hãm, cộng thêm sự chăm chỉ chịu khó của người dân Trung Quốc mong muốn cải thiện cuộc sống, đã tạo ra một sức bật lớn mạnh giúp kinh tế Trung Quốc đi lên.

Đặng Tiểu Bình phế bỏ công xã nhân dân, đẩy mạnh “chế độ khoán trách nhiệm sản xuất” nhưng từ chối khôi phục chế độ tư hữu về ruộng đất, thật sự trả lại ruộng đất cho nông dân. Cho đến nay, đất đai vẫn thuộc sở hữu của Nhà nước. Chế độ công hữu về ruộng đất thực chất phục vụ cho ĐCSTQ thao túng thị trường, cưỡng bức di dời, cưỡng bức trưng thu, tạo cơ hội cho các thế lực lợi ích nhóm trong Đảng cấu kết với doanh nghiệp chiếm dụng, giải tỏa đền bù bất công đã gây ra thảm cảnh cho biết bao gia đình; các cuộc biểu tình và đàn áp biểu tình xảy ra liên tiếp.

Kết quả hình ảnh cho farmer china
Nông thôn sau cải cách lại trở về cuộc sống vốn có từ bao đời, vậy họ có phải cảm ơn ĐCSTQ. (Ảnh qua Grist)

Ở thành phố, Đặng Tiểu Bình đầu tiên là yêu cầu xí nghiệp quốc doanh phải “hạch toán độc lập, tự chịu trách nhiệm”, rũ bỏ trách nhiệm về những vấn đề mà ĐCSTQ gây ra cho xí nghiệp quốc doanh. Sau đó, ĐCSTQ tiếp tục lấy các loại danh nghĩa “cải cách”, dần dần rũ bỏ trách nhiệm chi phí y tế công của quốc gia đối với cư dân thành thị… Đến thời kỳ của Giang Trạch Dân, ĐCSTQ lại dứt khoát rũ bỏ toàn bộ trách nhiệm đối với bất kỳ phúc lợi quốc dân nào, thực hành “thị trường hóa” hoàn toàn mà bất chấp sự sống chết của nhóm người yếu nhược.

Dù chính sách được nới lỏng nhưng nó vẫn do Nhà nước kiểm soát chủ yếu, nhiều lĩnh vực vẫn do Nhà nước độc quyền. Khu vực kinh tế quốc doanh chịu sự chi phối của khoảng 200 doanh nghiệp quốc doanh lớn, phần nhiều ở trong các ngành dịch vụ tiện ích (điện, nước, điện thoại…), công nghiệp nặng, và nguồn năng lượng. Điều này đã gây ra tình trạng sử dụng tài sản công vô cùng lãng phí, kém hiệu quả, cùng với sự hình thành các nhóm lợi ích, tư bản đỏ thân Chính phủ, mặc sức vơ vét của cải. Những người đảm nhận những chức vụ chủ yếu trong năm lĩnh vực lớn là tài chính, ngoại thương, khai khoáng, xây dựng, chứng khoán phần lớn đều là con cháu của các cán bộ cấp cao. Ngân hàng Thế giới thống kê trong thời gian từ những năm 1975 – 1995, các quyết định đầu tư sai lầm của Trung Quốc chiếm khoảng 30%, làm lãng phí 400 – 500 tỷ nhân dân tệ.

Sự nới lỏng mà không có tầm nhìn quản lý còn dẫn đến việc lạm dụng quá mức hoặc thậm chí lãng phí các nguồn lực, và phát triển kinh tế đã đạt được với cái giá phải trả là sự phá hủy môi trường. Một phần đáng kể của GDP của Trung Quốc là đạt được bằng cách hy sinh những cơ hội của các thế hệ tương lai.

Hy sinh những cơ hội của các thế hệ tương lai…(Ảnh: Pinterest)

Như vậy, có thể thấy lập trường nguyên tắc của ĐCSTQ tuỳ ý thay đổi để duy trì quyền lực cai trị của mình: Từ việc tiêu diệt tư bản tới cho phép nhà tư bản gia nhập đảng, từ “nhất đại nhị công” (một là quy mô lớn, hai là mức độ công hữu hóa cao) tới “bao sản đáo hộ” (giao khoán sản lượng tới từng hộ), từ tiêu diệt chế độ tư hữu tới dốc sức phát triển kinh tế tư nhân, từ “cắt đứt cái đuôi chủ nghĩa tư bản” trở thành “phát gia chí phú” (phát triển gia nghiệp trở nên giàu có). Thực ra, dù có “cải cách” thế nào đi nữa, thì Đảng vẫn có mục tiêu xuyên suốt rất rõ ràng: Lũng đoạn đạo đức xã hội, thâu tóm và duy trì quyền lực tuyệt đối.

