CIA đối mặt chỉ trích của từ khắp nơi trên thế giới
Mỹ đang đối mặt sức ép lớn từ cộng đồng quốc tế sau khi Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) bị cáo buộc tra tấn tù nhân.
“Không có lời biện hộ nào cho việc tra tấn con người như thế”, Tổng thống Afghanistan Asraf Ghani phát biểu, đồng thời cam kết sẽ điều tra xem có bao nhiêu người Afghanistan bị hành hạ tại các trung tâm giam giữ của Mỹ.
Bộ trưởng Tư pháp Đức là Heiko Maas cũng yêu cầu đưa những người liên quan ra trước công lý. Quan chức này nói với báo Bild: “Các hình thức tra tấn của CIA là tàn bạo và không gì có thể biện minh được. Tất cả các bên liên quan phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Tuy nhiên, ông Frank-Walter Steinmeier, Ngoại trưởng Đức, hoan nghênh ông Obama đã cho công khai thông tin trên và xem đây là sự đoạn tuyệt với người tiền nhiệm, cựu Tổng thống George W. Bush.
Trước đó, một loạt quốc gia như Anh, Trung Quốc, Nga, Triều Tiên, Iran… cũng lên tiếng phản đối. Theo đó, cựu Tổng thống Ba Lan là Aleksander Kwasniewski lần đầu thừa nhận nước này đã cho CIA dùng một cơ sở làm nhà tù bí mật nhưng không hề biết việc tù nhân bị đối xử tàn nhẫn.
Ông Kwasniewski cho biết, ông đã gây sức ép để Hoa Kỳ chấm dứt chương trình thẩm vấn tàn bạo hồi năm 2003.
“Tôi nói với ông Bush rằng việc hợp tác như thế này phải chấm dứt và nó đã chấm dứt,” ông Kwasniewski phát biểu với truyền thông trong nước.
Thủ tướng Lithuania là Algirdas Butkevicius kêu gọi Hoa Kỳ cho biết CIA có thẩm vấn các nghi can khủng bố trên lãnh thổ của họ hay không.
Một cuộc điều tra trước đây của Lithuania phát hiện, Mỹ đã thiết lập và điều hành một nhà tù ở gần thủ đô của nước họ nhưng không xác định được liệu có tù nhân nào bị giam giữ ở đó hay không.
“Theo luật pháp quốc tế, Hoa Kỳ có nghĩa vụ pháp lý phải đưa những kẻ có trách nhiệm ra trước công lý”, theo thông cáo của ông Emmerson, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về nhân quyền và chống khủng bố, từ Geneva.
Ông Kenneth Roth, Giám đốc Điều hành Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho rằng hành động của CIA là ‘tội ác’ và ‘không bao giờ có thể biện minh’.
Nội bộ nước Mỹ tiếp tục bị chia rẽ bởi bản báo cáo “bom tấn” nêu trên. Cựu phó tổng thống Dick Cheney phê phán báo cáo “có nhiều sai sót và không thể chấp nhận”. Theo ông, những gì CIA làm là cần thiết để bắt thủ phạm gây ra sự kiện 11/9/2001 cũng như ngăn các vụ khủng bố trong tương lai. Bên cạnh đó, 1 trong 2 chuyên gia tâm lý đề ra những phương pháp thẩm vấn hà khắc của CIA dưới thời Tổng thống George W. Bush khẳng định báo cáo đã đưa ra những cáo buộc sai sự thật.
Tuy nhiên, các phóng viên cho rằng khả năng truy tố các quan chức của chính quyền Bush là ‘không thể’.
Tổng thống Obama nói rằng ông hy vọng bản phúc trình này sẽ ‘làm những sự việc này trở thành chuyện quá khứ’. Ông đã cấm các biện pháp thẩm vấn hà khắc sau khi lên nắm quyền hồi năm 2009.
Một số thượng nghị sỹ Cộng hòa thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện cũng công bố một báo cáo cáo buộc bản phúc trình của Thượng viện là ‘có biện pháp phân tích mắc lỗi’, ‘không đủ tính khách quan’ và ‘mưu tính chính trị’.
Thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain, người từng là tù nhân trong chiến tranh Việt Nam, nói rằng biện pháp tra tấn ‘ít khi đem đến những thông tin đáng tin cậy.
Theo NLĐ, BBC