Đạo trị quốc của minh quân xưa: Công bằng là quan trọng nhất
Trong cách dùng người của cổ nhân, “công bằng” chính là yếu tố tối quan trọng, nó không chỉ khiến uy danh của bản thân được nâng cao, mà còn khiến lòng người quy phục.
Đường Thái Tông: Công bằng là quan trọng nhất
Triều đại nhà Đường được đánh giá là triều đại cường thịnh nhất trong lịch sử. Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nhà Đường cường thịnh chính là đạo trị quốc của Hoàng đế Đường Thái Tông. Bất luận là với người bên trên hay người bên dưới thì Hoàng đế nhà Đường đều vô cùng chú trọng đến sự công bằng chính trực.
Trong cuốn “Trinh quan kí yếu” có ghi chép: Một lần, Hoàng đế Đường Thái Tông nói với Tể tướng Phòng Huyền Linh rằng: “Trẫm gần đây có gặp một số cựu đại thần của nhà Tùy. Họ đều khen ngợi Cao Quýnh là một vị Tể tướng có tài đức. Vì thế trẫm đã phải tìm tiểu sử của ông ta để đọc lại.
Thực sự có thể nói người này rất công bằng chính trực, giỏi về phương diện trị quốc. Sự an nguy của nhà Tùy có liên quan mật thiết đến sự sống chết của ông ấy. Đáng tiếc là gặp phải hôn quân Tùy Dạng Đế vô đức mà bị giết một cách oan uổng. Trẫm ngay cả khi đọc sách cũng phải buông xuống mà khâm phục, ngưỡng mộ ông ấy.
Hơn nữa, thời nhà Thục Hán, Gia Cát Lượng làm thừa tướng cũng công bằng chính trực vô cùng. Ông ấy từng dâng biểu tấu bãi quan và đề nghị Liêu Lập, Lý Nghiêm lưu đày đến Nam Trung. Về sau Liêu Lập nghe tin Gia Cát Lượng qua đời đã khóc mà nói: ‘Chúng ta có lẽ sắp mất nước rồi!’.
Lý Nghiêm nghe tin Gia Cát Lượng qua đời cũng đau buồn, phát bệnh mà chết. Bởi vậy mà quan nhà Thục Hán là Trần Thọ nói: ‘Gia Cát Lượng cầm quyền, chân thành và công bằng, tận trung với quốc gia, lúc ấy đã làm được rất nhiều việc có lợi cho quốc gia. Cho dù là kẻ thù mà nên được khen thưởng, ông cũng nhất định khen thưởng. Đối với người lơ là trách nhiệm, vi phạm pháp luật thì cho dù đó là người thân cận nhất thì nhất định cũng bị trừng phạt’.
Chúng ta chẳng lẽ không ngưỡng mộ và học tập theo họ sao? Trẫm xưa nay vẫn luôn luôn ngưỡng mộ những bậc Đế vương hiền đức đời trước. Các khanh cũng phải ngưỡng mộ những vị tể tướng hiền đức đời trước. Nếu có thể làm được như vậy thì địa vị cao quý và danh tiếng vinh hiển mới được bảo trì lâu dài”.
Tể tướng Phòng Huyền Linh nghe xong, đáp lời: “Thần nghe nói việc thống trị quốc gia, mấu chốt là ở chỗ công bằng chính trực. Cho nên, trong ‘Thượng Thư’ viết: ‘Không kết bè kết cánh thì vương đạo mới được mở rộng, không kết bè kết cánh thì vương đạo mới được bằng phẳng’.
Ngoài ra, Khổng Tử còn giảng: ‘Dùng người chính đạo, mà bãi bỏ người tà ác thì dân chúng liền tâm phục quy thuận’. Hiện giờ Thánh thượng tôn sùng nguyên tắc trị quốc công bằng chính trực, có thể dùng để cai quản quan lại và giáo hóa thiên hạ’”.
Hoàng đế Đường Thái Tông nói: “Đây đúng là ý muốn của Trẫm!”
Nhạc Phi: Thưởng phạt phân minh
Trong cách dùng người, không chỉ có Gia Cát Lượng thời Tam Quốc là vô cùng coi trọng sự công bằng chính trực mà Nhạc Phi – nhà quân sự lỗi lạc thời Nam Tống cũng coi trọng sự công bằng, thưởng phạt phân minh.
“Đống tử bất sách ốc, ngạ tử bất đả lỗ”, tạm dịch: Thà chết rét cũng không cướp nhà của dân, thà chết đói cũng không cướp lương thực của dân, đó là khẩu hiệu của “Nhạc gia quân” (đội quân Nhạc Phi thống lĩnh), đồng thời cũng là lời mô tả chân thực về đội quân này.
Những kẻ làm hư hại trang trại, hoa màu, làm trở ngại đến việc của nhà nông, mua bán bất công … đều bị xử trảm. Thời cổ đại, kẻ nào không thi hành theo mệnh lệnh thì bị xử trảm, điều này rất nhiều đội quân làm được. Cũng có không ít đội quân tự xưng là xử chém những kẻ làm hư hại trang trại, hoa màu, mua bán bất công. Nhưng thực sự làm được như lời đã nói thì chỉ có “Nhạc gia quân”.
Vì thế, “Nhạc gia quân” đi đến đâu thì dân chúng ở đó đều hân hoan chào đón. Thậm chí có nhiều người xúc động mà bật khóc.
Quân sỹ bị bệnh, Nhạc Phi đích thân tới ân cần thăm hỏi, vỗ về. Gia đình quân sỹ gặp khó khăn, ông sai các cơ quan tặng nhiều gấm lụa và bạc trắng. Tướng sỹ hy sinh, thì ngoài việc quan tâm an ủi, thậm chí ông còn bảo con trai lấy con gái của người đã hy sinh, không có ai chăm sóc ấy làm vợ.
Đồng thời ông cũng thường xuyên thăm hỏi góa phụ của các tướng sỹ đã hy sinh. Bởi vì các tướng sỹ đều đồng tâm nhất trí, có chế độ thưởng phạt công minh rõ ràng nên “Nhạc gia quân” trở thành một đội quân hùng mạnh, khó có thể phá vỡ.
Cổ nhân có câu: “Đắc dân tâm giả đắc thiên hạ”, người được lòng dân thì được cả thiên hạ hay “muốn yên được thiên hạ thì phải có được lòng người.” Cho nên, có thể thấy đạo trị quốc của các bậc minh quân xưa thực sự đáng giá cho người đời sau học tập.
Theo Trithucvn