2. Phát triển kinh tế do đầu tư nước ngoài tăng mạnh

Yếu tố thứ hai góp phần tạo nên sự phát triển kinh tế của Trung Quốc là việc đầu tư nước ngoài của phương Tây (vốn, công nghệ) vào Trung Quốc tăng mạnh từ khi nước này tiến hành đổi mới.

Sự kết hợp giữa đầu tư nước ngoài và các nguồn lực dồi dào về tài nguyên, nhân công trong nước đã kích thích sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Nếu không phải vì quy tắc toàn trị của Đảng, sự đầu tư và phát triển này đáng lẽ phải được bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước đó, và đã có thể làm cho Trung Quốc thịnh vượng hơn gấp nhiều lần.

Quy mô đầu tư của phương Tây ở Trung Quốc là rất lớn. Theo số liệu được công bố, đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Trung Quốc đạt gần 800 tỷ USD từ năm 2000 đến năm 2016. Tổng giá trị vốn nước ngoài vào Trung Quốc từ năm 1979 đến 2015 lên tới khoảng 1,64 nghìn tỷ USD.

Kết quả hình ảnh cho permanent normal trade relations with china
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton thông qua Quan hệ Thương mại Bình thường Thường trực Trung Quốc (PNTR). (Ảnh qua politicalforum.com)

Các nước phương Tây thậm chí còn cho Trung Quốc hưởng nhiều ưu đãi thương mại cùng với việc tiếp cận thị trường. Vào tháng 5/2000, chính phủ Hoa Kỳ đã ban hành Quan hệ Thương mại Bình thường Thường trực Trung Quốc (PNTR). Ngày 11/12/2001, Trung Quốc chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và gia nhập thị trường quốc tế.

ĐCSTQ đã không bỏ qua cơ hội lợi dụng vốn, công nghệ, thị trường phương Tây, các ưu đãi thương mại và chi phí sản xuất trong nước giá rẻ để phát triển nhanh chóng các ngành sản xuất, trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, kiếm được một khoản tiền lớn trong dự trữ ngoại hối. Thâm hụt thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tăng từ khoảng 80 tỷ USD năm 2000 lên hơn 375 tỷ USD vào năm 2017.

Mặc dù có những con số gây ấn tượng về sản lượng và số lượng, nhưng nếu xét về chất lượng, dung mạo kinh tế mang tính toàn cầu của Trung Quốc lại là một bức tranh thủng lỗ chỗ. Đa số hàng Trung Quốc xuất khẩu là hàng gia công, hàng tiêu dùng chất lượng thấp. Nước này thậm chí còn xuất khẩu hàng độc hại, thải hồi sang những nước đang và kém phát triển. Nền kinh tế dựa vào chế biến và lắp ráp không đủ để giúp Trung Quốc leo lên được bậc thang cao hơn về giá trị và công nghệ.

Tâm lý muốn phát triển nhanh, thích ăn xổi, không coi trọng luật pháp quốc tế, không coi trọng quyền con người, muốn vượt qua người khác về công nghiệp và công nghệ bất chấp thủ đoạn đã khiến Trung Quốc trở thành nước ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ lớn nhất thế giới. Những công ty nước ngoài muốn đầu tư vào Trung Quốc buộc phải “chuyển giao công nghệ” cho chính phủ Trung Quốc thì mới được cấp phép đã trở thành luật bất thành văn, bất chấp việc này vi phạm luật thương mại quốc tế. Thế giới có thứ gì thì Trung Quốc làm bản sao y chang, rồi được Nhà nước bảo hộ.

Báo cáo năm 2017 của Ủy ban về Quyền sở hữu trí tuệ Mỹ cho biết, hàng hóa giả mạo của Trung Quốc, phần mềm lậu và bí mật thương mại bị đánh cắp khiến Hoa Kỳ mất từ 225 đến 600 tỷ USD mỗi năm. Báo cáo còn cho biết trong 3 năm qua, 1200 tỷ USD đã bị mất do trộm cắp trí tuệ, phần lớn trong số đó là từ Trung Quốc. Một báo cáo của Văn phòng tình báo quốc gia đã tiết lộ rằng, 90% các cuộc tấn công mạng trên các doanh nghiệp Hoa Kỳ đến từ chính phủ Trung Quốc, gây thiệt hại khoảng 400 tỷ đô la mỗi năm.

Người phương Tây khi đó đã nghĩ rằng việc đầu tư vào Trung Quốc sẽ khiến nước này mở cửa, cải cách thể chế, cải thiện nhân quyền và tự do cho người dân. Tuy nhiên, hiện tại không còn nước phương Tây nào nghĩ như vậy nữa. Sự lưu manh và vô đạo đức trong kinh doanh của Trung Quốc đã được thực hiện công khai và trên quy mô lớn trong suốt thời gian dài mà không chịu sự trừng phạt nào.

