Con người dù xảo biện đến đâu cũng không thể gạt Thần Phật
Con người với vẻ ngoài khôn lanh, giảo hoạt, làm nhiều việc xấu nhưng lại giấu giếm đi một cách khôn khéo, nghĩ rằng sẽ che mắt được tất cả. Tuy nhiên, con người không thể gạt Thần Phật, cho dù có tinh khôn lanh lợi đến đâu, lúc thác rồi chắc chắn sẽ phải hoàn trả nghiệp mình từng gây ra.
Vào triều Minh tại thị trấn miền núi tỉnh Tứ Xuyên có một vị quan họ Ngô nức tiếng thanh liêm. Dân làng ai ai cũng kính trọng vị quan này vì ông luôn tỏ ra chính trực, đối đãi tử tế với mọi người.
Bản thân vị quan cũng cảm thấy tự hào về mình, ông cho rằng mình tích vạn Đức, chắc chắn sống thọ và viên mãn. Một ngày nọ trong trấn xảy ra tranh chấp giữa hai hộ dân, chẳng qua chỉ vì vài mét đất, nhưng vì là đất buôn bán dễ kiếm tiền nên không ai nhường ai. Tranh cãi một hồi cuối cùng hai người bèn lôi nhau lên quan để phân xử.
Sau khi nghe đôi bên trình bày, quan họ Ngô bảo hai người chờ vài hôm quay lại để nghe phân xử. Quan cho hộ vệ đi xem xét nơi hai người tranh chấp thì quả thật đó là một nơi sầm uất buôn bán rất tốt, nửa tấc đất thôi cũng đáng giá lắm rồi. Nghe vậy quan họ Ngô nổi lòng tham, nhưng ông đang tính kế làm sao để thu về phần tranh chấp đó càng khéo càng tốt mà vẫn đảm bảo mình là quan thanh liêm.
Tối hôm đó, quan trằn trọc không ngủ được, bỗng dưng thấy có hai người mặc đồ đen từ đâu xuất hiện đứng đầu giường và lệnh cho quan theo họ. Quan ngạc nhiên gọi gia nhân nhưng không hiểu sao không thể thốt lên lời và cứ thế thấy mình bị hai người mặc áo đen kéo đi đến nơi nào đó càng lúc càng tối.
Một hồi lâu, quan họ Ngô thấy mình đang ở trong căn phòng trang nghiêm, có một vị Vương chủ nhìn rất oai phong ngồi trên chiếc ngai. Vị Vương chủ đó trông rất phi thường. Quan họ Vương thấy mình bị quỳ phủ phục dưới đất, mà không cách nào đứng lên được. Ông thấy vô cùng sợ hãi không hiểu đây là nơi nào.
Vị Vương chủ cất tiếng sang sảng: “Người này sinh thời làm quan không làm tròn chức trách, phạm nhiều tội bất dung, nay cho ngâm vào vạc dầu và giao cho quỷ sứ chiểu theo hình phạt mà tiến hành”.
Quan họ Ngô nghe xong giật mình kinh sợ, hóa ra ông đang ở địa ngục. Ông vội la lớn: “Có phải Diêm vương không? Xin ngài xem lại cho tôi, tôi là quan thanh liêm, dân trấn ai ai cũng yêu phục, làm sao có thể chịu tội ngâm vạc dầu được chứ? Oan quá, oan quá”.
Vị Vương chủ không nói gì, bảo tùy tùng đưa cho quan họ Ngô xem bản ghi chép, hóa ra là sổ ghi nghiệp đức của từng người. Trong bản ghi chép ghi rất rõ về quan họ Ngô, chép rằng: “Quan họ Ngô từng thông dâm với tỳ nữ và ép uống thuốc trụy thai. Quan họ Ngô lạm dụng tiền ngân sách trên cấp cho trấn, quan họ Ngô cướp đất của dân …”.
Quan họ Ngô đọc xong sững người, hóa ra mọi hành động của ông dù được che giấu khéo léo là thế, không ai hay biết, mà vẫn bị ghi chép vào sổ ghi nghiệp đức ở dưới cõi Âm ty. Ông còn chưa kịp xin tha mạng thì đã bị quỷ sứ nhìn thật gớm ghiếc tới lôi đi xềnh xệch.
Quan họ Ngô giãy giụa thế nào cũng không thoát nổi, la hét ầm ĩ.
(Ảnh: Internet)
Bỗng dưng quan họ Ngô chợt tỉnh, hóa ra ông vừa trải qua một giấc mộng khủng khiếp. Nhưng giấc mộng ấy rõ mồn một và lại tái hiện ngay trước mắt ông từng chi tiết một. Cảm giác bị đôi bàn tay như gọng kìm của quỷ sứ túm cổ vẫn còn khiến ông nghẹt thở, dù là mộng.
Ngẫm lại, ông biết đó chính là sự nhắc nhở đối với mình, báo trước những gì ông sẽ phải hứng chịu sau khi thác đi. Kể từ sau lần ấy, quan họ Ngô đã thay đổi hoàn toàn về bản chất, ông không còn sống giả tạo trước mặt dân chúng mà chăm làm việc thiện, liêm khiết chính trực thực sự. Về sau ông lên chùa cạo đầu quy y cửa Phật, rũ bỏ mọi thứ dơ bẩn trần tục của cõi thường nhân để trả nghiệp mình gây ra.
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy một điều, con người phàm làm bất cứ điều gì về sau chắc chắn phải trả đủ. Những hành động tội lỗi có thể được che giấu khôn khéo bằng trí xảo biện và tinh ranh để qua mắt người thường, nhưng Thần Phật đều thông tường và ghi nhận, không cách nào thoát tội lúc xuống cõi Âm ty.
Theo minhbao.net