Chiến tranh thương mại là một hệ quả tất yếu đối với đường lối phát triển kinh tế của Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Internet)

Cho tới gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới tiến hành áp thuế 50 tỷ đô, và cuối tháng 9/2018 sắp tới sẽ thêm 200 tỷ đô tiền thuế đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc để đáp trả lại những thiệt hại về việc Trung Quốc ăn cắp các ý tưởng công nghệ của Mỹ. Đòn trừng phạt này đã khiến Trung Quốc chao đảo.

Hiện tại, chính phủ Trung Quốc khó có thể có đủ thời gian để chuyển đổi nền kinh tế từ phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư sang một nền kinh tế dựa trên trí thức sáng tạo, một nền kinh tế minh bạch và điều tiết theo quy luật thị trường – những yếu tố làm nên giá trị thật và sự bền vững của một nền kinh tế. Từ đó, người ta mới nhận ra rằng, con hổ Trung Quốc thực ra không hề hùng dũng giương oai như vẻ bề ngoài, mà là rất yếu.

3. Sức lao động và khả năng chịu khổ của người dân

Lực lượng lao động dồi dào, chăm chỉ, chịu khó là một yếu tố góp phần làm nên những “kỳ tích” phát triển kinh tế của Trung Quốc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc rất thu hút đầu tư nước ngoài do có lực lượng lao động quy mô lớn, giá rẻ.

Trải qua nhiều cuộc vận động trong suốt mấy chục năm, bị cướp trắng tài sản tư hữu, đối mặt với nạn đói thảm khốc, tất cả những điều này đã hình thành trong tâm lý người Trung Quốc sự sợ hãi và phòng ngừa, cũng như tâm lý tích trữ. Do đó, khi chính sách được nới lỏng, khi có người tạo cho họ công ăn việc làm, người Trung Quốc thường sẽ cần mẫn chăm chỉ cống hiến và tích góp để “phòng thân”.

ĐCSTQ đã lợi dụng tâm lý này, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền và lừa dối, đã làm cho người Trung Quốc cảm thấy cuộc sống tốt lên, chất lượng sống được cải thiện là nhờ “công ơn” và “chính sách sáng suốt” của Đảng. Người dân phải đóng thuế để nuôi sống Đảng, dùng lao động cần lao của mình để cải thiện cuộc sống, nhưng ĐCSTQ đã khiến họ nhận thức đảo lộn lại là Đảng có công dưỡng dục mình.

Trên thực tế, những “kỳ tích” kinh tế của Trung Quốc có nhiều phần là do ĐCSTQ đã thực thi những cách thức vô đạo đức một cách toàn diện để bóc lột thậm tệ người lao động. Để đạt được tốc độ tăng trưởng cao hàng năm, người dân Trung Quốc phải oằn mình làm nô lệ trong các nhà xưởng khổng lồ.

Kết quả hình ảnh cho worker china
Công nhân khắp Trung Quốc thường phải chịu những điều kiện làm việc tồi tệ nhưng thường xuyên bị cắt xén lương. (Ảnh qua CNN Money)

Công nhân khắp Trung Quốc thường phải chịu những điều kiện làm việc tồi tệ nhưng thường xuyên bị cắt xén lương. Một ví dụ về trường hợp của nhà đầu tư Meitai Plastics & Electronics (Đài Loan) tại Quảng Đông cho thấy khoảng 2.000 công nhân nữ phải làm việc tới 12 tiếng mỗi ngày để lắp ráp bàn phím. Họ được giao chỉ tiêu phải lắp 500 bàn phím mỗi giờ, trong lúc làm việc không được bỏ dở để đi bất kỳ nơi nào khác, kể cả vệ sinh cá nhân. Trung bình, công nhân phải ở phân xưởng 87 giờ/tuần, làm việc 74 giờ (chưa tính thời gian nghỉ giải lao), trong đó có 34 giờ làm việc ngoài giờ – tức vượt quá giờ cho phép của luật lao động Trung Quốc 318%. Lương cơ bản công nhân Meitai Plastics & Electronics được trả 0,64 USD/giờ; tuy nhiên, trừ các khoản chi phí (phòng thuê tập thể, ăn uống…), họ chỉ còn 0,41 USD. Tuy điều kiện lao động và sinh hoạt hà khắc, nhưng họ rất dễ dàng bị phạt và cắt lương. Các trường hợp bị phạt gồm: Đến muộn một phút, không cắt móng tay, giẫm lên cỏ, nghỉ không đúng ngày.

Trong báo cáo 22 trang công bố tháng 6/2015, “Hạnh phúc và sức khỏe ở Trung Quốc: Nghịch lý của sự phát triển” của Viện Brookings cho biết, trong khi GDP đầu người và tiêu dùng gia đình tăng gấp bốn từ năm 1990 đến 2005, sự hài lòng với cuộc sống tại Trung Quốc lại đi theo khuynh hướng ngược lại.

Những người lao động nhập cư đối đầu với cảnh sát bán quân sự Trung Quốc ở Bắc Kinh trong một vụ tranh chấp. Các cuộc biểu tình đình công và công nhân đang gia tăng trên khắp Trung Quốc.
Những cuộc biểu tình vẫn luôn diễn ra tại Trung Quốc. (Ảnh: Internet)

Sách Xanh về “Di dân Trung Quốc trên thế giới” do Center for Chinese Globalization ấn hành đã đưa ra con sốthống kê: Năm 1990, đã có 9,3 triệu người Trung Quốc di cư ra nước ngoài, mang theo 2.800 tỷ Nhân dân tệ (46 tỷ USD). Đây không phải là điều mới mẻ, nhưng khuynh hướng này ngày càng tăng, đặc biệt là giới tinh hoa, quan chức. Điều đó đã cho thấy người dân đang ngày càng nhận thức ra được sự bất ổn tại Trung Quốc. Họ lo cho sổ tiết kiệm cá nhân của họ, lo cho tương lai của con cái, và hoàn toàn mất niềm tin vào hệ thống chính trị lẫn kinh tế của chính phủ ĐCSTQ.

Đến nay, Trung quốc có vẻ như thành công với mức tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm vào khoảng 7-8%. Điều này đã giúp ĐCSTQ “hợp thức hoá” hơn nữa vai trò thống trị của mình. Nhưng điểm đáng lưu ý là, cái gọi là nền kinh tế phát triển “đáng ngưỡng mộ” này chỉ được thực hành riêng biệt ở Trung Quốc và không bao giờ được coi là mô hình đáng để học tập ở các nước khác. Sự đặc thù đó không được thế giới thừa nhận. Trên thực tế, người dân đang tháo chạy, và không có ai ngoài Trung Quốc lại muốn xin tị nạn hay xin quốc tịch tại đất nước này. Bởi vì sao?

Bởi vì đây là một mô hình kinh tế không có đạo đức, không có luật lệ, không có bảo đảm tài sản và tư hữu, không có công bằng, không minh bạch, không có tự trọng, hoàn toàn bị chi phối bởi chính trị. Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đã lộ rõ mặt trái của nó, gây ra sự mất cân bằng càng ngày càng lớn trong xã hội Trung Quốc và làm các mâu thuẫn trong xã hội càng ngày càng thêm sâu sắc.

NHỮNG HỆ LỤY KINH HOÀNG

Cái vỏ phồn vinh hôm nay tại Trung Quốc đang đi kèm với những mâu thuẫn chồng chất trong xã hội và đang được đẩy tới mức độ căng thẳng chưa từng có.

1. Đạo đức xã hội tuột dốc không phanh, con người trở nên vô cảm

Bạo lực kết hợp với tuyên truyền chủ nghĩa duy vật đã huỷ hoại hoàn toàn nền đạo đức Trung Quốc. Chủ nghĩa duy vật mà ĐCSTQ tuyên truyền đã tiến một bước phát sinh ra “chủ nghĩa tôn sùng vật chất”, “chủ nghĩa sùng bái kim tiền”, “chủ nghĩa hưởng lạc”, cuối cùng dẫn đến “chủ nghĩa duy lợi”, nó dẫn dắt con người thực sự đi đến chỗ đạo đức suy bại, tha hóa. “Đạo đức bao tiền một cân?”, câu nói này chính là điển hình cho tư duy logic của “các nhà chủ nghĩa duy vật” chịu nhận giáo dục của ĐCSTQ mà sinh ra. Chính vì vậy, họ thờ ơ với sinh mệnh con người. “Một cá nhân chết đi chẳng qua chỉ là một đám protein thay đổi hình thức tồn tại mà thôi, không có gì to tát cả”, đây là cơ sở lý luận trọng yếu để có thể giết người mà không cảm thấy áy náy hay xót thương. Vì thế, người Trung Quốc ngày nay điều ác nào cũng dám làm. Vì kiếm tiền, chạy theo tiền mà có thể bất chấp đến tính mạng của người khác.

Một cô bé 2 tuổi bị lần lượt 2 chiếc xe tải đâm nhưng 18 người đi qua không ai giúp đỡ và cô bé đã qua đời sau đó. (Ảnh: Internet)

Cái ác thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, qua những câu chuyện chấn động khó tin: Thấy người gặp nạn không cứu để mặc họ chết; lỡ gây tai nạn rồi cán cho chết luôn để bồi thường ít hơn; sữa, thực phẩm và đồ chơi trẻ em độc hại gây chết người, v.v.. cho đến những việc gây sốc hơn nữa là cưỡng ép phá thai thứ hai trong chiến dịch kế hoạch hóa gia đình khiến hàng triệu sinh linh bé nhỏ phải vong mạng v.v.. Cái ác còn bị phủ nhận khi ĐCSTQ đàn áp sinh viên tại Thiên An Môn, đàn áp người bất đồng chính kiến, đàn áp luật sự nhân quyền, đàn áp tín ngưỡng, v.v.

2. Dục vọng tiền tài mạnh mẽ, hàng giả tràn lan, làm giàu không từ thủ đoạn

Đặng Tiểu Bình đã khởi xướng những cải cách để phát triển kinh tế đất nước, nhiệt liệt khuyến khích việc sao chép kỹ thuật phương Tây vốn đã được thực tế kiểm chứng. Sự mở đường và khuyến khích từ lãnh đạo cao nhất đã khiến người Trung Quốc từ trên xuống dưới không có khái niệm với quyền sở hữu trí tuệ.

Sản xuất hàng nhái là một lĩnh vực công nghiệp rất mạnh ở Trung Quốc, có tới 80% sản phẩm nhái tiêu thụ trên thế giới này có nguồn gốc Trung Quốc. Lối sống coi trọng vật chất ngày càng tăng cao đã dần tạo nên một tầng lớp dân chúng chuộng hàng hiệu, một xã hội đánh giá con người dựa trên vẻ bề ngoài. Hệ quả là nhiều người tiêu dùng không thể mua hàng hiệu đã chuyển sang mua hàng nhái một cách tự nhiên để có thể “ngẩng cao đầu” với thiên hạ.

Ngày nay, người Trung Quốc hầu như chỉ quan tâm đến ví tiền của bản thân, có thể làm mọi thủ đoạn để kiếm tiền cho dù là những hành vi độc ác. Hiếm có quốc gia nào khác trên thế giới mà tâm lý muốn giàu sau một đêm sôi sục như ở Trung Quốc. Chính vì thế việc làm hàng nhái, hàng giả ở Trung Quốc còn được nâng lên mức độ vô đạo đức hơn là có thể sản xuất những sản phẩm gây nguy hại đến sức khoẻ của ngay cả trẻ em, của người thân, và của cả những người bệnh đã khánh kiệt. Sữa giả, thuốc giả, thực phẩm giả, sử dụng các hoá chất độc hại cho thực phẩm, v.v.. đã là chuyện không mới ở Trung Quốc.

Ngành công nghiệp buôn bán thi thể người thật bị nhựa hóa, trong đó có các thi thể của phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, các thi thể bị mất nội tạng. (Ảnh: t/h)

Trong khi đó, ĐCSTQ đã lôi kéo toàn bộ hệ thống quân đội, công an, cùng nhiều bệnh viện, làm giàu không từ thủ đoạn, tham gia tội ác mổ cướp nội tạng sống từ người tập Pháp Luân Công, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, v.v.. để tạo nên hai ngành công nghiệp “giết mổ người – ghép tạng” và “buôn bán thi thể nhựa hóa” siêu lợi nhuận. Những việc độc ác nhất trên thế giới chưa từng có trong lịch sử thì đều có thể điểm mặt ở Trung Quốc.

3. Xã hội hủ bại, tệ nạn tràn lan

Sau khi ĐCSTQ mở cửa đất nước, giải phóng tình dục du nhập vào Trung Quốc, được phóng đại vô số lần, trở thành trào lưu của xã hội. Có thể nói mại dâm ở khắp mọi nơi, chê cười kẻ nghèo chứ không cười phường kỹ nữ, bất kể là bao hai tình nhân, ba tình nhân, tình nhân trở thành vốn để quan lại khoe khoang với nhau. Không chỉ có loạn tình dục, mà ma tuý, băng đảng, đồng tính, các loại biến dị của tư tưởng và hành vi cũng ùn ùn đổ vào Trung Quốc.

Chuyện dâm loạn trong quan trường Trung Quốc đã có từ thời Mao Trạch Đông. (Ảnh tư liệu)

Xã hội tệ nạn, hủ bại dưới thời Giang Trạch Dân có lẽ là nổi rõ nhất, bởi Giang Trạch Dân không chỉ lấy lợi ích kinh tế để làm tiêu tan nhiệt tình chính trị của người dân, mà còn tự làm gương, dẫn đầu kích động toàn bộ xã hội Trung Quốc truy cầu thanh sắc vật dục. Trong thời gian nắm quyền, ông Giang đã dùng nhiều kẻ dâm loạn trị nước, là “chim đầu đàn” của bầy chim dâm loạn. Được biết, ngoài vợ cả Vương Dã Bình, Giang Trạch Dân còn có nhiều nhân tình như Hoàng Lệ Mãn, Trần Chí Lập, Lý Thụy Anh và Tống Tổ Anh.

Dưới trướng Giang Trạch Dân, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, được cho là có đến 6 căn nhà riêng để “vui vẻ” với trên 400 phụ nữ vốn là quà tặng hối lộ của các quan chức khác. Cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Lý Đông Sinh từng là Phó Giám đốc CCTV, không chỉ biến nhiều nữ phóng viên CCTV thành người tình, còn cung cấp mỹ nhân CCTV cho giới quan chức cấp cao tại Trung Nam Hải. Cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu được thông báo đã qua đời ngày 16/3/2015 không phải chết vì ung thư bàng quang, trên thực tế là vì biến chứng bệnh AIDS. Thông tin cho biết, cuộc sống riêng tư của ông Từ vô cùng dâm loạn, ngay cả trong thời gian bị bệnh hoa liễu vẫn tìm thú hoan lạc. Cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng đã ba lần bị tố cáo ngoại tình. Thống kê cho thấy, có 65% vụ án hủ bại của quan chức năm 2013, 2014 của Trung Quốc và 85% vụ án hủ bại về lĩnh vực kinh tế có liên quan đến tình dục ngoài hôn nhân, giao dịch đổi chác giữa nhan sắc và quyền lực.

Và để duy trì cuộc đàn áp Pháp Luân Công, Giang Trạch Dân đã không ngừng bao che, dung túng, trợ giúp cho các quan chức tham ô hủ bại. Chỉ cần tham gia đàn áp, thì càng tham ô, càng được đề bạt trọng dụng. Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Tô Vinh v.v.. đều là ví dụ điển hình. Dưới sự dẫn đầu của “nóc nhà” Giang Trạch Dân, thì ở trên là các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, dưới là các chi bộ nhỏ ở cơ sở như Ủy ban thôn, Ủy ban thị trấn, tất cả các cấp quan chức của ĐCSTQ đều đã trở nên cực kỳ hủ bại.

4. Hối lộ, tham nhũng hoành hành

Tham nhũng dưới sự thống trị của ĐCSTQ, đến hôm nay trên thế giới không có cái thứ hai, lịch sử của nhân loại cũng không có cái thứ hai. Tham nhũng của ĐCSTQ là toàn Đảng tham nhũng, là tham nhũng của chế độ. Những vụ án tham ô trên 100 triệu nhân dân tệ đã trở thành một xâu chuỗi: Nguyên Thường ủy Bộ Chính trị ĐCSTQ, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương Chu Vĩnh Khang tham nhũng tài chính 129 triệu nhân dân tệ (thực tế còn vượt xa con số này); nguyên Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Quảng Đông Chu Minh Quốc tham ô 232 triệu nhân dân tệ, nguyên phó Chánh án toàn án tối cao Hề Hiểu Minh tham ô 115 triệu nhân dân tệ, nguyên Giám đốc Công an thành phố Thiên Tân Vũ Trường Thận tham ô 527 triệu nhân dân tệ, nguyên Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Hà Bắc Trương Việt tham ô 158 triệu nhân dân tệ, nguyên giám đốc tổng công ty cung cấp nước khu Bắc Đới Hà thành phố Tần Hoàng Đảo tỉnh Hà Bắc, những nhân viên điều tra vụ án đã tìm ra 120 triệu nhân dân tệ, 68 chứng từ bất động sản, và 37kg vàng trong nhà.

tu hinh, Bạc Hy Lai,
Quan chức Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công để leo lên đỉnh quyền lực. Tuy nhiên, khi xảy ra thanh trừng nội bộ thì những người này lần lượt ngã ngựa với tội danh tham nhũng. (Ảnh: Internet)

Tham nhũng đã trở thành một phần quy tắc sinh tồn của xã hội Trung Quốc, và trong tâm người dân đành phải âm thầm tiếp nhận. ĐCSTQ còn thường xuyên tuyên truyền: “Tham nhũng, quốc gia nào mà không có tham nhũng?”; “Sơn trại, đạo văn, thời kỳ đầu thúc đẩy kinh tế thì quốc gia nào mà không từng đạo văn?”; “Rối loạn tình dục, quốc gia nào mà không có quan viên như vậy?”; “Mại dâm, có những quốc gia còn là hợp pháp!”. Những câu này thoạt nghe rất có lý, nhưng thực ra đó là một cái bẫy ngụy biện, đánh lạc hướng do Đảng tạo ra để bao che cho Đảng. Bởi vì người dân không thấy được sự thật, dưới “nhất ngôn đường”, họ dần dần đều tiếp thụ sự giảo biện vô lý méo mó này.

Một khi bình thường hoá, hợp lý hoá tà ác rồi thì Trung Quốc sẽ vĩnh viễn mất đi cơ hội để sửa sai tiến bộ. Xem cách ĐCSTQ quét sạch đồi truỵ và chống tham nhũng, thì càng quét càng đồi truỵ, càng chống tham nhũng thì càng tham nhũng. Bởi vì chỉ cần không uy hiếp đến sự thống trị của ĐCSTQ, nó căn bản sẽ không tiêu trừ.

5. Suy thoái sinh thái, môi trường bị tàn phá nặng nề

Người dân Trung Quốc đang chết dần vì ô nhiễm. Bầu trời sương mù khói bụi không thấy mặt trời đã trở thành cơn ác mộng của cư dân Bắc Kinh những năm qua. New York Times cho biết, không khí ô nhiễm đã gây ra khoảng 1,6 triệu người chết mỗi năm, tức chừng 4.400 người/ngày. Tháng 4/2015, tổ chức Hòa bình xanh Đông Á (Greenpeace East Asia) nói rằng, trong 360 thành phố Trung Quốc, hơn 90% không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường quốc gia của chính nước này.

Sự bùng nổ công nghiệp của Trung Quốc những năm 1990 và những năm đầu của thế kỷ 21 đã làm thay đổi làng quê với các mạng lưới đường cao tốc lớn đi qua. Nhà máy cũng bắt đầu mọc lên như nấm quanh các hồ nước ngọt, kéo theo cảnh người dân mắc ung thư do đất bị ô nhiễm từ các nhà máy. Một số chuyên gia xã hội dân sự ước tính, có 450 làng ung thư ở Trung Quốc và tin rằng hiện tượng này đang lan rộng.

Đường phố Bắc Kinh chìm trong khói bụi. (Ảnh qua Tân Hoa Xã)

Chặt cây, san lấp sông hồ bừa bãi cũng gây nên sự suy thoái sinh thái trầm trọng ở Trung Quốc. Ngày nay, hệ sinh thái của Trung Quốc đang ở bên bờ sụp đổ. Sự khô cạn của sông Hải Hà và sông Hoàng Hà và sự ô nhiễm của Sông Hoài và Sông Dương Tử (Trường Giang) đã cắt đứt đường sống mà đất nước Trung Quốc đã dựa vào để tồn tại hàng nghìn năm qua. Với sự biến mất của đồng cỏ ở Cam Túc, Thanh Hải, Khu Nội Mông, và Tân Cương, những trận bão cát đã có đường tấn công vào những khu vực đồng bằng trung tâm.

Sự hủy hoại môi trường và ô nhiễm đứng vào hạng xấu nhất trên thế giới của Trung Quốc có nhiều nguyên nhân: Ý thức thấp kém của cộng đồng; sự ham muốn làm giàu bằng mọi giá của nhiều tầng lớp người dân; sự thiếu quy hoạch căn bản trong kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn; tình trạng tham nhũng của giới chức bảo vệ môi trường; tư duy xem trọng thành tích phát triển ngắn hạn hơn là an sinh xã hội dài hạn – hay nói cách khác là sự bám rễ của thói xấu hám danh hám lợi. Hiện tại, tình hình tệ hại đến mức Trung Quốc gần như không thể chấn chỉnh được sự hỗn loạn của vấn nạn môi trường.

6. Phân hoá giàu nghèo ngày càng sâu sắc

Hiện nay, ĐCSTQ lấy tăng trưởng kinh tế làm căn cứ hợp pháp cho sự cầm quyền của nó. Một số ít thành phố dựa vào chính sách đặc cách và vốn đầu tư nước ngoài, tạo nên cảnh tượng phồn vinh về những tòa nhà cao ốc san sát nối tiếp nhau. Nhưng nếu chuyển tầm nhìn từ các thành phố lớn đến nông thôn, từ duyên hải vào nội địa, từ giai cấp thu được nhiều lợi ích sang tầng lớp bình dân thành thị và nông dân vốn chiếm 80% dân số Trung Quốc, thì sẽ phát hiện ra rằng, nghèo khổ đến kinh ngạc vẫn là một thực tại đáng sợ của Trung Quốc. Bảng báo cáo về Sự Phát triển Con người của Liên Hiệp Quốc năm 2013 cho thấy 13,1% dân số Trung Quốc vẫn sống dưới mức 1,25 USD/ngày.

Chênh lệch giàu nghèo. (Ảnh: Internet)

Những người công nhân đã từng nghe “Đảng bảo sao thì làm vậy”, đổ bao mồ hôi, hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho đảng, thì giờ là một trong hai tầng lớp chịu nhiều thiệt thòi nhất. Nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ đã khiến hàng chục triệu công nhân thất nghiệp. Cùng lúc với mất đi việc làm thì họ cũng mất hết toàn bộ phúc lợi xã hội mà đơn vị cung cấp, bao gồm nhà ở, giáo dục, bảo hiểm y tế, lương hưu, v.v.. Không chỉ có vậy, hi vọng của người công nhân về thế hệ kế cận cũng bị phá tan, một gia đình công nhân không cách nào trả nổi tiền học phí học đại học cho con cái.

Người giàu ở Trung Quốc phần lớn là con cái của quan chức cấp cao, trong đó có hơn 2.900 con cái quan chức có tổng tài sản đến 2.000 tỷ nhân dân tệ. Theo nghiên cứu “Báo cáo phát triển dân sinh Trung Quốc năm 2014”, 1% gia đình sở hữu 1/3 tài sản (trở lên) của toàn quốc, còn 25% số gia đình ở tầng thấp nhất chỉ sở hữu 1% tài sản. Con số 1% số người giàu Trung Quốc Đại Lục kể trên đều là gia đình quan chức Cộng sản Trung Quốc hoặc người thân của họ.

KẾT LUẬN

Thực hiện theo “Tư tưởng Đặng Tiểu Bình”, Trung Quốc đã mở cửa kinh tế hết cỡ, dùng mồ hôi và xương máu của công nhân Trung Quốc để kiếm tiền. Tuy nhiên, những người giàu nhất, nhận nhiều tư bản nhất chính là các quan chức của ĐCSTQ. Theo WikiLeak, các quan chức Trung Quốc có hơn 5.000 tài khoản cá nhân tại các ngân hàng ở Thụy Sĩ, 2/3 trong số đó là của các quan chức cấp trung ương. Ngoài ra, hầu hết các quan chức của ĐCSTQ làm việc tại Hồng Kông đều có tài khoản ngân hàng tại Thụy Sĩ. Trong khi đó, người dân thường Trung Quốc vẫn oằn mình kiếm miếng ăn.

Để thỏa mãn tham vọng kinh tế, chính quyền Trung Quốc chủ trương tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá khiến xã hội mất đi các tiêu chuẩn đạo đức ước chế. Chính sách quản lý kinh tế lỏng lẻo và che giấu thông tin khiến cho các sản phẩm kém chất lượng, độc hại đầy rẫy trong xã hội Trung Quốc. Bất bình đẳng xã hội trở nên gay gắt, và tham nhũng tràn lan ở cả trong nhà nước và ngoài xã hội, mọi lĩnh vực xã hội đều tràn đầy bất mãn. Số người giàu có chạy trốn khỏi đất nước ngày càng tăng, giới trung lưu bị tù hãm, hệ thống chính trị bị hóa thạch và ngày càng tăng cường đàn áp. Cùng lúc, đất nước không chấp nhận cải tổ chính trị và luật pháp bởi vì nó động chạm trực tiếp tới tính độc tài và chuyên quyền của ĐCSTQ.

Đứng trước vẻ hào nhoáng của nền kinh tế đứng thứ nhì trên thế giới nhưng giới chức cấp cao Trung Quốc lại lên kế hoạch ‘cao chạy xa bay’. Trên 85% số Thường ủy viên, Ủy viên Dự khuyết và Ủy viên Ban Kỷ luật Trung ương của Đại hội 17, có con cái định cư và mua nhà ở nước ngoài (theo điều tra của Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều trước Đại hội 18). Năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền kiêm Thường ủy viên tỉnh Giang Tô phải công khai thừa nhận rằng, trong quan trường có rất nhiều quan chức “thân tại Tào mà lòng tại Hán”, đã đưa gia đình, tiền bạc và tài sản chuyển hết ra nước ngoài.

Một đất nước nếu thật sự tốt đẹp và phát triển, vì sao những người điều hành đất nước đó lại phải thủ sẵn một con đường riêng để tháo chạy bất cứ lúc nào?

Mời Quý độc giả đón xem kỳ 6

Ad will display in 09 seconds

Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

Ad will display in 09 seconds

Người cá đang sống ở đâu?

Ad will display in 09 seconds

Không gian khác có thật sự tồn tại

Ad will display in 09 seconds

Vì nó là bạn cháu!

Ad will display in 09 seconds

Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

Ad will display in 09 seconds

Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

Ad will display in 09 seconds

3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

Ad will display in 09 seconds

3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

  • Vì sao không làm việc gian dâm nhưng  vẫn bị Thần trách phạt?

    Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

    Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

  • Người cá đang sống ở đâu?

    Người cá đang sống ở đâu?

  • Không gian khác có thật sự tồn tại

    Không gian khác có thật sự tồn tại

  • Vì nó là bạn cháu!

    Vì nó là bạn cháu!

  • Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

    Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

  • Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

    Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

  • 3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

    3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

  • 3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

    3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng